Áo dài Việt Nam: Vàng son muôn thuở

Thứ hai - 17/03/2025 15:15
Áo dài - biểu tượng thanh lịch và quyến rũ của người phụ nữ Việt Nam, đã trải qua bao thăng trầm cùng dòng chảy lịch sử, để rồi vẫn vẹn nguyên giá trị trong lòng dân tộc. Dẫu thời gian có trôi, những đổi thay của cuộc sống hiện đại có len lỏi vào từng ngõ ngách, thì tà áo dài vẫn là một phần linh hồn của đất nước, là chứng nhân cho vẻ đẹp bất biến của truyền thống.
ad1
Từ thuở sơ khai, áo dài đã mang trong mình sự giao thoa giữa tinh thần phương Đông và những biến đổi của xã hội. Không biết rõ khi nào, có thể là trong hình tranh khắc phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ của trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài nghìn năm, hay trong thấp thoáng chiếc áo dài Giao Lãnh rộng thùng thình (tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại, áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy tơ đen, thắt lưng màu buông thả), rồi đến áo tứ thân dịu dàng của các bà, các mẹ nơi làng quê, và sau này là áo ngũ thân nền nã, chiếc áo dài đã trở thành trang phục truyền thống, được tôn vinh với tất cả niềm kiêu hãnh của người phụ nữ Việt. Đó đều là những nấc thang trong hành trình hoàn thiện vẻ đẹp của tà áo dài.

Đến đầu thế kỷ XX, áo dài Lemur xuất hiện với những đường nét cách tân đầy táo bạo, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình của trang phục truyền thống. Đây là sáng tạo của họa sĩ Cát Tường vào những năm 1930, khi ông quyết định cải tiến chiếc áo dài ngũ thân truyền thống bằng cách thu nhỏ tay áo, tạo dáng ôm sát cơ thể hơn, đồng thời thêm những chi tiết phương Tây như cổ áo cao, hàng khuy bấm tinh tế. Áo dài Lemur tuy gây tranh cãi thời bấy giờ vì quá mới mẻ, nhưng đã mở ra một hướng đi táo bạo, đưa áo dài từ trang phục thường ngày trở thành biểu tượng thời trang đầy nữ tính và hiện đại. Dẫu trải qua bao lần thay đổi kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, áo dài vẫn giữ trọn vẹn cốt cách thanh tao của người phụ nữ Việt Nam.

Áo dài không đơn thuần chỉ là trang phục mà còn là tiếng nói của tâm hồn, của văn hóa, của niềm tự hào dân tộc. Người phụ nữ Việt khoác lên mình chiếc áo dài, không chỉ để tôn vinh đường nét mềm mại, duyên dáng, mà còn thể hiện sự đoan trang, kín đáo nhưng không kém phần quyến rũ. Chiếc áo ôm trọn thân hình, tôn lên vẻ đẹp mặn mà, nhưng vẫn giữ lại những khoảng lặng đủ để người ta cảm nhận nét nền nã, tinh tế. Chính vì thế, áo dài xuất hiện trong mọi thời khắc quan trọng của đời sống: từ những tà áo trắng tinh khôi của nữ sinh ngày tựu trường, đến sắc đỏ rực rỡ của cô dâu trong ngày vu quy, từ màu áo lam thanh tịnh, giữ giới của Phật tử tới chùa tu tập hay trăm sắc khoe màu trên tuyến phố ngày lễ hội, buổi dạo phố, không kể xuân, hạ, thu, đông...
ad2
Áo dài còn đi vào thơ ca, nhạc họa như một biểu tượng không thể phai mờ. Làm sao kể hết được câu chuyện về những vạt áo dài dịu dàng và thướt tha, những vạt áo dài lộng gió trong thơ và nhạc. Tà áo dài mềm mại đã nhẹ nhàng êm ái đến với cuộc đời, nhẹ nhàng êm ái đi vào lòng người... dưới đôi mắt, trái tim người nghệ sĩ, là bức tranh sinh động với nhiều đường nét, nhiều dáng vẻ, thể hiện qua từng lời thơ, ý nhạc: “Áo bay mở, khép nghìn tâm sự...” (Mộng dưới hoa, Phạm Đình Chương); “Áo dài bay ngờm ngợp cả khung trời...” (Mùa kỷ niệm, Vũ Thành); “Nắng thơ dệt sáng trên tà áo/ lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài” (Áo trắng, Huy Cận); “Hồn anh như bông cỏ may/ một chiều cả gió bám đầy áo em” (Bông cỏ may, Nguyễn Bính); “Em đi áo mỏng buông hờn tủi/ dòng lệ thơ ngây có dạt dào” (Đôi bờ, Quang Dũng); “Áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều...” (Tình nhớ, Trịnh Công Sơn); Em đến thăm anh / người em gái/ Tà áo hương nồng / mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh" (Em đến thăm anh một chiều mưa, Tô Vũ); "Nàng mặc áo dài bay trong gió nhẹ / Làm anh ngẩn ngơ quên lối về" (Tà áo cưới, Trần Thiện Thanh)...

Trong hội họa, những bức tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ, Lê Phổ hay Nguyễn Phan Chánh đều gợi lên nét dịu dàng, thanh khiết của người phụ nữ trong tà áo dài, như một bản giao hưởng giữa truyền thống và nghệ thuật. Đặc biệt, tranh lụa của họa sĩ Tô Ngọc Vân đã nâng tầm vẻ đẹp người phụ nữ trong tà áo dài lên một chuẩn mực nghệ thuật. Bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" là minh chứng rõ nét nhất cho vẻ đẹp thanh thoát và tinh khôi của người phụ nữ Việt Nam. Trong tranh, người thiếu nữ khoác lên mình chiếc áo dài trắng, gương mặt nhẹ nhàng mà đượm buồn, ánh mắt xa xăm gợi lên một vẻ đẹp mong manh nhưng đầy nội lực. Sự mềm mại của tà áo, sắc trắng tinh khôi kết hợp cùng những đóa huệ thanh cao, đã tạo nên một hình ảnh hài hòa, vừa mang nét truyền thống, vừa toát lên vẻ thanh nhã đầy nghệ thuật. Không chỉ là một bức tranh, đó còn là sự tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam qua lăng kính của hội họa.
Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, dù ở chốn quê nhà gần gũi, hay ở phương trời nào thẳm xa, chiếc áo dài cũng mang theo bầu trời quê hương, như nhắc nhớ, thắp lên mùa xuân ấm áp trong lòng người Việt tha hương. Chiếc áo dài còn là biểu tượng thân quen để người Việt nhận ra nhau trên bước đường lưu lạc trong cuộc sống nổi trôi nơi xứ lạ quê người “Thấy một vạt áo dài, thấy quê hương xa xăm mà gần gũi”.
ad3
Qua bao mùa tang thương dâu bể, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, chiếc áo dài truyền thống, chiếc áo dài duyên dáng và trữ tình của người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn luôn là hình ảnh khó phai mờ và còn đọng lại mãi trong lòng người. Có những thời điểm, áo dài tưởng chừng như bị lãng quên giữa cơn lốc của sự hội nhập và thay đổi. Nhưng rồi, như một mạch ngầm không bao giờ mất đi, áo dài vẫn trở lại, như một lẽ tự nhiên. Ngày nay, các nhà thiết kế đã không ngừng sáng tạo để áo dài vừa giữ được hồn cốt dân tộc, vừa hòa nhập với nhịp sống hiện đại. Những bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ thiên nhiên, văn hóa cung đình, hay nét đẹp phố thị đã ra đời, mang đến hơi thở mới mà vẫn giữ được nét truyền thống. Những nhà thiết kế như Nguyễn Công Trí, Sĩ Hoàng hay Đỗ Trịnh Hoài Nam đã thổi hồn vào tà áo dài những gam màu rực rỡ, những đường nét tinh tế, giúp áo dài không chỉ dừng lại trong không gian Việt mà còn vươn xa trên sàn diễn quốc tế.

Tà áo dài không còn bó hẹp trong những dịp lễ tết hay sự kiện trang trọng, mà đã trở thành một phần của thời trang đương đại, một biểu tượng vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa dung dị mà cũng đầy kiêu sa. Ngày nay, hình ảnh áo dài xuất hiện đầy tự nhiên trên đường phố, trong các buổi dạo chơi, tại công sở hay trong những buổi tiệc sang trọng. Những thiết kế áo dài cách tân với phần tà ngắn hơn, phối hợp với quần jeans, chân váy hay quần culottes giúp người phụ nữ linh hoạt, thoải mái mà vẫn giữ được vẻ duyên dáng truyền thống. Áo dài còn theo chân người đẹp, người mẫu sải bước trên các sàn diễn thời trang quốc tế, từ Tuần lễ thời trang Paris, New York đến Tokyo, mang theo thông điệp về vẻ đẹp Việt Nam vươn xa.
111
Dẫu thế giới có thay đổi đến đâu, thì áo dài vẫn luôn là hình ảnh đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam. Mỗi khi tà áo thướt tha bay trong gió, ta như thấy cả một dòng chảy văn hóa đong đầy yêu thương, thấy cả bóng hình của những thế hệ phụ nữ Việt kiên cường nhưng dịu dàng, mạnh mẽ nhưng cũng đầy nữ tính. Và vì thế, áo dài sẽ mãi trường tồn, như chính tinh thần bất diệt của dân tộc Việt Nam. Tựa như lớp sơn mài vàng son trên những bức tranh truyền thống, áo dài không bao giờ mất đi giá trị, mà chỉ ngày càng sáng lên theo thời gian, khẳng định vị trí đặc biệt trong văn hóa và tâm hồn người Việt.

 
Thanh Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây