Khát vọng đời người…

Thứ tư - 27/01/2021 10:58
Bài thơ Đi học, tác giả Minh Chính viết cho thiếu nhi, in trong tập Mặt trời xanh (Nxb Kim Đồng, 1971) có riêng một hành trình. Nhà thơ Định Hải, cán bộ biên tập nhà xuất bản, trong buổi tiếp xúc các cây bút thiếu niên năng khiếu dự trại sáng tác ở Nam Định kể rằng, ngày ấy, nhà xuất bản không biết gửi sách biếu, nhuận bút về đâu. Tác giả bài thơ Đi học gửi chùm thơ viết cho thiếu nhi chỉ ghi địa chỉ số hòm thư bộ đội thời chiến rồi lên đường.
111
Di ảnh nhà thơ liệt sĩ Minh Chính (1944-1970)

Năm 1996, tập Thơ chọn với lời bình do nhà xuất bản Giáo dục chủ trương, lời bình bài thơ Đi học được nhà thơ Trần Hòa Bình, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đảm nhiệm. Để viết mấy dòng tiểu sử tác giả Minh Chính, nhà thơ – nhà báo bút danh Tầm thư không bằng lòng với vài dòng vắn tắt nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam về Minh Chính. Trần Hòa Bình cất công dò hỏi bạn bè Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ qua “điện thoại đường dài”. Sau chót, lên Phú Thọ, anh đã tìm được người mình cần gặp. Đó là nhà giáo ưu tú Cù Thị Kim Hợp, phó giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phú. Qua người bạn gái thân thiết của Minh Chính thời đèn sách, anh gặp được em trai Minh Chính, kỹ sư Hoàng Quốc Vinh, giám đốc xí nghiệp ắc-quy Vĩnh Phú. Anh được tiếp cận cả 2 tập sách dầy dặn do người cha cao tuổi ghi chép cẩn thận những bài Minh Chính “tập dượt” làm thơ từ năm mười một tuổi đến những bài thơ viết trên đường hành quân được lưu giữ ở gia đình cùng với thư từ, một bản nhạc do Minh Chính sáng tác tặng người bạn gái thân yêu.

Sau chuyến đi ấy, Trần Hòa Bình đã có đủ tư liệu về tác giả Minh Chính để hoàn tất công việc đã nhận với nhà xuất bản Giáo dục. Rồi cũng trong năm 1997, tập thơ Đi học và những bài thơ khác của Minh Chính do anh chọn và giới thiệu, nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành đã ra mắt bạn đọc trong niềm vui của gia đình, người thân và bè bạn gần xa yêu quí Minh Chính.

Nhà thơ Minh Chính họ Hoàng, sinh năm 1944 tại thôn Đô Hoàng, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình có sáu anh em. Minh Chính là thứ hai. Hoàng Minh Chính là hậu duệ nhiều đời của một dòng họ có truyền thống về dạy học và văn chương. Người cha là Hoàng Trọng Huống, đậu kỹ sư Trường Canh nông thời Pháp thuộc, bạn cùng khóa với nhà thơ Cù Huy Cận, giáo sư Bùi Huy Đáp. Ông làm Trưởng ty Túc mễ (lương thực) tỉnh Phú Thọ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, sau đó làm Phó trưởng Ty Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phú thời ông Kim Ngọc làm Bí thư Tỉnh ủy. Bác ruột Minh Chính là nhà thơ dịch giả Nhượng Tống với những công trình dịch thuật văn học cổ Trung Hoa: thơ Đỗ Phủ, Ly Tao, Nam Hoa kinh, Tây sương ký, Đại Việt sử ký Toàn thư, Lam Sơn thực lục, Liêu trai chí dị... Chú ruột là nhà giáo Hoàng Trung Tích, vị trưởng Ty Giáo dục có tiếng của tỉnh Nam Hà (cũ), đơn vị nhiều năm giữ lá cờ đầu ngành giáo dục toàn quốc. Chú họ là nhà giáo, nhà văn Chu Thiên, tác giả các tiểu thuyết lịch sử: Bóng nước hồ Gươm, Thoát cung vua MạcBà Quận Mỹ...

Năm 1948, Minh Chính theo gia đình lên Phú Thọ. Thôn Tiên Phú, xã Phú Hộ, huyện Phong Châu là quê hương thứ hai của gia đình anh. Cảnh quan miền trung châu tươi đẹp, tình thương yêu gia đình cha mẹ, anh em, bạn bè, mái trường tuổi thơ... tất cả được trân trọng, in đậm trong tâm hồn Minh Chính từ tuổi học trò. Viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 1963, khi đang học cấp III trường Hùng Vương, Phú Thọ, Minh Chính vào chiến trường B2 năm 1966, cấp bậc thượng úy đại đội trưởng thuộc Sư đoàn 312, chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Anh hai lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt xe cơ giới, một bằng dũng sĩ diệt tàu chiến. Bị thương, Minh Chính ra Bắc cuối năm 1968. Đây là dịp anh gặp gia đình, người thân, bạn bè sau những năm ở chiến trường khu V gian khổ, ác liệt. Minh Chính gửi lại gia đình bản thảo những bài thơ viết trên đường hành quân đêm vượt sông Cam Lộ, những phác thảo bên căn hầm điểm tựa sau một trận đánh, những ngày vui trở lại thăm nhà, qua ngôi trường cũ và thời khắc vàng gặp lại người thương yêu với bao nhiêu ước vọng. Anh cũng có dịp tiếp xúc với các nhà văn đàn anh: Xuân Thiều, Xuân Thiêm và các bạn viết quen biết.

Năm 1969, ba lô lên vai, bước chân tập tễnh, các em trong gia đình tiễn người anh cấp bậc tiểu đoàn phó, đi B dài lần thứ hai từ sân ga quê hương: “Lên đường/ Trăng non treo đầu súng/ Gập ghềnh bước hành quân/ Tiếng suối reo tưởng tiếng giảng văn/ Cồn cào thương nhớ.../ Ta đi nghìn đêm gian khổ/ Chỉ mong đất nước hòa bình” (Qua trường cũ)

 Anh đi, vẫn chiếc mũ cài nhành lá ngụy trang, nụ cười tươi, bàn tay vẫy bên ô cửa sổ chuyến tàu tốc hành lao về phương Nam, phía chân trời có giặc. Sang chiến trường K chiến đấu, Minh Chính anh dũng hy sinh bên vòm xanh thốt nốt giữa tháng 3 năm 1970 trên đất bạn trong đội ngũ những chàng trai Việt làm nghĩa vụ quốc tế. Đến nay, qua nhiều lần tìm kiếm, vẫn chưa tìm được nơi anh hy sinh để di cốt chàng sĩ quan tài hoa 26 tuổi được trở lại quê nhà.

Bài thơ Đi học của Minh Chính tạo cảm hứng sáng tạo cho nhạc sĩ Bùi Đình Thảo trước mùa tựu trường năm 1971. Ngày ấy cùng phổ nhạc bài thơ này với Bùi Đình Thảo, có nhạc sĩ không thành công. Với Bùi Đình Thảo, ông đã vận dụng phong cách dân ca miền núi - hát then - để triển khai ca khúc, chủ động đảo thứ tự một khổ thơ rồi nhập đề. Khúc nhạc dạo đầu, ông dành cho cây đàn tính lên tiếng mở ra quang cảnh em bé đến trường từ buổi sáng tinh khôi trong sáng tuyệt vời: “Hương rừng thơm đồi vắng/ Nước suối trong thầm thì/ Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi”.

Giai điệu – lời ca chạm vào những điều sẽ thành kỷ niệm thiêng liêng tuổi học trò ngày đầu một mình đi học: “Hôm qua em đến trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp...

Một mình em tới lớp! - nét nhạc trầm ấm, tự tin, niềm vui tuổi thơ hồn nhiên lan tỏa với “Chim đùa reo trong lá/ Cá dưới khe thì thào/ Hương rừng chen hương cốm/ Em tới trường hương theo”... Mùi hương thân thiết từ cánh rừng gần đến nương lúa xa cùng theo em bé đến trường, một hòa điệu thanh bình trong veo như ngọc, thấp thoáng bóng dáng mái trường xinh, cô giáo trẻ, tiếng hát tuổi thơ, trang sách thân yêu mở sáng chân trời. Đi học trở thành “bài ca đi cùng năm tháng” gần nửa thế kỷ qua. Công lao thuộc về tấm lòng yêu trẻ của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (1931-1997) và nhà thơ Minh Chính.

Với nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, dù đã trên hai mươi năm vắng bóng nhưng những ca khúc nổi tiếng viết cho thiếu nhi của ông: Bàn tay mẹ, Giữa biển vàng, Đi học... sẽ còn song hành với thời gian. Đặc biệt, với ca khúc Đi học, ông là người đã chắp cánh cho một bài thơ của một nhà thơ liệt sĩ thế hệ chống Mỹ thành một ca khúc để đời, ai cũng yêu thích.

Với nhà thơ Trần Hòa Bình (1956-2008), việc “Đi tìm dấu tích tác giả bài thơ Đi học, một người đi không trở về”... là dịp để anh “bày tỏ niềm xúc động của mình trước tấm lòng những người đang sống hôm nay đối với những người đã ngã xuống vì sự sống còn của đất nước”. Đây cũng là dịp để anh được biết thêm về tác giả Minh Chính “một trong rất nhiều gương mặt của một thế hệ tuyệt đẹp – những người đã sẵn sàng hy sinh tất cả: tình yêu, học hành, những say mê, ước vọng của bản thân để cầm súng ra trận. Nếu không có sự dở dang nghiệt ngã ấy, nhiều người trong số họ rất có thể sẽ trở thành những tài năng, những người nổi tiếng. Nhưng họ đã ra đi và mãi mãi không trở về. Tự hào thay và cũng đau đớn thay!” - (Trần Hòa Bình).

Ta đi nghìn đêm gian khổ/ Chỉ mong đất nước hòa bình”! - Nhà thơ liệt sĩ Minh Chính trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và nhân dân nước bạn. Chỉ 5 năm sau ngày anh ngã xuống, khát vọng của anh đã thành hiện thực: non sông liền một dải, đất nước dập dìu âm vang câu hát “Cọ xòe ô che nắng” nao nức đường các em đi...


Tác giả: Phạm Trọng Thanh
Nguồn Văn nghệ số 4/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay7,483
  • Tháng hiện tại99,111
  • Tổng lượt truy cập3,199,866
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây