Nhẹ dạ với văn chương

Thứ ba - 24/11/2020 10:53

Lời khen, lẩn trốn, và sự nhẹ dạ

Trong bài trả lời phỏng vấn, một nhà văn nữ kể, một người bạn nước ngoài hỏi cô có làm thơ không, cô bảo tôi chỉ viết văn xuôi. Người bạn bảo: Rồi một ngày nào đó cô sẽ làm thơ.

Vậy là về nhà loay hoay thế nào, nghĩ rằng người bạn kia nói đúng, cô bèn viết luôn một tập thơ.

Rồi cô thấy có một số người viết văn bằng tiếng Anh. Thế là cô cũng viết bằng tiếng Anh, vì nghĩ rằng viết tiếng Anh sẽ có nhiều người đọc.

Nhiều nhà văn Việt Nam cũng đúng như cô đấy. Coi làm thơ viết văn (và cả viết bằng ngoại ngữ) giống như luộc trứng.

Người theo thuyết tinh hoa bảo: Chỉ có thể viết văn bằng tiếng mẹ đẻ, vì người ta viết văn không phải viết bằng chữ mà viết bằng văn hóa của dân tộc mình.

111

Xin kể tiếp một chuyện khác.

Một bạn phóng viên, thường xuyên cộng tác với tờ báo nọ bằng cách đi làm phỏng vấn, viết tin, viết phóng sự. Việc cộng tác cứ đều đều cho đến một lần mang bài ghi chép đến tòa soạn thì chị biên tập viên, cũng là một nhà văn, bảo: Số báo này đang thiếu truyện ngắn, cậu viết nhanh đi một cái, đưa chị in luôn. Anh bạn kể lại, rồi lắc đầu cười: Chị ấy nghĩ viết truyện cứ như đan len.

Nói thì lại bảo là đùa. Bảo người ta viết ngay một truyện ngắn, mà lại bảo một phóng viên chưa sáng tác bao giờ.

Tất nhiên là vẫn có người nhờ một giây phút đột ngột thình lình như thế mà dấn thân vào một con đường mới. Nhưng nhìn chung thì đúng là coi mọi việc cứ như… đan len.

Khi biên tập văn cho bạn bè, thảng hoặc tôi gặp những ca rất lạ. Có những nhà thơ khi viết văn xuôi thì câu bất thành cú, câu cụt câu què, chữ nghĩa thừa mứa rườm rà luộm thuộm. Biên tập cho nhà thơ này thì phải sửa rất nhiều (nhà văn xuôi mà tôi kể ở đầu bài cũng vậy. Rất lạ là nhiều người viết văn nhưng không biết dùng ngôn ngữ và không hiểu nghĩa gốc của từ). Nhà thơ này viết văn xuôi chưa ra câu, nhưng thơ thì có những bài xuất thần. Rồi cũng tự ngẫm mà hiểu ra: thơ giúp vị ấy trốn được vốn kiến thức mỏng manh về ngôn ngữ và tư duy lộn xộn. Nói cách khác, văn xuôi của vị lủng củng nên vị ấy đã trốn vào thơ. Và trốn thành công. Những câu thơ có thể lan man đứt gãy, câu chữ có thể đảo trật tự thông thường, sai lạc cả ngữ pháp, để diễn tả những tình cảm bất chợt, ngẫu hứng, không thông thường. Thơ ấy mà có cảm xúc chân thành thì có thể gọi là hay. Nhưng người làm thơ ấy khi viết văn xuôi thì bao nhiêu sai sót vụng về chữ nghĩa bị phơi lộ ra hết. Không trốn được.

Nói như vậy, ta vẫn biết rất nhiều nhà thơ không chỉ giàu cảm xúc mà còn là người giỏi sử dụng ngôn ngữ.

Trong hội họa cũng có trường hợp tương tự. Một họa sĩ hình họa kém, vẽ cơ bản còn chưa được, vẽ người không ra người, thú không ra thú. Họa sĩ ấy có lúc đã trốn vào trừu tượng. Nói cách khác, tranh trừu tượng có khi là chỗ trốn của những họa sĩ chưa đỗ đạt về hình họa. Những mảng màu bê bết chồng lấn chắp vá và những đường nét nguệch ngoạc rối tinh đã che đỡ cho họa sĩ. Vụng chèo khéo chống. Vụng vẽ khéo trừu tượng. Mồm miệng đỡ chân tay -  trừu tượng đỡ chân tay. Nói như vậy không có nghĩa là vơ đũa cả nắm với những họa sĩ trừu tượng có tài đích thực và không hề lẩn trốn bất cứ ai.

Trở lại chuyện văn thơ. Như ta đã thấy, đôi khi những nhà văn xuôi kém cỏi đã trốn vào thơ và trốn thành công. Nhà văn có thể hân hoan mà rằng viết văn mãi chẳng được chú ý, giờ mới thử sức sang thơ thì được được khen. Ở giữa cánh văn nghệ sĩ, nơi người ta không tiếc lời khen đầu lưỡi, thì cũng nên cảnh giác với mọi lời khen. Giống như anh bạn nước ngoài kia nói một câu mà nhà văn tưởng là lời khen hoặc động viên: Rồi một ngày nào đó cô sẽ làm thơ. Người ta hàm ý những điều bao la xa rộng, nhưng người nghe lại hiểu theo cách thiển cận và thực dụng.

Còn nếu hiểu đấy như một lời khích lệ hoặc lời khen, thì lời khen cũng dăm bảy đường. Nếu bạn thỉnh thoảng vẫn đi công tác nước ngoài, bạn chắc có lần được chủ nhà mời những món ăn bản địa. Sữa ngựa Mông Cổ ngai ngái, gia vị Ấn Độ nồng nặc, gia vị châu Phi hăng hắc, món Bắc Âu nhạt nhẽo… Ăn xong, dù đã nuốt không trôi, nếu được hỏi cảm tưởng, chắc bạn sẽ phải khen và cảm ơn. Cũng như người Âu - Mỹ khen nem khen bún Việt Nam thôi. Đừng vội nghe mấy lời xuýt xoa khen ngợi ấy mà tin rằng họ thích thực sự và họ có thể ăn mãi. Người Việt ra nước ngoài một tuần ăn pho mát bơ sữa thì đã cuống lên nhớ cơm Việt. Người Âu - Mỹ cũng vội vàng nhớ về món ăn của họ như thế. Nói gọn, đừng đánh mất lý trí trước những lời khen ngợi động viên của người ngoại quốc. Và của người nước ta.

Đừng coi viết văn như luộc trứng như đan len. Đan len cho giỏi cũng có cái khó của nó, nhưng không biết đan len thì có thể học. Tuy nhiên có những việc không thể học mà thành. Cũng thế, ngoại ngữ có thể học. Nhưng không dễ dùng ngoại ngữ để viết văn. Rất không dễ. Đôi ba trường hợp viết bằng ngoại ngữ thành công trên thế giới không có nghĩa là có thể áp dụng đại trà cho mọi trường hợp có ngoại ngữ. Ở đây cũng phải mở ngoặc, ngay cả khi bạn có thể dùng ngoại ngữ để viết báo thì không phải vì thế mà có thể viết văn bằng ngoại ngữ. Viết văn, người ta không chỉ viết bằng chữ, mà viết bằng hồn cốt dân tộc mình.

Viết văn bằng ngôn ngữ thứ hai

Người viết văn giỏi ngoại ngữ đôi khi được hỏi rằng họ có viết văn bằng ngoại ngữ hay không?

Thường có ít nhất hai câu trả lời. Phần nhiều trả lời là không. Một ít người đáp rằng có.

1. Người ta chỉ có thể viết văn bằng tiếng mẹ đẻ. Đấy là câu trả lời của những người khẳng định rằng họ không viết văn bằng ngoại ngữ. Văn chương vốn nối liền với dân tộc bằng một cuống rốn. Sinh ra ở ngôn ngữ nào thì chỉ có thể viết văn bằng ngôn ngữ ấy. Toàn bộ lịch sử, địa lý, chủng tộc… đã hợp sức để mượn tay nhà văn mà viết ra. Thần bí hóa thì bảo là thần thánh trên trời mượn tay nhà văn mà viết ra. Người ta không viết ra chữ, mà viết ra hồn cốt tâm linh văn hóa của dân tộc mình. Tuyệt đối hóa thì coi tiếng mẹ đẻ là công cụ duy nhất của nhà văn. Đã là ngôn ngữ thứ hai thì dù có giỏi giang đến thế nào, dù có học và thực hành đến hết đời, cũng không bao giờ sử dụng được như ngôn ngữ thứ nhất.

Tôi biết một số bạn giỏi ngoại ngữ từng có lúc viết truyện ngắn và làm thơ bằng tiếng Anh. Cảm tưởng thực sự là đang đọc những bài tập làm văn học trò. Một thứ tiếng Anh khô khan, cứng nhắc, thiếu hình ảnh, thiếu âm thanh, thiếu sắc độ mờ ảo. Một thứ nỗ lực của học trò theo những khuôn mẫu trong nhà trường. Văn ấy thiếu sự bay bổng tung tẩy của ngôn ngữ thuần thục thiện nghệ, văn ấy không hề đem lại khoái cảm ngôn ngữ cho người đọc. Trái lại, nó gây mệt mỏi và gây thương hại. Có cái gì đó giống như nghe ca sĩ Bắc hát giọng Nam và ca sĩ Nam hát giọng Bắc. Lại cũng có phần như nghe ca sĩ hát giọng giả, một cái giọng nữ cao soprano lại cố làm thành giọng trầm alto cho thời thượng. Mấy bạn viết văn tiếng Anh ấy về sau cũng tự biết. Bằng cớ là văn của họ không có người đọc và họ đã bỏ viết bằng tiếng Anh.

2. Số nhà văn giỏi ngoại ngữ nhưng không thể viết văn bằng ngoại ngữ chiếm đến 90%, tôi cho là thế. Nhưng trong 10% viết bằng ngoại ngữ thì thành công không nhỏ.

Milan Kundera từ năm 1975 sang định cư ở Pháp, đã thôi viết bằng tiếng Czech mẹ đẻ mà chuyển sang viết tiếng Pháp. Thành tựu tác phẩm tiếng Czech của ông đã đủ gây được sự chú ý đặc biệt trên thế giới. Nhưng những tác phẩm quan trọng ở giai đoạn sau của ông đều bằng tiếng Pháp. Dù vẫn có người cho rằng việc viết tiếng Pháp đã kìm giữ tài năng của Kundera ở mức độ nhất định, thì vẫn phải thấy rằng những tiểu thuyết, đặc biệt là những tập tiểu luận bằng tiếng Pháp của ông, vẫn là hiện tượng được giới văn chương chờ đón.

Cao Hành Kiện sang Pháp muộn hơn, đến năm 1998 mới được cấp quyền công dân Pháp, và cũng chuyển từ tiếng Trung sang viết bằng tiếng Pháp. Tiếng Pháp của ông nghe đâu để viết kịch là chính, và kịch là mảng quan trọng của nhà văn này. Kundera chủ yếu dùng tiếng Pháp để viết tiểu luận, Cao Hành Kiện chủ yếu dùng tiếng Pháp để viết kịch. Liệu có phải khi dùng đến ngôn ngữ thứ hai, không phải là tiếng mẹ đẻ, hai ông lớn văn chương dường như cũng hơi né tránh tiểu thuyết và truyện ngắn, những thứ chủ yếu phải “viết bằng tâm hồn”?

 Nhiều nhà văn người Trung Quốc sang Pháp sang Mỹ đã thành công khi chuyển sang viết bằng ngôn ngữ thứ hai. Sơn Táp (Thiếu nữ đánh cờ vây, Đàn cổ cầm khỏa thân) và Đới Tư Kiệt (Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa) đều viết bằng tiếng Pháp. Cáp Kim viết bằng tiếng Anh và tiểu thuyết Đợi chờ gây xôn xao văn đàn nước Mỹ. Trường hợp Cáp Kim thật đặc biệt, sau khi đi làm nghĩa vụ quân sự ở Trung Quốc, ông mới học tiếng Anh rồi sau đó di cư sang Mỹ. Người ta chỉ có thể thuần thục ngôn ngữ thứ hai đến mức dùng nó viết văn nếu như học thứ tiếng ấy trước mười tuổi. Điều này dường như không đúng với những trường hợp vừa kể, lại càng không đúng với Cáp Kim, người học tiếng Anh khi đã nhiều tuổi, lại sau khi đã mòn mỏi ở quân ngũ. Tuổi ấy dùng ngoại ngữ để giao tiếp xã hội đã khó, viết văn là chuyện càng khó mơ.

Cánh nhà văn gốc Trung Quốc viết bằng ngoại ngữ có sức hấp dẫn riêng mà nhà văn bản địa Âu - Mỹ không có: đấy là cái hồn Tàu trong xác Tây. Họ cũng có cái hấp dẫn riêng mà nhà văn Trung Quốc ở trong nước khó có: đấy là phương pháp tiểu thuyết hiện đại theo kiểu phương Tây. Cùng một nội dung ấy, nhà văn ở Trung Hoa lục địa có thể viết một nghìn trang thì nhà văn gốc Hoa chỉ viết vài ba trăm trang. Lối văn của tiểu thuyết chương hồi dông dài miêu tả phong vũ giang san bị loại bỏ. Dùng ngoại ngữ để viết, nhà văn không thể miêu tả tỉ mỉ mây bay gió cuốn, không miêu tả chi li trạng thái tâm lý, mà tâm lý được diễn tả qua hành vi qua biến cố. Tất cả đã được nén lại. Kiệm lời. Cái nén và cái kiệm tạo ra nét độc đáo cho tác phẩm của họ.

Nhưng để chứng minh cho việc có thể dùng ngôn ngữ thứ hai mà viết văn thành công, bằng chứng hùng hồn hơn cả phải là dòng văn học viết tiếng Anh ở tiểu lục địa Ấn Độ. Salman Rushdie có một sự nghiệp tiểu thuyết đồ sộ, đặc biệt là Những đứa con của nửa đêm. Arundhati Roy với Ông trùm chuyện vặt (bản tiếng Việt là Chúa trời của những điều vụn vặt). Kiran Desai với Di sản của mất mát. R. K. Narayan với The Financial Expert, The Guide. Amitav Gosh với The Shadow Lines, River of Smoke. Vikram Seth với A Suitable Boy. Jhumpa Lahiri với Người dịch bệnh… Như đã kể trong một bài viết khác, những tác phẩm mới của họ được người đọc Âu - Mỹ đón chờ, có người trở thành ứng cử viên nhiều năm của giải Nobel văn học, nhiều người đoạt giải thưởng lớn như Booker của khối những nước nói tiếng Anh, như giải sách quốc gia Mỹ, giải Pulitzer… Người ta thú vị với dòng văn chương gốc Ấn khi được thưởng thức một thứ tiếng Anh rất mới mẻ, đầy sinh sắc và độc đáo. Các nhà văn gốc Ấn đã làm mới cho tiếng Anh, nhuận sắc cho nó, vào lúc nhiều nhà ngôn ngữ Anh - Mỹ cho rằng tiếng Anh đã trở nên xơ cứng và suy giảm khả năng biểu cảm.

Sử dụng ngôn ngữ là một thứ tài năng. Vậy nói cho đến tận cùng: không dùng được ngôn ngữ thứ hai để viết văn thì nguyên nhân lớn nhất là chưa đủ tài để làm chủ ngôn ngữ ấy. Các nhà văn giỏi ngoại ngữ nhiều người thực sự có tài văn chương, nhưng cái tài ngoại ngữ của họ thì chưa đủ độ để viết văn.

Còn có những người khác nữa, viết văn bằng ngoại ngữ, câu cú sạch sẽ rồi mà tác phẩm không hay vì vẫn còn thiếu một tâm hồn đích thực bên trong câu chữ.

Nhà văn trước hết hẵng viết bằng tiếng mẹ đẻ, đó là đóng góp lớn nhất và phù hợp nhất của anh ta. Nhà văn trước hết thuộc về dân tộc mình, đi đến tận cùng dân tộc, anh ta sẽ ra được với thế giới.

Có người bảo: đất nước nào có nhà văn ấy. Hàm ý nhà văn chỉ được thấu hiểu hơn cả, được chia sẻ hơn cả, được ưa thích hơn cả ở trên chính đất nước mình. Người hiểu anh ta nhất là dân tộc mình. Hầu như thế.
 

Tác giả: Hồ Anh Thái
Nguồn Văn nghệ số 47/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay1,254
  • Tháng hiện tại115,106
  • Tổng lượt truy cập3,215,861
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây