“Tựa vào một sự bình yên”

Thứ ba - 21/05/2024 16:09
(Đôi điều cảm nhận khi đọc tập thơ “Lặng thầm tháng Hai” của Nguyễn Văn Thích)
Cầm trên tay tập thơ “Lặng thầm tháng Hai” của tác giả Nguyễn Văn Thích, tôi có chút e dè, ngần ngại trước dự định chia sẻ đôi điều cảm nhận của cá nhân về tập thơ. Viện lí do thì nhiều, nhưng với người vốn đã có phần, có phận ở chiếu thơ Hưng Yên bấy lâu - không chỉ vì danh xưng cha đẻ của hai tập “Làng cao” và “Huyền thoại làng” mà còn vì tần suất hiện diện trên báo chí Trung ương và địa phương không ít, từ tác phẩm đến bài viết giới thiệu về ông của các “tiền bối” khác, ngần ngại cũng là lẽ đương nhiên!
111
Ấy thế mà theo mạch thơ thủ thỉ, thâm trầm, đa nghĩa của người đã đi đến mùa thu đời người Nguyễn Văn Thích, tiếng đồng cảm, đồng vọng bỗng cựa quậy không thôi. Có gì đó như thúc giục, như nhắn nhủ lòng người “Ta chỉ vô tình mà sao cố ý/ Cứ như nghiêm, lại cứ như đùa” khi biết rằng “Đặt cái đẹp kề bên cái đẹp/ Chắc gì cái đẹp sẽ đẹp hơn!” (Hoa cuối tháng mười).

Với mỹ cảm khác lạ ấy, Nguyễn Văn Thích bắt đầu cuộc hành trành giải mã những ẩn ức của mình. Ngay tại sân ga đầu tiên, đích đến từ thời gian vật lý: xuân, hạ, thu, đông đã lập tức bị “ảo hóa” thành không - thời gian tâm tưởng với mênh mông, diệu vợi, mơ hồ:

“Đi từ đầu mùa đông đến cuối mùa thu
tìm hương thu, sắc lá...
hương tan vào chiều, sắc loãng khoảng không
(Tìm thu)

Cung bậc cảm xúc lãng đãng, chống chếnh khôn cùng, nhìn không thấy, cầm không được, nhớ không xong còn bị người thi sĩ đẩy lên cao trào ngay ở bài thơ thứ hai “Những ngày này giá rét”. Cả bài có 3 khổ thơ thì khổ nào cũng mở đầu bằng câu thơ buốt lạnh “Những ngày này giá rét” như cắt cứa, bủa vây nhân vật trung tâm:

“Hình như nắng cũng theo người đi hết
Để âm u phủ đến tận cùng”

Dù lãng đãng đến đâu, e rằng ta cũng khó đủ dũng khí theo người thơ đi đến tận cùng nơi u tịch hồn anh, nếu cấp độ này cứ tiếp tục nâng cấp. May thay, cảm động thay, thơ anh không yếu mềm, ủy mị đến thế, sau cùng, anh vẫn là anh ở hai chiều cảm xúc, một đau đáu, dữ dội của chiều sâu nhận thức, triết lý, một dịu dàng, nho nhã của chiều rộng nhân sinh, đa cảm, đa tình. Và rất thật, anh không hề giấu diếm, sợi dây bé nhỏ, mong manh mà đủ sức neo giữ anh không trật khỏi nhịp điệu cuộc đời, để trái tim luôn thao thiết suy tư của anh luôn được “tựa vào một sự bình yên” chính là: 

“quà tặng là dòng sông, cây cầu, vạt cỏ
em tựa lưng vào đó
như tựa vào một sự bình yên”
(Ngày sinh em)

Ẩn sau dáng vẻ dịu dàng, kiệm lời cùng nụ cười xòa rất mực hiền lành, nhẫn nại một Nguyễn Văn Thích luôn tìm tòi, khám phá, giải mã đến tận cùng vấn đề. Vậy nên, thường trực nội tâm anh là những câu hỏi cần tìm đáp án: 

“Sao lại là tháng ba?
để lẻ loi cả những điều chưa đến
để bâng khuâng cả những lời chưa hẹn
để bồn chồn trong rét nàng Bân”
(Câu hỏi cũ)

Không hiểu sao, mỗi lúc đọc lại những câu hỏi “Sao lại là tháng ba?” này, tôi lại có cảm giác rất chân thật về sợi cước, nhỏ thôi, trong văn vắt thôi mà từng chút, từng chút xiết vào lòng không đường tháo cởi. Là ai đang hỏi và lại ai đang trả lời mà sao đồng thanh, đồng khí đến vậy. Nguyễn Văn Thích đang ở vai nào, người hỏi hay người đáp, hay anh đang tự xé đôi bản thể của chính mình để thỏa mãn cuộc độc thoại nội tâm? Tháng ba cứ trở đi trở lại trong tâm tưởng người quê chưa thôi nhung nhớ. Tháng ba của người làm nông nên chỉ tính chuyện âm dương, chỉ trọng tháng lẻ, số lẻ cho sinh sôi nảy nở, cho mùa màng bội thu. Tháng ba của những cuộc giã bạn sau bao ngày lễ hội nồng thắm, nhiệt thành nên luyến nhớ, bâng khuâng. Tháng ba của cái rét vớt, rét bù níu kéo bước thời gian trước khắc xuân tàn, hạ đến. Tháng ba:

“để nắng cũng gian truân
để nỗi nhớ, tiếng lòng không rõ nghĩa
để mọi thứ cũng lang thang như gió
thả nỗi niềm hoang hoải chốn hư không”

Và tháng ba của ám ảnh khôn nguôi những ngày đói lạnh buổi nông nhàn dường như ghim lại mãi trong câu thơ đầy tiếng khóc “sao tiếng khóc cũng run ngày giáp hạt?”. Ôi chao, có ai mà không nhớ cái thời “tháng ba ngày tám” đầy cơ cực, đói khổ ấy, nhưng sao có thể đi vào thơ “đau” và “lạnh” sống lưng đến vậy?

Dường như vết sẹo về thủa đói nghèo đã bâm quá sâu vào ký ức nên Nguyễn Văn Thích không chỉ thăng hoa trong bài thơ “Câu hỏi cũ” mà câu chữ cũng cùng anh “lên đồng” rất thành công với bài thơ “Giáp hạt”.

“Con chim chào mào tinh nghịch
đẩy chùm hoa gạo xuống sông
hình như nàng Bân đã ấm
nên không thử áo cho chồng

bông lúa ngoài đồng trĩu ngọn
tháng ba giáp hạt đang về”

Ôi cái đói nghèo đeo đẳng quá, và còn ai vào đây là nhân chứng sống, là vết son ấm lại cả vạt sẫm trầm những ngày giáp hạt nếu không phải những người mẹ tảo tần sớm khuya? Lòng mẹ thật bao la, rộng lớn! Thủa xưa, vịn vào mẹ, Nguyễn Văn Thích vượt qua tuổi thơ đói lạnh. Ngày nay, vịn vào mẹ, ông có được những hình ảnh thơ thật đẹp:

 “mẹ gánh trên vai hạt sữa
 lưng chiều tròng mắt đỏ hoe”
(Giáp hạt)

“Quê hương chảy theo triền đê sông Cái
Mẹ tắm cho ta bằng nước mắt cô Kiều”
(Tìm thấy một điều)

Thế mạnh của thơ Nguyễn Văn Thích không ở chuốt từ, gọt tứ, cũng không phải ở cách ông tung tẩy trong thể thơ tự do, mà ở những chiêm nghiệm, những suy nghĩ sâu sắc, đầy tính triết lí được ông diễn đạt nhẹ nhàng, giản dị qua những lời thơ:

“Mẹ thường bảo giữa quan và giặc
Chỉ cách nhau trong khoảng tối, khoảng ngày

Tưởng đã lớn mà sao còn bé xíu
Chặng đường xa vẫn chẳng hiểu lẽ đời”
(Tìm thấy một điều)

Chớ bảo ta là sắc sảo
Ta chỉ nói lời con tim
Chớ bảo ta là khờ khạo
Đời ta đã lắm nổi chìm
(Chớ bảo)

Như bao người yêu thơ và làm thơ khác, Nguyễn Văn Thích hẳn nhiên không thể cưỡng nổi mật ngọt của nàng thơ mang tên “em”. Người yêu dấu ấy khiến cho một trái tim tưởng chừng đầy lý tính cũng phải tan chảy - một lần nữa, lại may thay, nhờ đó mà anh và người yêu thơ anh lại có duyên gặp được những câu thơ thật hay, như đôi cặp lục bát dù đã bị/được tác giả vô tình hay cố ý bẻ đôi để làm mới về mặt hình thức thì cứu cánh nâng đôi cánh thơ bay cao vẫn là tình ý dạt dào:

“Chưa gặp mặt
Chỉ thấy lời
Mà sao ấm cả đoạn đời phía sau

Chẳng của nhau
Cũng vì nhau
Chỉ thương sợi gió bắc cầu mỏng manh”
(Người chưa gặp mặt)

Nhưng như đã nói, cái tạng nặng suy tư, lúc nào cũng rạch ròi “hai mặt của một vấn đề” luôn xen vào giữa cơn say sóng của chàng trai, để cả lúc:
“Dường như chỉ còn hai đứa
Những tán thông tròn cằn khô trên đá
Nào ngờ xanh lại trẻ trung”
(Chiều Phật Tích)

những tưởng cơn yêu vồ vập sẽ khiến anh dũng cảm mà thực hiện cái thiên chức của kẻ săn mồi, kẻ chiếm hữu:
“Có được vành môi
Thì anh chấp cả vòm trời đầy sao”
(Giá mà)

cuối cùng, anh vẫn tỉnh giữa lúc cần say, để biết rằng giữa hai người là cả một trời cách biệt:

“Giá mà
Chẳng thấp, chẳng cao
Thì anh đâu phải ước ao…
Giá mà!”

Và cái phần “con”, phần chỉ biết yêu bằng cảm xúc đã bị phần “người” đầy lý trí kịp thời phanh lại. Dừng đấy mà nhung nhớ vẫn vơi đầy, tương tư dài dằng dặc. Họ vẫn “đón” “đưa” trao nhận những tình ý nồng nàn:

“Anh đón
bằng trái tim của người "xưa nay hiếm"
em đưa
bằng ánh nhìn mùa thu”
(Nghe)

Giữa thời đại 4.0 này, đành gửi nhớ, gửi yêu trên dòng Facebook:
“bao nỗi nhớ cứ tích vào đầy ắp
ánh mắt, làn môi trên dòng fb (Facebook)
đưa nhau lên đến tận trời”
(Chỉ một thôi đường)
và trên những vần thơ:
“Chắt chiu từ lòng chân thật
Gom từ vụn vỡ thời gian
Dẫu rằng vần thơ không cánh
Cũng cho bao thứ ngập tràn”
(Vẫn mơ)

cùng giọt giọt cà phê mang tên “vũ trụ tương tư” mỗi ngày:

“Chắt từ hoa, lọc từ cây.
Ly cafe đắng làm say lòng người
Câu thơ theo gió về trời.
Có chăng ánh mắt, nụ cười còn vương
(Vô đề 1)

Thôi cũng đành lấy cái đắng này khỏa lấp cái đắng kia, ngõ hầu “tựa vào một sự bình yên” giữa lúc tim đầy bão nổi!

 
Thanh Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây