"Vinh quang con đứng bên Người": Ký ức xúc động về một nhạc phẩm nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ hai - 19/05/2025 09:18
Trong những ngày tháng Năm lịch sử, cả nước hướng về kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) với lòng biết ơn và kính trọng vô bờ bến. Giữa không khí trang trọng ấy, câu chuyện về nhạc phẩm "Chúng con bên giấc ngủ của Người" lại ngân vang, gợi nhắc những ký ức xúc động về tình cảm thiêng liêng của người dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu.
Nhạc sĩ Đăng Nước
Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước, người lính trẻ năm xưa, đã khắc họa một cách chân thực và sâu sắc tình cảm ấy qua những giai điệu và ca từ lay động lòng người. Năm 1976, khi còn là một trung sĩ, Nguyễn Đăng Nước có dịp về thăm gia đình tại Hà Nội. Tại đây, ông đã chứng kiến người cha, một cán bộ an ninh đang tham gia bảo vệ công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chứng kiến công việc thiêng liêng ấy, những cảm xúc dồn nén trong trái tim người lính trẻ trào dâng.
Trở về nơi ở tập thể của Bộ Công an, tại con ngõ Chiến Thắng, Khâm Thiên (Hà Nội), Nguyễn Đăng Nước đã bắt đầu những dòng đầu tiên của bài hát. Tựa đề "Chúng con bên giấc ngủ của Người" như một lời thì thầm từ trái tim, thể hiện sự kính trọng, yêu mến và nguyện canh giữ giấc ngủ vĩnh hằng cho Bác.
Những cảm xúc chân thành cứ thế tuôn chảy, theo chân người lính trẻ về quê hương Hưng Yên, nơi những lời ca thứ hai tiếp tục được hoàn thành. "Mạch nguồn cứ thế tuôn trào. Cảm xúc lắm các em ạ," nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước nhớ lại và từng rưng rưng kể cho chúng tôi, những cán bộ Tuyên giáo tỉnh Hưng Yên như thế khi anh được tỉnh Hưng Yên mời về thực tế sáng tác tại quê hương.
Khi trở lại Hà Nội, bản thảo ca khúc đã được mang đến Báo Công an nhân dân. Những cán bộ, chiến sĩ khi nghe chàng lính trẻ hát đã không khỏi xúc động trước tình cảm sâu lắng mà bài hát truyền tải.
Ca khúc "Chúng con bên giấc ngủ của Người" nhanh chóng được dàn dựng và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, qua giọng ca truyền cảm của các nghệ sĩ Hữu Nội và Trần Thụ. "Lúc này tôi đã trở lại đơn vị. Trong giờ nghỉ, nghe bài hát của mình từ Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên, xúc động và tự hào lắm," nhạc sĩ chia sẻ.
Ngay sau khi ra mắt, ca khúc đã lan tỏa mạnh mẽ trong lòng nhân dân, trở thành một phần không thể thiếu trong những dịp tưởng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ca khúc ban đầu mang một tên gọi khác: "Chúng con canh giấc ngủ cho Người".
Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước kể lại, chính nhà văn Lê Tri Kỷ đã gợi ý đổi từ "canh" thành "bên", bởi lẽ "bên" mang sắc thái gần gũi, thân thương hơn, như tình cha con. Cùng với đó, nhạc sĩ Văn Dung đã góp ý sửa câu "Bác đang trọn giấc mơ" thành "Bác chưa trọn giấc mơ", bởi khi Bác qua đời, ước nguyện thống nhất đất nước vẫn còn dang dở.
Hình ảnh người cha thanh liêm, tận tụy với công việc bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho những ca từ trong bài hát. Bên cạnh đó, sự tần tảo, đức hy sinh của người mẹ cũng là một nguồn động lực mạnh mẽ, thôi thúc nhạc sĩ viết nên những ca khúc đầy xúc động về mẹ, trong đó có "Mẹ nằm nghiêng" nổi tiếng.
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, ca khúc "Chúng con bên giấc ngủ của Người" vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục vang lên trong những dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước. Những giai điệu hào hùng nhưng ấm áp: "Vinh quang con đứng bên Người/ Canh cho Bác ngủ ngon giấc/ Trên môi như Bác vẫn cười/ Bác vui vì khắp non sông/ Cháu con trở về sum vầy…" đã trở thành một phần ký ức thiêng liêng của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lắng nghe lại ca khúc "Chúng con bên giấc ngủ của Người", chúng ta không chỉ cảm nhận được tình cảm sâu sắc của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước mà còn thêm trân trọng những giá trị lịch sử, những hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước để đất nước có được hòa bình và thống nhất như ngày hôm nay. Vinh quang thay, con đứng bên Người, Bác Hồ kính yêu!