Tản mạn về thơ hay

Thứ tư - 24/03/2021 10:35

Thế nào là một bài thơ hay? Thật là khó nói! Tôi nhớ từ lâu lắm rồi, Chế Lan Viên đã viết về điều này:

Bài thơ hay cũng như người con gái đẹp

Ở đâu đi đâu cũng lấy được chồng
111
Nhưng người con gái đẹp thì cũng tùy vào cách cảm, cách nhìn nhận của từng người; có thể với người này thì đẹp, với người khác thì không đẹp; ấy là sự nhìn nhận về nhan sắc, về tính cách, đạo đức, về tài năng… Khó nói lắm. Bởi vậy mới có sự ngộ nhận. Ngộ nhận về người khác và ngộ nhận với chính mình. Lúc còn trẻ tôi rất thích đọc thơ Chế Lan Viên, bởi sự thông thái của ông toát ra trong từng bài, qua cách sử dụng câu chữ, qua ý tưởng hiển ngôn và ẩn ngôn, trong hình ảnh đầy sáng tạo… Ấy vậy mà do cảm nhận của mình, có những cái hay cái đẹp trong thơ của Chế Lan viên, đã từng bị tôi bỏ qua, mãi sau này khi đã có tuổi mới nhận ra. Chẳng hạn mấy câu này.

tuổi đã ngoài sáu mươi

hám gì hương sắc lạ

mọc chùm hoa trên đá

mùa xuân không chịu lùi

Đó là thơ hay của ý tưởng mà không phải ai cũng nhận ngay ra được, chỉ đến lúc có sự đồng cảm sâu sắc mới bất ngờ nhận ra. Tôi nhớ sau ngày miền Nam giải phóng, tôi tình cờ đọc được một bài thơ của Chế Lan Viên trên báo, khiến tôi sửng cả người. Nó quá hay vì nó quá đẹp. Đẹp trong câu chữ. Đẹp trong hình ảnh. Đẹp đến bất ngờ trong sự so sánh đầy sáng tạo.

Sáng nay ra đường gặp ai?

Gặp hoa súng hồng.

Hồng như chưa từng có môi nào hồng được vậy,

Đến nỗi anh qua rồi còn quay ngoắt lại.

Hỏi, hoa súng hồng, hoa súng hồng, mày có phải hoa không?

Ở đây không nói về biện pháp tu từ, nhân cách hóa nâng hoa lên thành người, đẹp như môi người, mà tôi xin nói về đại từ “mày”. Một cách nói bình dân, hơi có vẻ thô thiển, vậy mà hay đến lạ lùng. Nói đến môi hồng khiến ta liên tưởng ngay đến làn môi thiếu nữ. Nhưng nếu Chế Lan Viên viết là “hoa súng hồng, em có phải hoa không”, câu thơ sẽ nhẹ tênh, chẳng có sức ám ảnh gì cả. Nhà thơ dùng đại từ “mày” như một cách nhân xưng bằng vai phải lứa, hay nhỉnh hơn chút đỉnh về tuổi tác, về vai vế, về giới chức đàn ông của mình. Mấy chữ “hoa súng hồng” được nhắc hai lần, cứ như bông hoa đẹp đến ngạc nhiên, đẹp đến trót thấy hoa mà bị ám ảnh, về tới nhà rồi còn tưởng đã gặp ai sáng nay; chứng tỏ điều ấy đã ám ảnh trong tâm thức của ông suốt cả ngày, mà mãi đến lúc hết việc về nhà, rỗi rãi mới nhớ ra. Nó là câu thơ đóng đinh, đóng chốt, khóa lại cả bài thơ bằng sức nặng choáng ngợp của tình cảm, mà chỉ có người thi sĩ tài hoa mới thốt lên được như vậy.

Nói tới đây, tự nhiên tôi nhớ tới những bài lý luận văn học, thường nói rằng, bất cứ một bài thơ nào, dù ngắn hay dài, bao giờ cũng cần có những câu thơ mang tính đóng đinh đóng chốt cho sự vững chắc tồn tại, như vậy mới đọng lại được vào lòng người, mới được coi là thơ hay. Các nhà lý luận văn học cổ điển Nhật Bản từng nói về một bài thơ tứ tuyệt hay, thường phải tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố Khai Lung Chuyển Nhập, và cho rằng câu Chuyển là câu khó nhất, là câu vượt sóng; không vượt được qua cả bài thơ sẽ bị chìm, sẽ không ai nhớ cả.

hai chị em con người bán lụa ở Ky Ô Tô

cô chị hai mươi cô em mười tám;

chàng hiệp sĩ có thể giết người bằng lưỡi kiếm

của anh ta

còn hai nàng giết người bằng ánh mắt.

Sự vượt qua qua ấy tưởng như làm chuyển cả bài thơ sang ý khác, nhưng sự nhập lại đã làm bừng sáng cả bài thơ. Điều đó giúp khẳng định chủ đề, không làm phân tán chủ đề, hay làm cho chủ đề bị tản mát. Nếu bài thơ có dài, thì đó là sự phát triển ý tưởng lên những cấp độ khác nhau, càng viết càng khoan xoáy vào chủ đề, không khiến các ý tưởng rời rạc, tản mát, chẳng đọng được gì. Bởi vậy thơ dài có cái khó của thơ dài, thơ ngắn lại càng khó hơn về cái khó của thơ ngắn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà bài thơ vỏn vẹn ba câu này của Tagore lại được giải Nobel văn học.

mỗi chúng ta đứng trên trái tim trái đất

lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời

và chưa chi chiều đã tắt

Mạo muội nói về sự bình đẳng vị trí mỗi con người trên trái đất, bởi trái đất hình tròn, chính vì vậy mà mỗi người đều được mặt trời soi sáng như nhau, tấm lòng mỗi người đều xuyên qua nguồn năng lượng bất tận như nhau, vấn đề là sử dụng nguồn năng lượng ấy thế nào, bởi mỗi ngày nguồn năng lượng mặt trời đều tắt rất nhanh. Ai chậm chạp và lười biếng, sẽ bỏ phí nguồn năng lượng ấy, sẽ chẳng làm được việc gì. Người ta hơn nhau là ở chỗ ấy. Ông Tú Xương, ông ấy hay ô lâu tửu quán, hay hát ả đào, nhưng ông ấy lượm lặt rất nhanh, chẳng lãng phí một cái gì dưới ánh sáng mặt trời. Bài Sông Lấp đã cho thấy điều ấy rất rõ. Như người ta, sông Lấp chỉ là sông Lấp, chỉ là dòng sông đã bị lấp, đã không còn nữa; chẳng còn giúp ai nhìn thấy để cảm được điều gì. Tôi thường nói với bạn bè, thơ là sự bùng cháy của cảm xúc trong chớp mắt; phải nắm bắt cảm xúc chớp mắt ấy mà khai triển thành văn bản thành văn, qua hình ảnh ngôn ngữ chọn lọc, tinh tế nhất, sâu săc nhất, sáng tạo nhất. Chẳng hạn như cách nhìn cách cảm về sông Lấp của Tú Xương.

sông kia rày đã nên đồng

chỗ thành nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai;

đêm nghe tiếng ếch bên tai

giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Thơ hay là như vậy. Chỉ có bốn câu mà khiến ta giật mình về sự tài hoa đến độ. Nói đến sông nước thì phải nói đến con đò. Nói đến ruộng đồng thì phải nói đến ngô khoai. Có cả đấy. Có cả tiếng gọi đò, tiếng ếch nhái. Có cả ngô khoai, cả nhà cửa. Đó vừa là sự tồn tại của hiện thực và của tâm thức, vừa là cảm xúc bâng khuâng vụt hiện như chợt vẳng lên tiếng gọi đò trước cảnh chiều hoàng hôn giữa cánh đồng, gợi cho ta nhớ về dòng sông xưa trong ký ức. Đầy đủ và chặt chẽ, và thống nhất làm sao. Có anh học viên từng hỏi tôi làm sao để viết được thơ hay. Tôi trả lời. Thơ hay không thể bịa ra được, cứ phải xuất phát từ hiện thực cuộc sống, hiện thực cảm xúc của mình. Càng thực càng hay, vì nó gần gũi với mọi người, thân thuộc thân quen với mọi người; nhưng không phải bệ nguyên si hiện thực mà phản ánh, mà cần có sự chọn lọc, sự nâng cao, sự sáng tạo. Sự sáng tạo tưởng chừng phi lý, nhưng lại là cái phi lý của sự hợp lý trong cảm xúc. Trong cuộc sống thường nhật, người ta hay nói. Đẹp chết người. Đẹp ác ôn. Đẹp tàn nhẫn… Có vẻ như nói phi lý quá, nhưng lại được người ta chấp nhận, mà cái gì được con người chấp nhận thì nó là hợp lý.

Em là ai? Cô gái hay nàng tiên!

Em có tuổi? Hay không có tuổi!

Mái tóc em đây hay là mây là suối!

Mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông!

Từng câu thơ bung ra như từng câu hỏi vô lý ấy của Tố Hữu, chính là sự khâm phục, sự ca ngợi, sự khẳng định giá trị tuyệt phẩm đã trở thành bất tử của Trần Thị Lý, khi mà “điện giật dùi đâm dao cắt lửa nung, không giết được em người con gái anh hùng”. Đến đây tôi muốn nói, Tố Hữu không chỉ là con chim đầu đàn của thơ ca Việt Nam, mà còn là ông thánh chữ. Tôi không dám nói dài về điều này, bởi khuôn khổ bài viết có hạn, chỉ dẫn thêm một đoạn thơ ông viết để ca ngợi người con gái Quảng Nam.

Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt

Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt;

Ôi bàn tay như chiếc lá còn xanh

khắp mình em đau yếu cả thân cành.

Tại sao lại hôn bàn chân? Tại sao lại nâng bàn tay? Hôn là tình cảm. Nâng là ngưỡng vọng.  Để hôn bàn chân thì phải cúi xuống. Quỳ xuống để hôn bàn chân. Chẳng phải loài người vẫn phải quỳ xuống trước cái đẹp hay sao? Từ tư thế ấy, nhà thơ nâng cao đôi bàn tay của chị Trần Thị Lý anh hùng, để cả loài người trên trái đất, ai cũng nhìn thấy, đây là Người Con Gái Việt Nam. Rasul Gamzatov, ông ấy nói, người đàn ông chỉ quỳ chân trong hai trường hợp, là hái hoa đẹp và uống nước nguồn. Nhà thơ Tố Hữu như muốn nói thêm rằng, tất cả chúng ta đều phải quỳ chân trước những phẩm chất anh hùng của con Người.

***

Tôi là người viết văn xuôi, nhưng lại rất thích đọc thơ, đọc để khám phá cái hay trong cách dùng từ, cách đặt câu, cách thể hiện ý tưởng; bởi vậy có nhà phê bình văn học ngoài Hà Nội, vào những năm 80 của Thế kỷ 20, khi nói về truyện ngắn Hun hút suối Giàng của tôi đã nói, Hồ Tĩnh Tâm là người làm thơ trong văn. Tôi mượn ví dụ ấy để nói thêm một chút về thơ văn xuôi, cái mà chúng ta gọi là thơ văn xuôi. Bao nhiêu năm tôi đã nghiệm ra rằng, thơ có thể không có vần, nhưng bao giờ thơ cũng cần có nhịp, hay nói đúng hơn là cần tiết tấu; tiết tấu để làm nền cho giai điệu, giúp giai điệu thơ bay xa; và tiết tấu ấy phải là tiết tấu của trái tim đang cảm xúc. Ông bà ta nói, “chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe”. Ý nói là, chim hót hay cũng như người nói hay vậy. Nói sao cho lọt lỗ tai người khác. Tức là nói không cộc lốc, không gấm gẳng, không ý này xọ ý khác, nói chẳng có ý tưởng gì cả. Tôi nhớ hồi còn chiến tranh chống Mỹ, có một bài thơ ngắn của Phạm Tiến Duật mà làm tôi nhớ mãi, nhớ suốt năm chục năm nay.

nực cười mất ngủ mấy đêm

em lội suối thế nào mà ống quần rách tướp

em leo núi thế nào mà xước cả đôi tay.

lá lạc tiên ơi một bát nước đầy

tưởng uống vào ngủ được ai ngờ lại thao thức suốt mấy đêm ngày lá ơi.

Câu thơ cuối dài thòn như câu văn ấy, nó là sự “dụng ý” nói lên nỗi thao thức dài như sông như biển. Nói lên sự biết ơn, sự chạnh lòng, sự phải lòng đến mất ăn mất ngủ của người thương binh với cô gái nuôi quân giữa rừng già Trường Sơn. Nó là cái đinh đóng chốt trong đầu tôi suốt mấy chục năm qua. Hay như bài thơ Người đẹp của Lò Ngân Sủn, chỉ vỏn vẹn mấy câu mà có sức trụ vững trong lòng người đọc như núi.

người đẹp trông như tuyết

sờ vào lại thấy nóng,

người đẹp trông như lửa

sờ vào lại thấy mát.

người không khát gặp người đẹp cũng khát

người không đói gặp người đẹp cũng đói.

 

ơ

người đẹp như  là giấc mơ

treo trước mắt loài người.

Lò Ngân Sủn là người dân tộc Giáy, nên ngôn ngữ thơ của ông rất thật, thật như đếm, qua cách so sánh rất cụ thể. Mọi sự so sánh đều khập khiểng, nhưng sự “khập khiễng” này của Lò Ngân Sủn lại làm ta thích; từ thích đến cảm, đến ngưỡng mộ cái hay của bài thơ…

***

Có ai đó đã từng lớn tiếng dạy đời, rằng viết văn hay viết thơ là phải sử dụng ngôn ngữ phổ thông, để ai đọc cũng hiểu. Vâng, viết để người ta hiểu khác với viết để người ta cảm chứ. Ngôn ngữ báo chí khác với ngôn ngữ văn chương, khác với ngôn ngữ của văn bản hành chánh. Chữ Văn có năm tầng. Tít trên cao là Văn Hiến. Rồi đến Văn Hóa, Văn Minh, Văn Học. Cuối cùng là Văn Chương. Xin thưa, sức mạnh của thơ là sức mạnh của Văn Chương gợi cảm. Viết thơ mà không gợi lên được điều gì, không làm người ta cảm được gì, thì còn đâu là thơ…

Tác giả: Hồ Tĩnh Tâm
Nguồn Văn nghệ số 12/2021

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay3,512
  • Tháng hiện tại107,705
  • Tổng lượt truy cập3,077,615
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây