Ký ức sông quê

Thứ ba - 28/01/2025 17:11
Như bao miền quê khác ở đồng bằng Bắc bộ, quê tôi cũng có một dòng sông nhỏ, chảy qua. Đó là con sông đào được mang tên là Cửu An. Dòng sông ấy vốn đã đẹp, lại càng đẹp và thơ mộng hơn bởi có cây cầu gỗ sừng sững bắc qua sông. Xa trông cây cầu gỗ như con rồng uốn cong, vươn mình nhô cao những nhịp cầu khỏi mặt nước trong xanh, nối đôi bờ thôn quê yên ả để cho người dân đi lại dễ dàng thuận lợi. Gắn bó với sông quê từ thuở lọt lòng nên tôi có nhiều kỷ niệm với dòng sông.
song que
Ảnh minh họa

Khi tôi sinh ra đã có sông Cửu An rồi, hỏi người cao tuổi trong làng con sông được đào từ năm nào, các cụ cũng chỉ biết đó là dòng sông có từ rất lâu đời. Cứ như những gì tôi chứng kiến thì đây là dòng sông an lành, đúng như tên gọi của nó. Ngoài việc phục vụ đời sống dân sinh đôi bờ, dòng sông còn mang phù sa, nước mát tưới cho ruộng đồng, cây trái quê tôi bốn mùa xum xuê, xanh tốt, quả ngọt, hoa thơm.

Những đứa trẻ chúng tôi được tắm nước sông quê ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ. Lần nào cũng vậy, mỗi khi tắm cho anh em chúng tôi, mẹ đều dùng đôi bàn tay mảnh mai vớt lên những giọt nước trong, mát, ngọt lành của dòng sông, từ từ nhỏ vào miệng chúng tôi rồi nói lên nỗi niềm, mong ước của mẹ với các con “uống nước ao vừa cao vừa lớn, uống nước sông vừa rộng vừa dài”. Cứ thế, theo năm tháng chúng tôi lớn lên trong vòng tay của mẹ, rồi trưởng thành, đi xa và nỗi nhớ dòng sông theo suốt cuộc đời.

Ở quê tôi, nhà nào ở cạnh sông cũng có một cây cầu nho nhỏ, đơn sơ bằng tre, hay bằng những thanh gỗ chắp vá, nhà nào khá giả thì xây gạch thành bậc ra sát mép nước sông (thường gọi là cầu ao sông). Đây là lợi thế rất to lớn của những nhà ở cạnh sông thời xa xưa, bởi ngày đó, ông bà, thầy bu tôi chủ yếu là dùng nước sông và nước ao để phục vụ đời sống, sinh hoạt chứ làm gì có nguồn nước phong phú, đa dạng như bây giờ. Thế nên bố tôi dùng vài ba cây tre bắc một chiếc cầu  nho nhỏ sát cạnh bờ sông. Hàng ngày gia đình chúng tôi giặt rũ, tắm rửa, vo gạo, rửa rau, gánh nước ăn, nước tưới cây, tất tật đều lấy lên từ chiếc cầu tre nhỏ bắc trên sông ấy.

Nước sông ngày ấy sạch sẽ, không bị ô nhiễm mất vệ sinh như bây giờ. Nhiều hôm đi làm đồng về, bố đi thẳng xuống cầu ao sông, lấy tay khỏa khỏa mấy cái rồi vốc nước lên miệng uống ừng ực cho đỡ cơn khát. Nước sông ngày đó sạch bởi hầu như không có nước thải từ sinh hoạt của con người, vật nuôi đổ trực tiếp xuống dòng sông. Nước từ trong đồng có đổ ra sông cũng là nguồn nước không bị ô nhiễm, độc hại bởi tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật... Thế nên gánh mươi thùng nước đổ vào chum, hoặc vại, cho vào một ít phèn chua, ít giờ sau nước trong veo, là có thể sử dụng được: thổi cơm, đun nước uống và chế biến thức ăn.

Ngày ấy, đường bộ đi lại còn khó khăn, nên dòng sông đào quê tôi còn là tuyến đường thủy nội địa, thuyền bè qua lại tấp nập, khi là những chiếc thuyền đinh, thuyền nan chở than, chở mía, thuyền chài, thuyền câu, thuyền đánh cá, lúc là bè gỗ, bè nứa xuôi dòng về hạ lưu chạy qua, chạy lại… Tất cả không khí sinh hoạt bình thường đó như tạo nên bức tranh phong cảnh thủy mặc, hữu tình của làng quê, đẹp như tâm hồn, thể chất của những người dân yêu lao động. Trên những chiếc thuyền đinh hoặc thuyền nan to thường là những chàng trai vạm vỡ, khỏe mạnh cắm sào làm nhiệm vụ đẩy thuyền đi, khi gặp những cô thôn nữ tắm giặt hay làm gì đó bên bờ sông họ thường cất lời trêu ghẹo kiểu như: Cô em giặt áo bên sông/Có muốn lấy chồng lát nữa anh sang, hay Hỡi em má đỏ hây hây/Chiếu hoa anh chải chưa ai nằm cùng... Không ngần ngại, thiếu nữ cất tiếng đáp lời lại có phần gay gắt, chanh chua của những người ở “cành trên”: Chấp chi cá mại theo gầu/Chấp chi con trẻ bú bầu sữa non… thế là đủ để khúc sông quê sóng sánh, vang vọng tiếng cười của những đôi nam nữ trêu nhau.

Vùng nước dưới cầu ao sông có nhiều điều thú vị, nơi ấy như thỏi nam châm cực lớn thu hút đám trẻ chúng tôi. Trước hết đó là bể bơi tự nhiên để bọn trẻ chúng tôi cùng nhau tắm mát suốt những tháng hè nóng nực. Có những hôm nóng bức quá, vừa tắm xong, mới khô người chúng tôi lại cùng nhau nhảy xuống sông ngâm mình dưới dòng nước mát thì khoan khoái dễ chịu biết bao, thế nên còn bé tí chúng tôi đã biết bơi, lặn. Ngoài ra, ở dưới cầu ao sông, chúng tôi chỉ ngâm mình dưới nước khoảng nửa giờ đồng hồ là đã bắt được cả một chậu thau to con trai, con hến, và con vẹn, có khi bắt được cả những con ba ba chỉ to bằng cái chôn bát. Cũng có hôm được thầy bu giao nhiệm vụ đi lấy rau lợn, chúng tôi lại rủ nhau xuống sông lấy rau tóc tiên, chỉ vài hơi lặn dưới nước là đã lấy được cả xảo rau tóc tiên lên bờ. Có hôm khi vơ rau tóc tiên, không may vơ vào phần nhọn ở đầu con tôm càng, tay đau muốn khóc. Ngày ấy dòng sông Cửu An quê tôi có rất nhiều loài cá, tôm ngon và giá trị như:  cá chép, cá chuối, cá trê, cá nheo, cá bò, cá mương, cá lành canh, cá ngần, cá dói, cá nhưng, cá riếc, cá rô, chạch chấu... Ở quê tôi, ngoài việc trồng lúa, chăn nuôi lợn, gà, nhiều gia đình ở cạnh sông còn có thêm một nghề phụ nữa là nghề thả lưới, bắt cá trên sông, nhờ đó bữa cơm gia đình được cải thiện, có tiền đong gạo và mua đồ dùng gia đình.   

Sau bao năm xa vắng, bây giờ trở lại, thấy con sông đào Cửu An quê nhà khác xưa nhiều quá. Nhưng mỗi khi nhắc về dòng sông quê mà sao thấy dâng trào niềm nhớ khôn nguôi. Nhớ rằng mình đã từng có thời gian tươi đẹp và hồn nhiên, đã từng uống no, tắm mát dưới làn nước trong mát, đã từng khóc, cười như một đứa trẻ thơ cứ mãi ngây dại chẳng phải lớn lên, để hối hận mà nhận ra rằng, ở đâu đó còn có một dòng sông khúc khuỷu vẫn bao dung giang rộng vòng tay chào đón ta trở về, những khi ta mỏi gối, chùn chân...

 
                                                                   Nguyễn Công Đản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây