Thơ thẩn Hoàng Liên…

Thứ ba - 15/02/2022 10:37
Thường thì mỗi khi đặt chân đến một vùng đất lạ, sau các buổi/ giờ làm việc, tôi thường hay lẩn bứt ra mà lang thang một mình, với xe ôm, xe kéo, đi bộ, lại xe ngựa, xe bò, xe trâu, xe đạp… họa hoằn, cũng mượn được ô tô hay xe máy… Dần dần, tôi nhận ra rằng: Ở đâu đâu trên quê hương Việt Nam ta cũng có những truyền thuyết và huyền thoại, chuyện ma chuyện tiên, chuyện dị nhân rồi chuyện giao tranh… nhưng chuyện đánh cướp đánh giặc giữ mường bản, bảo vệ ruộng vườn, thì có lẽ, nhiều hơn cả, vẫn là ở các miền quê nghèo biên viễn và ở mấy tỉnh miền Trung nước ta. Ở những nơi này, dường như ngọn núi nào, khu rừng nào, con suối con sông nào cũng gợi cho bao nhiêu thế hệ người kể chuyện dân gian, nẩy ra cảm hứng và ý tứ mà rủ rỉ với con cháu muôn đời…
111

Tôi đến Đền Ken ở xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, một sáng mùa Đông có nắng mà gió vẫn lạnh. Thơ thẩn trong và ngoài khu di tích hơn 1 ha trên đỉnh núi Pù Đình - nơi đền Ken ngự, nhìn ra bốn phương tám hướng xung quanh, trầm lắng với tán cây và gốc cây sui của Đền, nghe lao xao có tiếng chào tiếng mời, rồi như chìm dần với tâm tưởng.

 Đền Ken là nơi ghi công hai cha con Nguyễn Đình Thu và Nguyễn Đình Long - những hậu duệ của các tướng lĩnh Tây Sơn dạt bước lên vùng sơn cước heo hút này. Cùng với các hào kiệt người Thái, người Tày, người Mông bản địa, các ông đã đánh thắng, đánh bạt giặc Vàng phương Bắc xâm lấn nhiều lần. Rồi có một trận kịch chiến nổ ra, Nguyễn Đình Thu tử trận.

Nhưng sao nơi này chỉ thờ Nguyễn Đình Long, không như ở đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí - Thủy tổ dòng họ Nguyễn Đình ở xứ Nghệ, lại còn thờ cả phụ mẫu và anh trai của Ngài? Dân gian, vâng, lại là dân gian - dân thường vẫn có ít lời thì thào rằng: Cụ Thu cũng can trường lắm, công to lắm… Nhưng Cụ cũng có hồi đã hà khắc với binh sĩ, dân chúng… Vậy thôi, không dám vân vi nữa.

Tâm thức dân gian mách kể lại rằng: Cạnh khu Đền Ken, còn có dấu tích quân doanh, ngai vàng của một ông vua người Thái Đen, vốn cũng là trẻ trâu ở đất rừng Chiềng Ken này, tên là Chà Liều. Ấu thơ, bé Chà Liều cũng thông minh dĩnh ngộ như nhiều anh hùng áo vải nước ta. Lớn lên, chàng Chà Liều xưng vua, các bạn trẻ hồi nào thành tướng sĩ. Họ đã đánh giặc ngoại bang, đánh bọn cướp bảo vệ bản làng. Vua Đại Việt cảm mến, vua Chà Liều nơi phiên dậu quốc gia, đã tác thành cho Chà Liều với con gái yêu của một vị tướng. Chà Liều xứng đáng thế và tiếp tục giữ yên bờ cõi Đại Việt ở nơi phiên ải. Nhưng cái chết của ông lại thật bi thương và đáng ngờ: người làm ông chết và tuyệt tự, lại chính là vợ hai của ông. Ai dựng ra kịch bản này? Sự bí ẩn và thương đau lại cũng vẫn rì rầm trong tiếng đất, trong tiếng vi vút của ngàn lau trắng Pù Đình, Chiềng Ken, Văn Bàn… và dường như đã lan ra suốt dãy biên thùy của hệ Hoàng Liên Sơn hùng vĩ nữa rồi. Được tắm mình trong nắng mùa Đông mà vàng tươi như mật ong đầu Xuân, ta như nghe được thật rõ lời Người muôn năm trước, rằng: Đã thấm nhuần một tình yêu xứ sở, đã can trường đảm lược trong chiến chinh, xin đừng để tình riêng cao hơn nợ nước để đến nỗi sa cơ.

Xin đừng vội trách người xưa sao lại hay kể chuyện oái oăm. Đôi khi, lại lầm lẫn gì đây mà pha chuyện người này với đấng quân vương nọ. Hay là các trí thức bình dân chưa qua trường Tổng trường Phủ đã mượn cái vẻ mù mờ cho dễ bàn quốc sự quốc gia? Ta nghe nữa và đọc thêm, thì nhận ra từ những lời rì rầm của tiếng đất như Nguyễn Đình Thi từng viết, hoặc lắm khi, lại đa thanh đa giọng điệu như Nguyễn Du kể chuyện Thúy Kiều, rồi lại thăm thẳm u buồn như Bà Huyện Thanh Quan kể và tả người kiếm củi một chiều mưa rét ở Đèo Ngang thủa nào…, ta sẽ thấy sáng rõ dần đôi lời quả quyết thẳng căng của nhân dân, ví dụ:

Thương dân, dân lập đền thờ

Hại dân, dân đái ngập mồ

thối xương!

Cái sự quyết liệt này không biết đã thành lời nguyền từ bao giờ, nhưng chợt nhớ lại Thầy đồ Nguyễn Đình Chiểu khi kể chuyện Lục Vân Tiên bằng thơ lục bát, rồi viết Văn tế các nghĩa sĩ đánh giặc Tây xâm lăng mà như Hịch cho muôn người ra trận từ tâm nguyện “bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”… thì mới có thể thấm thía hơn mấy câu người Việt ở Nam Trung Bộ từng bần thần lúc đọc cho mình, cho con cháu nghe vào đêm hè hay dưới trăng thu:

Chiều chiều én liệng Truông Mây

Cảm thương chú Lía bị vây

trong thành

với cả mấy câu này nữa, ở đâu ta? Miền Trung hay Tây Nam Bộ, hay là trích từ khúc giã bạn của Kinh Bắc mà sửa đi đôi chữ đây, là cái câu, cái ý, cái tâm trạng rành là Việt này:

Rồi mùa toóc rã, rơm khô

Bậu về quê bậu, biết nơi mô mà tìm?

thật là nao lòng và thao thiết

biết bao nhiêu.

Có người hỏi: Văn chương dân gian Việt vậy, mà sao cộng đồng dân tộc Việt Nam, dù là nhánh nhỏ như các tộc người ở vùng cao, nhánh vừa vừa như Mường, Thái, Khme… cho đến Kinh, đều cương cường khí khái, quật khởi và đại nghĩa đến thế!

Tôi thì muốn cho rằng: Khi ta thấm thía đến tận cùng sát đáy những đớn đau vì bị ức hiếp, lừa gạt và đói nghèo rồi, thì cũng là lúc, hơn nhiều tộc người khác, người Việt ở muôn nơi đã tự đủ chín về tư tưởng và đạo lý rồi truyền cho nhau những ước vọng lớn lao mà cụ thể, những mong cho đời mình rồi đời con cháu mình ngày một khấm khá hơn, có tư thế thực sự giữa đất trời vốn không của riêng ai này.

Trong cuộc trường chinh cần lao mấy ngàn năm nay, người Việt ở vùng cao dưới dãy Hoàng Liên Sơn đã thích thú như người Việt  ở mọi vùng xuôi khi đọc cho nhau nghe (cũng với giọng thì thầm thôi), câu này:

Ước gì sông rộng tày gang

Bắc cầu giải yếm cho chàng

sang chơi.

Tôi đã gặp, đã nghe ở Đền Ken, ở quán cà phê gần cầu Cốc Lếu, ở Hội Lim Bắc Ninh mấy câu này nữa:

Cô kia cắt cỏ một mình

Cho anh cắt với, chung tình làm đôi

Cô còn cắt nữa hay thôi

Cho anh cắt với, làm đôi vợ chồng.

***

Hôm ấy một ông hưu trí ở Mương Khương kể: đồn biên phòng Pha Long có nhiều anh bộ đội bám dân bản, thuộc đường biên còn hơn nhiều cán bộ khác, thế mà chưa biết tại sao vùng này là trung tâm vận chuyển ma túy liên quốc gia, mà con nghiện hầu như không có ai. Phải điều nghiên bằng nhiều cách, thì hiểu ra: các ông trùm ma túy thường phạt nặng, thậm chí là thủ tiêu người trong đường dây nếu biết họ đã hút hít, vì hút hít, sẽ làm mất tập trung.

Có người cho hay, ông hưu trí này có nhiều thành tích, công lao, mà chỉ được bằng khen, không/ chưa được phong anh hùng như lớp đàn em. Hỏi vậy là sao? Ông cười khơ khơ, thay câu trả lời, là câu: Có năm, tôi đi dự các đại hội, các lễ mừng đến 7 lần, hết hơn 7 tháng lương, mang về được 7 bộ ấm chén làm quà tặng vợ con…

Hôm khác, lại được mấy anh công an ở các xã giáp biên cho hay: dịp này đang lo xuống bản làm Căn cước công dân vào các buổi tối, vì ban ngày bà con đi làm cả. Đi bằng gì? Đi bộ, đi xe máy. Xa không? Dạ, cũng trên dưới 10 cây số, vâng, đi mất gần một giờ, về cũng thế. Về chắc ngủ tít, nhỉ? Nhiều hôm chưa kịp ăn uống gì, lại phải lên đường ngay vì được báo có F0 đang ở đâu đấy phải tìm, vì có đám trai trẻ uống rượu đánh nhau, vì có tai nạn đâm xe đổ máu bên đường vừa xuống bản…

Nhà văn Công Thế kể: dưới lưng chừng đèo Khan Co, phía Nam hệ núi Hoàng Liên, có bản Tu Thượng, Khoảng 300 năm trước người Mông từ bên kia biên giới trôi dạt sang đất ta, ngụ cư ở Tu Thượng. Bởi núi rừng hiểm trở, bởi ngại ngùng mặc cảm bị xua đuổi như hồi ở bên kia, mấy gia đình người Mông này sống khép kín, ẩn dật, rồi sinh ra nạn quần hôn, con cháu các đời sau trở nên thấp bé. Quan đồn Pháp gọi họ là bà con xa của người Nhật.

Một lần kia, nghe báo là nhóm người Mông xanh này bắt được thú quý hiếm, lính Tây leo núi tìm đến, đòi nộp thú quý. Bà con nói thác ra là đói quá, phải làm thịt đứa bé ốm không thể nuôi chữa được. Lính Tây không tin, tự mở vung nồi, trong mờ mịt hơi và khói, thấy có bàn tay bé nhỏ thật, cả bọn quày quả đi ra. Từ đó, xóm nhỏ Mông xanh này mang thêm tiếng: Mông xanh ăn thịt người! Họ càng bị xa lánh thêm.

Mãi sau 1945, rồi đến cuộc kháng chiến chống Pháp, cán bộ ta đến nằm vùng giác ngộ bà con, thì mới rõ: Năm xưa ấy, bà con bắt được một con căng (thuộc loài khỉ), thì nấu cháo ăn thôi.

Mấy chục năm nay thì khác xưa lắm rồi. Người Mông xanh được chính quyền các cấp động viên, giúp đỡ, nên đã phá bỏ tục quần hôn. Mới gặp, ta thấy bà con có trang phục và ngữ âm na ná người Nhật thủa trước, nhưng vóc dáng đã như Kinh như Thái như Tày. Ông Vàng A Dính khi là Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Xé từng nói: Chúng tôi đã là người Việt Nam, người Mông ở đây và ở khắp dãy Hoàng Liên Sơn, khắp cả tận Thanh Hóa, Nghệ An… đã đi bộ đội, làm cán bộ, làm công an lâu nay rồi.

Đã bắt đầu có hoa đào ở Sapa, ở Bát Xát, ở Bảo Thắng, ở Bảo Hà… Nghe nói từ các nơi ấy, và cả từ Si Ma Cai, Y Tý, Tả Gia Khâu… Tết cũng đang mon men đến rồi. Tết vùng biên trong mùa chống giặc Covid, thì cũng cần gọn ghẽ thôi, tôi nghe nhiều người ở thành phố Lào Cai nói thế.

Trong rực rỡ đèn đêm, tự nhiên nhớ Bản Phố năm nào. Bản Phố, phải rồi, Bản Phố với thơ Đoàn Hữu Nam: Rượu rót bát tràn bát/ Mắt rót tràn trong mắt/ Tình say đến ngu ngơ… rồi nhớ sang Tô Hoài, ông cụ cười móm mén tinh quái: Cái anh không uống được rượu mới làm thơ rượu hay được. Đúng thế đấy. Nhấp môi thôi, uống như người biết uống thì thấy được gì mà làm thơ cho hay nữa.


Tác giả: Nguyên An
Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2022

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay3,779
  • Tháng hiện tại117,631
  • Tổng lượt truy cập3,218,386
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây