Thơm ngát hoa chanh

Thứ năm - 17/12/2020 15:49
Nhà thơ Nguyễn Bao sinh năm 1932, đến nay gần 90 tuổi. Lứa tuổi xưa nay hiếm ấy ở Hội Nhà văn Việt Nam, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nhớ ngày tôi vinh hạnh dự lễ chúc thọ ông do gia đình bạn bè tổ chức ở một phòng ấm cúng của nhà hàng Tông Đản. Nói thế thôi, chứ người chủ chi chủ trì, là bạn ông, bạn từ thuở học phổ thông ruột thịt hơn 60 năm. Đó là giáo sư, nhà thơ Hà Minh Đức.
111

Buổi gặp chỉ gồm người thân – chị Tú Mạc vợ ông, nhà thơ Định Hải em trai, giáo sư Nguyễn Đình Chú bạn học Sư phạm văn khoa từ năm 1955. Có đại diện nhà xuất bản Văn học và lứa đàn em: Vân Long, Mã Giang Lân, Phạm Đình Ân, Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Huy Thông… Buổi chúc thọ giản dị, trang trọng, đầm ấm vui lắm… Trong không khí của hoa và kỷ niệm, nhà thơ Định Hải đọc thơ kính tặng người anh đã “đầu têu” lôi cuốn mình vào nghiệp thơ ca. Nguyễn Bao vóc người tầm thước, tóc bạc, cười lành, khiêm nhường trước những lời đẹp của bạn bè, cuối buổi đã đứng lên đọc một bài thơ như một lời tri ân:

Một đời lắm nỗi hư vô

Tim thêm gì chút vu vơ một ngày

May còn ấm một bàn tay

Nẻo gần chung bước, dặm dài sẻ chia.

Đó là tấm lòng của một người sống tốt với mọi người, một trái tim đau đáu với đời, với thơ.

Nhà thơ Nguyễn Bao người làng Sét, xã Định Hải, Yên Định, Thanh Hóa. Cái làng cổ ven sông Mã dữ dằn thuộc Phủ Thiệu, Ái Châu xưa. Làng có một gò đồi, thuở nhỏ cậu bé Bao thường trèo lên đứng, đắm mắt nhìn những cánh đồng bát ngát, những nương vườn xanh tươi và tập làm thơ: Đứng trên đỉnh núi/ lúa nhiều như nắng. Đứng trên núi ấy ngắm về phía bắc xa mờ là Phủ Quảng thấp thoáng thành nhà Hồ. Ngắm về nam gặp núi Đọ, di chỉ đồ đá cũ của người Việt. Vượt ngã ba Bông, gặp làng cổ Đông Sơn với trống đồng nổi tiếng. Kế bên là làng Thiệu Dương quê Dương Đình nghệ, người khởi đầu cho sự nghiệp độc lập tự chủ của đất nước. Ông Bao tự hào về quê hương lắm, hay nhắc đến sự hiếu học của bao danh tài: Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Nguyễn Quán Nho… ghi dấu ấn trong lịch sử Đại Việt.

Năm 1949-1952, Nguyễn Bao học cấp 3 Lam Sơn cùng với Hà Minh Đức, Trần Quốc Vượng, Vũ Giáng Hương, Vũ Tuyên Hoàng… toàn bạn bè thành danh về văn chương, học thuật sau này. Năm 1954-1957 Nguyễn Bao học Đại học Sư phạm văn khoa khóa đầu do giáo sư Đặng Thai Mai hiệu trưởng. Lớp sinh viên còn có Phan Cự Đệ, Nguyễn Đình Chú, Hà Minh Đức… cũng toàn bậc cự phách, tài cao của đất nước. Những năm đầu tiên miền Bắc hòa bình, khí thế sinh viên hào hùng lắm, say sưa học, nghiên cứu, say sưa hoạt động xã hội. Năm 1955 Nguyễn Bao cùng Đình Bảng, Nguyễn Phan Cảnh, Kim Đính… làm tạp chí Sinh viên Việt Nam do Minh Thông (Hà Minh Đức) giữ thư ký tòa soạn. Tạp chí ra hàng tháng được sinh viên và bạn đọc cả nước chấp nhận, chào đón nồng nhiệt.

Học xong Đại học, Nguyễn Bao không đi dạy, mà chuyển sang nghề viết, ham muốn của ông từ thời trẻ. Ông về báo Tổ quốc, là phóng viên xông xáo, mê đi thực tế hòa mình với thiên nhiên, con người của miền Bắc hừng hực khí thế lao động. Nguyễn Bao cần cù, cẩn trọng trong từng trang viết. Nhân cách của chàng nhà báo trẻ được tổng biên tập Lê Huy Vân mến trọng. Cô con gái cưng của ông Vân là chị Tú Mạc, sinh viên Đại học Bách Khoa yêu thương rồi hợp thành đôi lứa đẹp. “Một cặp đôi hoàn hảo” như Giáo sư Hà Minh Đức bình chọn cho bạn mình.

Năm 1974 Nguyễn Bao về nhà xuất bản Văn học làm biên tập, rồi phó giám đốc phụ trách mảng văn học Việt Nam. Đây là thời kỳ ông đóng góp công sức, tâm huyết cho nhiều tác phẩm của nền văn học cổ điển, hiện đại của các tác gia Việt Nam đến với bạn đọc. Ông xin tái bản lại Vào Đời của Hà Minh Tuân, Cửa mở của Việt Phương. Ngay cả chuyện “lình xình” xung quanh Chân dung văn học của Xuân Sách, sách in ở Sài Gòn, ông không được đọc duyệt bản thảo, nhưng khi có chuyện ông cùng ban giám đốc tháo gỡ việc này. Cũng như vài sự cố văn chương xảy ra của nền văn học nước nhà, nó giúp thêm ta kiểm định cái đúng, cái sai, cái cơ hội, non nớt của người cầm bút. Ngày làm Phó giám đốc ông còn mời các cây bút trẻ tài năng về nhà xuất bản như Nhật Tuấn, Vũ Quần Phương, Quang Huy, Nguyễn Văn Lưu. Sau này ông Lưu, ông Huy đều trở thành những trụ cột của nhà xuất bản Văn học, Văn hóa năng nổ, có tâm…

Nguyễn Bao là người đoàn kết được mọi thành viên nghệ sĩ nhiều cá tính. Con người ông luôn tin người, chu đáo trong hành xử, giao tiếp. Ông không hề giận ai, ghét ai, vui niềm vui của mọi người có. Sinh thời, nhà thơ Trịnh Thanh Sơn đã viết về điều này: “Anh ân cần đến tỉ mỉ, nâng niu đến trân trọng và chu đáo đến mực thước để không ai vì mình, vì thơ mình mà phải xót xa hay thở dài…”

Nguyễn Bao có năng khiếu văn chương sớm. Khi ở tuổi học trò ông đã viết lách được bạn bè ngưỡng mộ. Thời sinh viên ông có thơ in ở các báo. Dấu ấn cho bạn đọc khi bài Hoa chanh của ông in ở tuần báo Văn tháng 2/1957. Nhà văn Nguyên Hồng tổng biên tập thời đó khen nức nở “Tuần báo Văn có tiếng cả nước, giới thiệu những sáng tác hay như Hoa chanh của tác giả trẻ Nguyễn Bao…”. Có thể nói Hoa chanh là “tấm vé” đưa nhà thơ Nguyễn Bao tới dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Nguyễn Bao, Phùng Quán, Nguyên Ngọc là ba nhà văn trẻ được dự đại hội lần đó. Thật vinh dự và trách nhiệm của nhà thơ ở tuổi 25. Khi hỏi thành công của bài thơ, ông tâm sự “Lứa tuổi chúng tôi còn say với chất trữ tình, và hùng tráng của thơ kháng chiến, cảm hứng thẩm mỹ về Tổ quốc và nhân dân, về lịch sử và chiến thắng vẫn là cảm hứng chủ đạo”.

Đó là ngọn nguồn cho nội dung, nghệ thuật phong cách thể hiện của Hoa chanh. Nó kế thừa mạch thơ vạm vỡ, bung phá hiện đại của Nhớ máu, Tình sông núi của Trần Mai Ninh, Đèo Cả của Hữu Loan. Nhưng Hoa chanh tự sự trữ tình, dịu lắng, khổ thơ khuôn gọn như mảnh vườn, ô ruộng làng quê dễ đi vào lòng người. Nếu Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Núi đôi của Vũ Cao, Quê hương của Giang Nam là tiếng kêu đau thương mất mát xé lòng của tình yêu trong chiến tranh thì Hoa chanh cho ta niềm tin, hy vọng của đôi lứa sẽ đoàn tụ trong cuộc kháng chiến thần thánh. Đó là bản chất nhân ái, có hậu, của người Việt, đẹp như chuyện dân gian Tống Trân Cúc Hoa, Thạch Sanh, Lục Vân Tiên vậy. Hoa chanh được nhiều người lính trong kháng chiến chống Mỹ mê thuộc. Nhà thơ Lã Hoan, lính cơ giới thời chống Mỹ kể “Đêm ở Trường Sơn đồng đội thường bắt tôi đọc Hoa chanh, họ chỉ nói đọc bài “Hai chúng mình ấy”. Mỗi lần đọc xong được bồi dưỡng một điếu thuốc Trường Sơn trang trọng. Tôi có thuốc hút đều là nhờ ở Hoa chanh...”. Lại có chuyện một thương binh ở Bắc Giang, gặp Nguyễn Bao ở buổi giao lưu, xung phong đọc một mạch Hoa chanh, hỏi sao thuộc? Trả lời “Trong chiến trường Tây nguyên đêm đêm tiểu đội mở đài nghe Hoa chanh ở buổi tiếng thơ, phân công mỗi người thuộc một đoạn rồi ghép lại thành bài”. Hoa chanh có chỗ đứng trong lòng công chúng. Bài thơ không bi lụy, nó cho người lính niềm tin có người chờ đợi ở hậu phương.

Hoa chanh với câu thơ mộc mạc, mạch thơ dài là câu chuyện có nhân vật có số phận, có tình huống được kể với cảm xúc thơ tràn ngập. Thơ kể: Hai chúng mình/ biết nhau từ nhỏ/ nhà em bên nhà anh/ đường xóm ra vào chung ngõ…/ gọi nhau xin lửa qua rào. Thơ tả: Nhà em có một giàn trầu/ lá tốt xanh trùm bể nước/ vườn bên anh lối vào ngõ trước/ hoa trắng ngần thơm một gốc chanh. Câu thơ đầy biểu cảm, hình ảnh chọn lọc tinh tế đầy hình tượng đẹp như bức tranh tố nữ:

Tháng giêng được mùa nắng mới

Tóc em dài dịu mát mầu xanh

… Em gội tóc thơm bên bờ hong nắng.

Tất cả dồn đến một lý tưởng lớn của dân tộc:

Tiếng em thầm thì ngày đêm vẫn nhắc

- Khi Tổ quốc cần

Chúng mình biết hy sinh

Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn từng đánh giá: “Nguyễn Bao qua Hoa chanh đã vẽ được hình dáng, vẽ được linh hồn của những người chân quê chúng ta vậy đấy!”

Nguyễn Bao không chỉ có một Hoa chanh viết về làng quê. Đọc các tập thơ Suối bên đường, Sang thu đều thấy lấp lánh một dòng thơ đồng quê đẹp đẽ. Các nhà thơ Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ viết về làng quê mới dựng cảnh, tả tình. Còn thơ Nguyễn Bao đi xa hơn trong khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ đó có người lao động của đất nước tự do, hòa bình. Đây là cánh đồng miền Bắc trù phú, ấm no mà thơ xưa chưa có:

Đồi lượn sóng, lúa uốn mình xa tắp

Lúa căng vồng chạm gió ngân vang

… Đồi Mộc Châu thơm như từng đống thóc

Niềm vui mùa xuân mới của người gieo trồng cho thơ reo ca:

Đất ngọc phù sa, tốt lúa xuân

Bụi nở lá xòe, lúa ấm chân

… Ra lò lứa gạch tươi màu đỏ

Xuôi bến đằm khoang những bóng thuyền…

Những câu thơ đắm đuối viết ra từ một tâm hồn đa cảm mới óng ả làm sao. Bây giờ thật tiếc cho các nhà thơ chúng ta lao vào lập ngôn, thuyết giáo đã bỏ quên những mảng màu tươi ấm sinh động này.

Với cốt cách làm chủ tâm thế của mình Nguyễn Bao trung thành bền bỉ đi trên con đường thơ của mình. Hơn 60 năm cầm bút ông không chạy theo số lượng, các giải thưởng, không hòa theo mốt cách tân, không ồn ào kiếm danh lợi ở thơ. Nhà phê bình Nguyễn Huy Thông đánh giá: “Nguyễn Bao là một trong những nhà thơ đương đại rất dụng công, coi trọng lao động thơ và niềm say mê hứng khởi của mình”. Thơ Nguyễn Bao có nét như thơ của các bậc túc nho xưa, lấy tâm hồn mình phổ vào thiên nhiên con người của cuộc sống đương đại. Mấy năm gần đây với túi vải nhỏ bên người đựng cuốn sổ mỏng, vài cái bút, ông chầm chậm đi dự các cuộc họp văn học, đi thăm bè bạn và miệt mài viết. Ông viết được nhiều bài tứ tuyệt hay, nhiều câu thơ ứa nước mắt khóc bạn bè thơ văn phải về cõi vĩnh hằng. Đó là hồn thơ của kể sĩ, biết tri kỷ biết tri âm của cõi nhân gian, để có cảm xúc trong trẻo bao dung.

Cành non tươi đến bất ngờ

Trẻ trung mắt lá, ngây thơ nghiêng nhìn

Nghe tim mình đập bình yên

Tuổi thu lại hồn nhiên với rừng

Tâm hồn ấy vẫn luôn vọng ngóng tình người:

Người đang vớt mảnh trăng non

Làm thuyền sang với ai mòn mỏi trông

Những ngày vất vả đua chen này, đọc những câu thơ sau cho ta yên bình thanh thản biết bao:

Chiều xuân thoáng một làn hương

Trời như xanh lại, con đường bớt xa

Cuộc đời như làn mây, gió thoảng ấy vậy mà trả vay cho nó mới nặng nghĩa tình làm sao.

Dẫu là gió thoảng bên trời

Nhẹ tênh mà trả suốt đời chưa xong

Nhà thơ Ngô Quân Miện khen “Thơ Nguyễn Bao không nói nhiều, không ồn ào giả tạo, có cái gì hồn nhiên như cỏ cây, sông biển”. Hiểu sức mình tài mình, nhà thơ Nguyễn Bao thấm được đạo lý làm người.

Khi tự nhìn tận đáy

Sẽ thấy trời cao xanh

Một ngày cuối năm, sau mấy lần lỡ hẹn, tôi tới thăm nhà thơ Nguyễn Bao, vợ ông ân cần ra tận bến xe bus đầu đường Cát Linh đón tôi. Vợ chồng ông vẫn ở một mình, căn hộ nhỏ từ những năm 1987, bên một ngôi chùa. Các con ông ở riêng, thành đạt muốn mua cho bố mẹ một căn hộ cao cấp, tiện nghi, ông chối từ! “Quen rồi, nhiều kỉ niệm vả lại còn cả đống sách báo tư liệu bề bộn thế kia”. Bây giờ “Cặp đôi hoàn hảo” lại ấm cúng, nuông chiều như hồi trẻ. Ông cũng đã vào viện, may bệnh không hiểm, nay nằm ở nhà. Chị Tú Mạc pha một ấm trà thơm, cắt một đĩa táo rồi nhẹ nhàng lui ra “Để anh em ông tự do bàn luận về thơ nhé”. Trong phòng khách nhỏ có treo bức ảnh chụp một cành hoa chanh trắng nở rộ có đề từ trích từ bài Hoa chanh: “Cây chanh đang mùa hoa trắng/ gió đưa thơm ngát long lanh.” Nguyễn Bao cười vui: “Tấm ảnh của một người hâm mộ Hoa chanh gửi tặng nhân ngày mình 80 tuổi đấy”.

Hỏi ông về thơ, về nghề viết, Nguyễn Bao sôi nổi: “Thơ phải lấy cái tình làm gốc, viết tự tâm hồn mình có. Mình tâm đắc lời của nhà thơ Tố Hữu: Thơ hay làm người ta quên thơ đi, chỉ còn cảm thấy có tình người…”

Điều giản dị ấy sao cứ ồn ào tranh cãi hoài hỡi các nhà thơ đương đại và hậu đương đại. Một đời làm thơ mong có một câu, một bài lưu trong trí nhớ người đọc là mãn nguyện rồi. Ân nghĩa cuộc đời là vậy và Hoa chanh mãi thơm ngát vườn thơ.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Quế
Nguồn Văn nghệ số 50/2020

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay3,980
  • Tháng hiện tại122,287
  • Tổng lượt truy cập3,223,042
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây