“Tuấn Đồng Nai” hồn nhiên xanh

Thứ bảy - 21/11/2020 16:03

Hắn đấy, một người bạn của chúng tôi, Trần Ngọc Tuấn, quê Quảng Ngãi, sống Đồng Nai, thơ “in nhiều lắm rồi, bao nhiêu bài không nhớ nổi”; rồi một buổi  chiều Trà Vinh, tôi chợt có ý định viết về Tuấn, về những dòng thơ thiền, nhẹ, sâu nhưng không đơn giản, là những giọt sương trên cỏ khiêm cung, những hạt bụi nước long lanh lặng lẽ, nhưng nếu biết nhìn sẽ thấy cả trời xanh và mắt xanh biêng biếc. Bọn tôi thường nói về bạn mình bằng cụm từ hiền lành: Tuấn Đồng Nai hồn nhiên xanh.

Hắn đấy, vẫn đang hồn nhiên, cười vỗ trán, khe khẽ trổ thơ với vài ba người bạn cùng “một lứa bên trời lận đận”: Tay nâng giọt nước ân tình/ Thấy trong hiện hữu có hình muôn hoa. Ừ thì đó cũng là cái cách biểu lộ tình cảm của một gã thơ thiền, vốn an nhiên tự tại được quá nửa người (nửa in ít kia xin để cho đời mưu sinh, trách nhiệm với vợ con, gia đình).

Hắn đấy: “Cánh én liệng, nụ hoa xinh/ Tình người chân thật, hồn mình an nhiên” (Kho báu)
 

111
Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn

Tháng 8 năm 1998, Tuấn và tôi cùng dự Hội nghị những người viết văn trẻ tại Hà Nội, cùng là những chàng trai miền Nam mang ánh mắt ngơ ngác của nai vàng đến với thủ đô. Tôi lúc đó cũng thơ như Tuấn, (sau chuyến ấy mới chuyển sang văn xuôi). Trong Hội nghị ai lên giọng xuống giọng mặc kệ, chúng tôi cứ cười hề hề suốt ngày, xét cho cùng cũng mấy chuyện “văn học chi ngoại” thôi mà. Lứa ấy mấy chàng trong Nam ra có Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Một, Mai Thìn, Trần Thế Vinh và tôi, có vài người nữa nhưng tôi không nhớ. Sau này, 5 đứa tôi đều vào Hội Nhà Văn Việt Nam và đều đang viết sung sức. Riêng Tuấn, anh chọn con đường khá thầm lặng với dòng thơ thiền của mình, mà sự nổi tiếng của anh cũng bởi cái thâm trầm ấy.

Cho đến giờ này, tôi có trong tủ sách của mình gần đủ 8 tập thơ của Trần Ngọc Tuấn: Giữa cỏ (1996), Chân chim hóa thạch (1998), Con mắt dã quỳ (2000), Suối reo (2006), Hiện hữu (2013), Chân thân (2018)… Nhưng với tôi, 3 tập thơ gần đây nhất Trần Ngọc Tuấn đã thực sự định hình và chín muồi một cá tính sáng tạo: Thơ thiền.

Tuấn hiền lành, chỉn chu, nụ cười luôn trên môi, không như những nhà thơ khác, đa phần vốn “Ta với giang hồ có nợ duyên/ Có yêu thương và cả những ưu phiền” (Trần Viễn Sơn). Thơ Tuấn cũng vậy, luôn tìm đến cõi bình an thật sự: Lắng nghe/ Khổ não Trần gian/ Trở về chân tánh/ Bình an hiển bày. (Lắng nghe)

Thơ Tuấn thường cô đọng, thỉnh thoảng cũng có những bài có vẻ dài mà tôi lại thích, chẳng hạn Một hômMột hôm đối diện chính mình/ Mừng còn nhịp đập chân tình trong tim.

Tuấn rượu cũng gọi là tạm, mỗi khi rượu vào lời ra, Tuấn say nhưng vẫn có cách nói thơ thiền cùng với nụ cười hề hề muôn thuở. “In vino veritas”, thành ngữ Latin, trong rượu có sự thật, Tuấn sống và say đúng như thơ. Thật trăm phần trăm. Thật như đếm được. Kể vậy cũng hiếm! Cũng nhờ những lúc rượu mà mạch thơ Tuấn mênh mang chan chứa hơn nhiều: Người trong gương có phải mình/ Hay là ảo ảnh hiện hình chân thân. (Chân thân). Hồn nhiên xanh lá trên cành/ Không hay sâu bọ loanh quanh bóng mình/ … Hồn nhiên xanh đến hết mình/ Không hay cơn gió bội tình vừa qua (Hồn nhiên)

Trong đời sống, Tuấn chừng mực, hòa nhan ái ngữ, anh luôn hết lòng vì bạn bè văn chương, không đến nỗi “Không hay cơn gió bội tình vừa qua”, vì tính chỉn chu của Tuấn nên tôi tin anh chỉ một lòng yêu vợ yêu con thì làm gì có ai bội tình.

Những lúc đi trại sáng tác, hội thảo hoặc Đại hội chung Tuấn luôn là trung tâm của bạn bè vì Tuấn luôn vui vẻ, anh có tài hóa giải được mọi bất đồng, kể cả bất đồng về học thuật bởi có lẽ trong thâm tâm anh coi mọi chuyện cứ như không, cứ là nhỏ hết nên cái dễ dàng ấy lây sang mọi người: Vui gì mấy đóa hoa rơi/ Mấy thân mục rữa, mấy lời ngoa ngôn/ Về ngồi giữa đỉnh núi non/ Nghe tâm thanh lọc mất- còn, có- không (Giữa núi). Thong dong/ Một chiếc thuyền không/ Mặc thu vàng lá/ Mặc đông buốt chiều. (Thuyền không)

Trần Ngọc Tuấn là vậy đó, không chấp nhất gì ai bao giờ, bạn bè hoặc ai đó có điều gì không phải, Tuấn luôn cười trừ và buông gọn một tiếng: “Tội!”, thế thôi, thế là đúng với người thơ, người thiền: Không chấp người/ Không chấp ta/ Rừng hoang/ Thung vắng/ Vào ra nhẹ nhàng. (Vô chấp)

Cả khúc ruột miền Trung giáp tới miền Đông có mấy, dăm thằng đau mộng văn chương, mộng hòa bình, mộng đi qua lý lịch, mộng tìm tơ nắng trời cao, rồi bao lần đập vỡ mình ra và sắp xếp lại, nhưng có được đâu. Một lứa lận đận mang bút đi cày xới khắp cõi ba miền tìm tứ thơ, tứ văn, ngơ ngác ngu ngơ đối mặt với gió đời kinh dị. Góp mặt với đời bằng những dòng thơ dòng văn đau đời, đau mình nhưng tựu trung vẫn là hiền. Dù là bạn bè một lứa lận đận, “Tuấn Đồng Nai hồn nhiên xanh” đã biết cách dìu ba đào về chân trời khác từ trước chúng tôi rất lâu. Thơ Tuấn hay vì tất cả những điều ấy!
 

Tác giả: Nguyễn Hiệp
Nguồn Văn nghệ số 47/2020

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay5,894
  • Tháng hiện tại115,206
  • Tổng lượt truy cập3,085,116
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây