Khẳng định tinh thần chiến đấu, nhân văn, hiện đại của báo chí cách mạng

Thứ tư - 05/08/2020 16:29
Sau hai vòng Sơ khảo và Chung khảo, Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2019 đã lựa chọn những tác phẩm xuất sắc để trao giải, gồm: 10 giải A, 20 giải B, 41 giải C và 32 giải Khuyến khích. Khép lại một mùa giải thành công với nhiều điểm đáng ghi nhận, khẳng định tính chiến đấu mạnh mẽ, nhưng giàu tính nhân văn, mà chuyên nghiệp hiện đại của báo chí cách mạng Việt Nam.
111
Chấm Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2019 từ ngày 29-30/5. Ảnh: Sơn Hải
Báo chí luôn ở tuyến đầu của những mặt trận nóng bỏng

Năm nay, Giải đã nhận được 1.725 tác phẩm, trong đó có 1.602 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải theo quy định. Chất lượng các tác phẩm dự Giải được đánh giá đồng đều hơn so với những năm trước. Phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2019. Đây là năm có số lượng tác phẩm dự giải ở mức cao từ trước đến nay. Tham dự giải năm nay có hơn 110 đơn vị cấp Hội và hơn 230 cộng tác viên tham dự 11 loại giải theo quy định.

Bên cạnh việc phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2019 như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt năm 2019 kỉ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 chiến thắng Điện Biên Phủ...

Nhiều tác phẩm dự Giải thể hiện được tính phản biện sâu, phát hiện vấn đề mới, có hiệu quả xã hội tích cực, có tầm ảnh hưởng xã hội và thể hiện một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn. Đối với chủ đề xây dựng Đảng, chủ đề được đánh giá khô, khó nhưng được thể hiện sinh động, đầy ấn tượng như: Sàng lọc đảng viên: Chìa khóa xây dựng Đảng thành công (LCH nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam); Phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy (HNB tỉnh Gia Lai); Tự “Soi” để “Sáng” hơn (HNB TP. Đà Nẵng); Phân cấp, phân quyền với việc sửa đổi Luật tổ chức chính quyền địa phương (LCH nhà báo Văn phòng Quốc hội); Về với Đảng trọn niềm vui (HNB tỉnh Vĩnh Long);...

"Những vấn đề thời sự nóng bỏng về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục cho thấy sức chiến đấu mạnh mẽ qua các tác phẩm điều tra như: Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị “đóng băng, bào mòn” (LCH nhà báo Báo Nhân Dân); Khổ như “chạy” chứng chỉ viên chức (LCH nhà báo Báo Thanh niên); Làm đẹp những con số (HNB tỉnh Thanh Hóa)..."

Vấn đề bảo vệ môi trường như: Sự cố ô nhiễm nước sông Đà (Chi hội nhà báo Báo Tiền Phong); Mặn chát như sứa biển ủ đông (HNB tỉnh Quảng Ninh); Mớ bòng bong ma trận đấu thầu tập trung: Hà Nội nguy cơ “thất thủ” vì rác thải (HNB TP. Hà Nội),...

Bên cạnh đó, chủ đề an ninh, quốc phòng bảo vệ biển đảo vẫn thể hiện được sức nặng như: Loạt bài 30 năm DK1 - Thành đồng trên biển; Khởi động chương trình Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển (HNB TP. Hồ Chí Minh),... đã thay lời khẳng định toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ nước ta đối với thế giới. Phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như: Chặn đứng, đập tan âm mưu các tổ chức mới chống phá Việt Nam (LCH nhà báo Bộ Công an); Tự do ngôn luận hay ngôn luận tự do để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân (Chi hội nhà báo Tạp chí Cộng sản);...

Cải cách hành chính, chính sách và cuộc sống, cơ chế quản lý kinh tế như: Lỗ hổng an ninh năng lượng (Chi hội nhà báo Báo Đầu tư); Rừng thủ tục làm dự án giao thông trọng điểm (Chi hội nhà báo Báo Giao thông);... được các cơ quan báo chí tập trung phân tích, đồng thời đưa ra những giải pháp giúp Nhà nước nâng cao hơn nữa công tác quản lý người dùng mạng xã hội, cũng như cải cách hành chính.

Hay những vấn đề mới về kinh tế báo chí, yêu cầu đổi mới của báo chí qua loạt bài Báo chí và áp lực đổi mới của (LCH nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam)... Khuyến khích thúc đẩy kinh tế tư nhân, sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng đô thị thông minh như: Đổi mới sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng (LCH nhà báo Báo Nhân Dân); Đồng bằng sông Cửu Long trữ ngọt linh hoạt, chủ động thích ứng hạn mặn (HNB tỉnh Vĩnh Long); Nông nghiệp Tây Nguyên tìm động lực cho giai đoạn mới (LCH nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam).

Nêu gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến như: Người lặng thầm lan tỏa văn hóa Việt (HNB tỉnh Nghệ An); Chị Hai (HNB tỉnh Quảng Ngãi);... và các đề tài truyền thống như lịch sử, văn hóa như: Giải mã Điện Biên Phủ - Cái nhìn từ hai phía (LCH nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam);... cũng được các cơ quan báo chí khắc họa chi tiết.

Năm nay, các tác phẩm nhiều kì (nhất là báo in) chiếm tỉ lệ khá cao, cho thấy đề tài được đầu tư công phu, bài bản. Phát thanh, truyền hình có nhiều tương tác với công chúng hơn. Một số tác phẩm khai thác thế mạnh của Internet, tạo sự tương tác mạnh mẽ với công chúng, sử dụng mạng xã hội khi làm chương trình giúp công chúng có thể tham gia, góp ý để chương trình tốt hơn.

Đối với báo điện tử, hình thức thể hiện mới, hiện đại của báo chí điện tử là báo chí đa phương tiện, longform, megastory,... tiếp tục được sử dụng nhiều. Đa phần các tác phẩm xuất sắc được xây dựng công phu, sử dụng megastory kết nối đa phương tiện, trở nên hấp dẫn. Có tuyến bài xuất sắc, mang tính phát hiện vấn đề gai góc, có hiệu ứng xã hội cao được các thành viên Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo đánh giá rất cao.

Có thể khẳng định, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2019 vẫn tiếp tục phát huy được những thế mạnh từ những năm trước, vừa có những trọng tâm, vừa có điểm mới. Những tác phẩm đoạt giải là những tác phẩm thể hiện phẩm chất dấn thân của nhà báo, bản lĩnh chính trị, và trình độ nghiệp vụ vững vàng cùng năng lực sáng tạo, tạo được sức lan tỏa trong xã hội. Qua đó khẳng định, báo chí luôn ở trên tuyến đầu của những mặt trận nóng bỏng trong đời sống xã hội. Thể hiện sức mạnh của báo chí cách mạng luôn giàu tính chiến đấu, tính nhân văn, chuyên nghiệp hiện đại và chúng ta làm nghề để phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm đáng ghi nhận, mùa giải năm nay vẫn còn những điều đáng tiếc. Năm nay, thể loại bình luận, các tạp chí, nhất là tạp chí khối Đảng tham gia không nhiều, chưa thể hiện được dấu ấn, đặc biệt các bài chính luận. Những tác phẩm xã luận, bình luận, chuyên luận chưa thể hiện rõ tính chuyên luận. Thể loại Ảnh báo chí vẫn còn ít tác phẩm, chưa phản ánh đầy đủ đời sống báo chí trong năm qua. Đối với nhóm truyền hình, nhiều tác phẩm vẫn thể hiện theo lối mòn, đề tài lịch sử chưa tìm được cái mới, chưa có cách thể hiện mới.
111
Bỏ phiếu bầu chọn tác phẩm đoạt giải. Ảnh: Thế Anh
Dấu ấn từ Hội Nhà báo địa phương

Có thể thấy, điều thành công của các tác phẩm địa phương đoạt giải năm nay thể hiện rõ hơn vai trò của các cấp Hội. Thứ nhất, các cấp Hội đã làm tốt vai trò sàng lọc tác phẩm, việc sàng lọc từ cơ sở đóng vai trò tiên quyết để các cấp Hội Nhà báo gửi tác phẩm có chất lượng tốt dự Giải. Đây như một cuộc “đãi cát tìm vàng” trong hàng nghìn tác phẩm bám sát hơi thở của cuộc sống. Sự chọn lựa ban đầu của các cấp Hội năm nay cho thấy, việc đánh giá các tác phẩm một cách chính xác, bài bản. Mặt khác, các cấp Hội cơ sở đã chú ý hơn đến việc tuyển chọn tác phẩm theo đúng quy định Hướng dẫn của Hội đồng Giải.

Nhà báo Đoàn Minh Long, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, năm nay Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh để tuyển chọn tác phẩm tốt nhất tham dự Giải. Điều này thể hiện từ việc tuân thủ đúng tiêu chí, điều lệ Giải đến việc tuyển chọn tác phẩm báo chí tham dự. Trong đó, việc tuyển chọn Giải Báo chí Quốc gia luôn được Hội Nhà báo tỉnh coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Công tác tuyển chọn ở mỗi cấp Hội phụ thuộc khá nhiều về điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển chọn tác phẩm tham dự. Công tác tuyển chọn này ở Trung ương về cơ bản tốt hơn. Tuy vẫn còn những khoảng cách nhất định, nhưng không thể phủ nhận rằng, những năm gần đây nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư hơn trong việc tuyển chọn này như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Long, Cần Thơ, Khánh Hòa; Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ninh, Hưng Yên,...


Thứ hai, một số cấp Hội và các cơ quan báo chí đã có những đầu tư nhất định trong sáng tạo tác phẩm ngay từ đầu và có những chiến lược trong khai thác đề tài đều đoạt giải cao của Giải Báo chí Quốc gia. Để có tác phẩm báo chí tốt dự Giải Báo chí Quốc gia có nhiều khâu, nhiều yếu tố cấu thành. Đó là tài năng của tác giả, nhóm tác giả, công tác tổ chức chỉ đạo của Ban Biên tập, Ban Giám đốc Đài, các khâu tổ chức thực hiện, nắm bắt phản hồi của công chúng...

Sự phối hợp đồng bộ giữa Tổng Biên tập, lãnh đạo báo, đài và các cấp Hội trong việc lựa chọn đề tài trúng, đúng, triển khai tác phẩm đeo bám sự kiện đến cùng và lựa chọn tác phẩm tốt nhất để dự Giải Báo chí Quốc gia là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần vào thành công của mỗi tác phẩm báo chí. Tác phẩm có thể do một tác giả, nhóm tác giả... nhưng đó chính là hội tụ, kết tinh của sức mạnh tập thể, vì bản chất lao động báo chí là lao động tập thể./.

 
Theo Cường Anh/Người làm báo Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây