Vết thương tuổi 18

Thứ ba - 22/12/2020 15:39
Chiến tranh đã lùi xa và ẩn mình trong các bảo tàng, các luận văn về nghệ thuật quân sự, các tập tư liệu lịch sử, các trang hồi ký chiến trận của tướng lĩnh, các sách giáo khoa huấn luyện tân binh…, và thi thoảng mỗi khi đến ngày lễ kỷ niệm thành lập quân đội, ngày thương binh liệt sĩ hay ngày thống nhất đất nước thì lại được khơi lại qua những hồi ức của cựu chiến binh trên truyền thông như một kiểu “ôn cố tri tân”. Và thường chỉ thấy những vinh quang chiến thắng, những hào quang chiến công, những lấp lánh toàn thắng…, mà ít ai khơi lại nỗi đau của mất mát hy sinh, lại càng hiếm có ai thổ lộ những nỗi niềm sâu kín, những vết thương tâm hồn không bao giờ lành.
111

Thời gian trôi thật nhanh, mới đó đã gần 50 năm trôi qua, từ một tân binh 18 tuổi, tự nguyện viết đơn bằng máu xin nhập ngũ ra chiến trường chiến đấu cho bằng được, đến một tướng tư lệnh của quân khu chiến lược bảo vệ Thủ đô, rồi về hưu mấy năm nay. Từ khi về hưu, không phải bận rộn với những công việc huấn luyện tác chiến theo các phương án chiến tranh công nghệ cao, hay những cuộc tập trận chiến thuật giữa các binh chủng hợp thành, cùng những cuộc tập huấn với các chuyên gia quân sự quốc tế theo những lý thuyết chiến tranh mới…, cả một đời gắn với binh nghiệp gần như cuốn ông vào hết các quỹ thời gian, chẳng còn mấy cho riêng tư, nay ông mới được thư thả dành cho mình vài khoảng trống.

Những tưởng khi trút chiến bào, rời những sa bàn chiến thuật, xa những kế hoạch chiến lược phòng thủ - tấn công…, sẽ nhàn thân nhàn tâm, để có thể ngắm cây cảnh mỗi chiều hoàng hôn, nghe chim hót mỗi bình minh thức giấc, hay chăm sóc vài giò phong lan như thú vui tao nhã, thì hình như không phải. Mỗi ngày qua đi ông có cảm giác trái tim cứ nặng trĩu, tâm ông không tịnh, nghe chim hót, ngắm lan nở hoa, tiềm thức trong ông cứ dần dần hé những góc khuất, mà mấy chục năm nay ông cố tình đóng kín kể từ cái ngày ông và đồng đội hành quân từ Quảng Bình vượt Trường Sơn vào chiến trường Quảng Trị…

*

Cuối năm 1971, Hiếu đang học lớp 10 ở trường Chu Văn An, Hà Nội. Trường đi sơ tán tản mát khắp nơi, từ Hà Tây, rồi Bắc Ninh, Bắc Giang, mà tâm trạng của bọn trai 17-18 ngày ấy cũng không yên, khi hàng ngày nghe trên loa phát thanh tin tức chiến sự trong miền Nam, tình hình có vẻ khốc liệt, cả bên ta và bên quân Sài Gòn với bọn Mỹ kình nhau không bên nào phân định thắng thua. Mỹ và quân Sài Gòn tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” vào đỉnh điểm, quân ta thì vừa chiến thắng Chiến dịch Đường 9 Nam Lào - Chiến dịch Lam Sơn 719, trên bàn đàm phán Hội nghị Paris cũng đang hồi gay cấn, bốn bên không ai nhường ai… Nghĩa là tình hình rất “dầu sôi lửa bỏng”, chiến trường đang cần quân. Và rồi, Hiếu giấu mẹ, âm thầm viết đơn xin nhập ngũ, lá đơn viết bằng máu đã thuyết phục được ban tuyển quân. Hiếu là con trai một, lại là con liệt sĩ, bố đã hy sinh trong đợt 1 chiến dịch Mậu Thân đúng ngày mùng 1 Tết, ngay tại cửa ngõ Sài Gòn. Không chỉ là nhiệt huyết của tuổi trẻ, mà còn là một ý chí quyết tâm nối tiếp người cha, ngoài ra Hiếu còn thầm giấu ý muốn nếu có thể sẽ được đến đúng nơi bố mình đã hy sinh để thắp nén nhang..

Khi giấy gọi nhập ngũ tới tay, mẹ gạt nước mắt, nuốt tất cả nỗi đau vào trong, tiễn con lên đường mà trái tim như bị cắt vụn. Bà chỉ biết thầm cầu nguyện người chồng liệt sĩ phù hộ cho con trai, thầm cầu nguyện cho chiến tranh sớm chấm dứt ngày hòa bình mau tới, con mình bình an trở về.

Đám tân bình, vừa phát quân trang quân dụng, phiên chế thành hai tiểu đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô, đã ngay lập tức hành quân thẳng tiến đến Bãi Nai, Hoà Bình để huấn luyện tác chiến. Sau non 7 tháng lăn lộn trên thao trường, từ Bãi Nai tới Tân Lạc, Hoà Bình, cả hai tiểu đoàn có lệnh hành quân lên đường vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu.

Buổi xuất quân hôm ấy cũng không bao giờ quên trong hồi ức của Hiếu. Đó là vào một ngày đầu tháng 7/1972, tại đình làng thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây (cũ), buổi lễ tiễn đưa được tiến hành. Một dải băng rôn có hàng chữ lớn “Hoan hô các chiến sĩ Thủ đô lên đường cứu nước”, chăng ngang trước sân đình. Hai bên còn có hai khẩu hiệu “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” và “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thật trang trọng. Giữa đình, chiếc lư hương khổng lồ nghi ngút khói. Sau lời tuyên bố lí do buổi lễ của vị đại diện Bộ Tư lệnh là nghi thức chào cờ. Khi nhạc Quốc ca vừa dứt, thì quân nhạc đã tiếp theo giai điệu bài “Tiến bước dưới quân kỳ” đầy hùng tráng. Cả hàng quân như được tiếp sức mạnh cho dù ngay sau đó không hiểu sao, quân nhạc lại chơi tiếp bản “Chiêu hồn tử sĩ “, cứ như một buổi lễ tế sống, quyết tử của những năm xưa các Cảm tử quân Trung đoàn Thủ đô trước lúc ôm bom ba càng sinh tử với thực dân Pháp, bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Nhà nước Việt Nam còn non trẻ mùa đông năm 1946…

Buổi lễ kết thúc trong giai điệu các khúc quân hành quen thuộc “Hành quân xa”, “Vì nhân dân quên mình”, cả những bài “ Diệt phát xít”, “Cùng nhau đi hồng binh”,  rồi cả bài “Giải phóng miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”… Nhớ nhất, trước lúc tiễn đoàn quân lên tàu hỏa ở ga Thường Tín, một cô ca sĩ của đoàn Văn công Tổng cục Chính trị không hiểu đã trèo lên nóc toa tàu như thế nào, và đứng hát “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây / Đây lắng hồn núi sông ngàn năm / Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…”, giai điệu vang xa, trong hoàng hôn tím nhạt, ôm gọn đoàn quân đang từng người bước vào toa tàu. Và Hiếu cùng đồng đội đã mang theo tiếng hát “Người Hà Nội” suốt dọc đường hành quân vào chiến trường, như một ngầm hứa linh thiêng, họ sẽ trở về Hà Nội trong chiến thắng như một ngày mùa thu năm 1954….

Đoàn tàu di chuyển khá chậm chạp, cảm giác như không phải chạy mà là trườn mình về phương Nam, không biết có phải vì tàu cũ, chở nặng, hay vì tàu cũng muốn chùng chình níu thời gian, để các chàng trai chiến sĩ Thủ đô được ở trên quê nhà đất Bắc thêm chút nữa? Hiếu không thể quên được cảnh tượng vừa diễm lệ vừa buồn thê thiết của cuộc chia ly khi tàu đến ga Ninh Bình, bắt đầu vượt qua dãy Tam Điệp tiến thẳng về Nam vào chiến trường lúc chiều muộn. Sau hồi còi rúc lên như chào tạm biệt lần cuối, bỗng một cơn mưa thư từ các ô cửa sổ toa tàu bay ra, rải trắng cả một khoảng đường tàu, những lá thư của lính gửi về nhà tạm biệt cha mẹ, vợ con, người yêu…, những lá thư gần như đều có một câu: “Hẹn ngày chiến thắng trở về”. Một cuộc biệt ly kỳ lạ như khúc dạo đầu của bản tráng ca chiến trận mang bao cảm xúc, khó có thể diễn tả lại được. Sau này nghe kể lại, gần như đoàn tàu nào chở lính vào Nam chiến đầu khi tới ga này cũng có cuộc “mưa thư” như một nghi thức biệt ly đặc biệt của lính vào chiến trường. Và những người dân vùng này sau đó đã tổ chức gom nhặt, rồi gửi giúp về gia đình. Có những lá thư đã trờ thành lá thư cuối cùng gửi về người thân, thành di vật quý giá của gia đình, vì người lính đã ra đi mãi mãi…   

*

Từ Ninh Bình, Thanh Hóa, rồi Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, hết đi tàu  hỏa, lại lên ô tô, rồi sau cùng là đi bộ, từ đi ban ngày đêm nghỉ đến ban ngày nghỉ, tối hành quân, gấp gáp, sau mỗi binh trạm một số quân được bổ sung cho các đơn vị chiến đấu. Đơn vị của Hiếu khi tới Quảng Bình thì được dừng lại mấy ngày, đợi lệnh hành quân tiếp. Từng tổ tam tam - ba người được phân chia vào tạm trú ở nhà dân. Tổ của Hiếu ở trong một gia đình có hai vợ chồng dân quân xã, anh chồng là thương binh vừa được phục viên, họ chưa có con.. Gọi là nhà, cũng chỉ là cách gọi quen miệng, chứ ở cái vùng gần giới tuyến này, bom đạn Mỹ bao năm, gần như cái gì nổi trên mặt đất đều bị san phẳng, chỉ thấy cát, phi lao, ít cây cỏ và gió. Nhà của hai vợ chồng thật ra là căn hầm có lợp mái thấp, hầm khá sâu và rộng, bước xuống chừng 5 bậc là một khoảng phẳng rộng được xem như tầng 1, sát vách kê băng ghế, có cái bàn nhỏ ghép bằng tre, một lối đi nhỏ, tiếp xuống vài bậc là căn hầm thứ hai, sâu hơn, rộng hơn, để trách bom pháo khi cần.

Ở cùng với gia đình, nhưng tổ của Hiếu giăng võng ngủ ngoài vườn phi lao, ngay sát miệng hầm chữ A, có hào thông với căn nhà hầm của hai vợ chồng. Như đã phổ biến và trở thành thói quen từ những ngày huấn luyện ở Hòa Bình, công tác dân vận luôn được coi trọng, tổ của Hiếu, ngoài việc gom lá ngụy trang hầm kèo, quét lá mục trong giao thông hào, thì múc nước giếng đổ đầy mấy cái chum to, sau bữa cơm chiều, cả ba cùng với anh chị chủ nhà trò chuyện vui vẻ. Anh chị kể cho nghe về miền quê mình, những huyền thoại non nước kỳ ảo, những dãy núi hang động kỳ bí, những kỳ hoa dị thảo kỳ lạ, rồi những ước mơ ngày hòa bình thống nhất đất nước, được một lần ra Thủ đô, ngắm Tháp Rùa, dạo quanh 36 phố cổ, hóng gió Hồ Tây, ăn kem Tràng Tiền…, khi nghe Hiếu kể chuyện Thủ đô, rồi cả ước nguyện được đi khắp đất nước từ trong Nam ngoài Bắc, từ mũi Cà Mau đến Trà Cổ…

Anh đã ngoài 40, nguyên là bộ đội binh trạm Trường Sơn từ những ngày đầu mở đường, nhìn bề ngoài rắn chắc khỏe mạnh, nhưng trong người có nhiều vết thương do bom pháo Mỹ, và lần bị thương sau cùng trước đó nửa năm, vết thương khá nặng, không thể ra làm đường, anh được phục viên, nhưng vẫn tham gia dân quân xã, vẫn ra mặt đường làm công tác đón đưa các đoàn quân. Chị trẻ hơn rất nhiều cái tuổi 30, ở vùng đất cát và gió này mà da trắng bóc, vóc dáng đậm đà, gương mặt sáng, đặc biệt đôi mắt long lanh rất đẹp. Cả hai anh chị đều quê ở làng này, là hàng xóm với nhau. Khi anh đi bộ đội, chị chưa lên 10, duyên trời sao đó, mà khi chị 20 thì phải lòng anh, sau một lần anh được về phép thăm nhà khi từ quân y viện trở lại đơn vị. Nhưng lấy nhau xong, anh gần như đi biền biệt, rất hiếm khi về nhà, vì thế mà anh chị hiếm muộn.

Sang ngày thứ hai, Hiếu cảm giác anh chủ nhà có nhiều tâm sự và muốn nói gì đó với mình. Cả buổi trưa anh cứ loanh quanh hỏi han hết chuyện này chuyện kia, kể cả hỏi gia đình có ai. Khi biết Hiếu là con một, con liệt sĩ, xung phong vào chiến trường… thì bỗng dưng anh ôm Hiếu khóc: “Chú ơi giúp tôi…”, Hiếu lúng túng hoảng hồn, không rõ giúp anh điều gì, mà sao anh khóc. Tối đó, hai cậu bạn sang tổ khác chơi, Hiếu ở nhà, chả biết làm gì nên lôi trong balo cuốn sách truyện Nga “Người cá và Bột mì vĩnh cửu” của Alexander R. Belyaev mang theo từ ngày nhập ngũ, cũng không hiểu sao lại mang theo cuốn sách này, thật ra cũng chỉ cầm trên tay chứ không đọc, bởi trời tối, chỉ có một ngọn đèn dầu vặn nhỏ tí như hạt đỗ đang ở bên cạnh anh chị chủ nhà, mà thật ra thì Hiếu cũng gần như đã thuộc lòng câu chuyện trong cuốn sách. Để ý thấy hai anh chị chủ nhà rì rầm với nhau điều gì, hình như chị còn khóc rấm rứt, chốc chốc cả hai lại liếc nhìn về phía Hiếu. Có chút lo lắng, không biết đã làm điều gì để anh chị chủ nhà phật lòng, nhưng nghĩ mãi chưa ra. Trong một số quy định công tác dân vận, việc làm mất lòng chủ nhà khi đơn vị tạm trú chân cũng như một trọng tội trong kỷ luật quân đội, nên bất kể gì cũng không được để ảnh hưởng uy tín, trống ngực Hiếu cứ càng ngày càng đập dồn, bồn chồn lo âu… Nghĩ tới lúc trưa anh ôm Hiếu khóc kêu giúp anh… Ừ, không biết giúp anh chuyện gì. Hiếu muốn tới bên anh chị hỏi han, nhưng lại ngại vì thật sự cũng không biết mở lời ra sao.

Một lát sau, thấy chị chủ nhà quanh ra phía gian bếp khuất bên hông căn hầm, anh chủ nhà đến bên Hiếu, nắm dây võng tỏ ý muốn nói chuyện. Hiếu nhỏm dậy ngay, hồi hộp đợi.

Hai hôm ni tui để ý tới chú, thấy chú hiền lành, chăm chỉ, lại có tinh thần dũng cảm xung phong đi bộ đội, chú lại học tới lớp 10, mà mặt mũi chú lại khôi ngô tuấn tú, thật trai Thủ đô…, tui có việc này muốn trao đổi với chú

Dạ, vâng. Anh cứ nói, em nghe.

Anh chủ nhà giọng Quảng Bình nặng và trầm, lại nói gấp gáp líu ríu, Hiếu nghe chưa quen nên câu được câu chăng, bập bõm tiếng được tiếng mất, hình như anh đang kể về chuyện vợ chồng quen nhau, cưới nhau, rồi anh bị thương…, vừa sốt ruột, vừa trống nhịp tim cứ đập thình thịch, nhưng Hiếu vẫn gắng kiên trì. Sau một lúc thì anh chủ nhà cũng nhận ra Hiếu hình như vẫn chưa hiểu những gì anh nói nãy giờ, ngượng nghịu dừng lại, cười với Hiếu… Rồi hít một hơi thở sâu, anh chậm rãi:

Chú biết đấy, tui lấy vợ đã lâu, tới giờ ni vẫn chưa có đứa con mô. Tui buồn, mà vợ tui còn buồn hơn, tui biết. Cô ấy cứ mỗi lần thấy trẻ hàng xóm là vồ vập nựng nịu thấy thương lắm.

Nói tới đây, anh lặng im một lúc, rồi lại hít thở mấy cái thật dài, mãi sau, anh ngập ngừng đứt quãng từng lời.

Tui bị thương vô ổ bụng dưới, sau khi phẫu thuật, mọi thứ trong bụng đều đã bình thường, duy có phần đàn ông thì không hiểu chi mô mà nó cứ như dải khoai, uống thuốc nam thuốc bắc cũng đã uống, ăn con ni con nớ cũng đã ăn, nhưng nó vẫn nỏ có động đậy. Vợ sợ tui buồn, vẫn động viên, vợ chồng yêu thương nhau là chính, có con thì tốt, không có cũng chả mần răng. Nói là nói vậy, tui biết cô ấy buồn lắm, đàn bà yêu chồng mà, ai chẳng muốn có mụn con với chồng.

Anh ngừng giây lát:

Bữa ni, vợ chồng tui tranh cãi ghê lắm. Cô ấy cho rằng tui coi thường và xúc phạm cô ấy. Cô ấy nói, dù thế nào vẫn yêu tui trọn kiếp này, không thể phản bội tui, không có làm chuyện nhuốc nhơ đó được. Nhưng rồi tui năn nỉ, tui cũng nói hoàn cảnh của chú, rồi có lẽ vì thương tui nên cô ấy chấp nhận, cô ấy khóc nhiều.

Rồi như gắng hết sức, giọng anh run run:

Mấy rày thấy chú, tui mến chú, vợ tui cũng ưng chú... Nên vợ chồng tui nhất trí… nhờ chú!

Chăm chú lắng nghe, nhưng Hiếu vẫn chưa hiểu rõ ý anh, nên có hơi bất ngờ bối rối:

Dạ... anh ơi, lúc đi bộ đội em chưa hết cấp 3, có phải bác sỹ đâu mà giúp anh chị!

Anh nắm chặt tay Hiếu, mắt nhìn như van lơn, giọng lạc đi:

Nỏ phải… Là tui muốn chú giúp vợ chồng tui một đứa con, vợ chồng tui ơn chú nhiều lắm.

Không để cho Hiếu chen vào, anh gấp gáp nói tiếp:

Ngày mai, tui và anh em dân quân lên rú (rừng) tìm chặt cây, làm hầm qua đêm cho kịp, nghe nói sắp có nhiều đơn vị ngang qua, sợ không đủ chỗ trú, vậy đêm mai chú cứ qua hầm nhà, tui với cô ấy đã thống nhất hết rồi. Vợ chống tui có hạnh phúc hay không là nhờ chú, tôi lạy chú đó.

Nói vừa dứt, chưa cho Hiếu kịp phản ứng, anh vội chạy ra khỏi nhà, giống như sợ nghe thêm lời nào của Hiếu, muốn đặt Hiếu vào chuyện không thể từ chối. Phải mất một lúc định thần nghĩ rất lâu, Hiếu mới lờ mờ hiểu ra điều anh chủ nhà đề nghị giúp, trong người bỗng nóng bừng rồi lạnh toát rồi lại nóng rãy như sắp lên cơn sốt rét. Vâng, Hiếu mới có 18 tuổi, chưa từng yêu ai, chưa từng nắm tay con gái kể cả bạn học cùng lớp, chưa từng biết chuyện trai gái như thế nào, chuyện vợ chồng lại càng chưa có một mảy may gọi là có trong tư duy, giờ anh chị chủ nhà nhờ giúp một việc động trời như thế, hỏi sao không choáng váng. Mà việc này, trong quan niệm của Hiếu lúc đó, với những gì được giáo dục theo khuôn mẫu đạo đức thời đó là một việc thật kinh khủng, nằm ngoài mọi sự tưởng tượng, như một kiểu vi phạm về phẩm hạnh nhân phẩm nghiêm trọng, là tội hủ hóa dâm ô, một trọng tội đầy nhục nhã và bị khinh bỉ,…

Bọn trai 18 như Hiếu khi nhập ngũ gần như chưa đứa nào biết yêu là gì, con gái ra sao càng không thể biết. Thi thoảng nghe các anh lớn đã có gia đình nói chuyện với nhau về vợ con, hóng hớt tò mò toàn bị các anh mắng xua đuổi ra chỗ khác, bảo trẻ con, không nghe chuyện người lớn. Còn các Chính trị viên từ Đại đội đến Chính ủy Sư đoàn, trong các đợt học tập chính huấn chỉnh quân trước khi hành quân ra mặt trận nhắc nhở rất kỹ với đám tân binh về chuyện quan hệ trai gái, đặc biệt là ở các vùng dân cư khi hành quân qua hay tạm đóng quân trú ít ngày… 

Nay nghe lời đề nghị của anh chủ nhà, Hiếu cứ mụ mị trong trạng thái rơi tự do mơ mơ hồ hồ, quẩn quanh bao nhiêu câu hỏi trong đầu. Tại sao lại chọn Hiếu làm chuyện đó, mà Hiếu sao có thể khi chị chủ nhà là một người Hiếu kính trọng và quý mến. Rồi tại sao họ có thể nghĩ ra một lời đề nghị kỳ quặc đến thế, khi Hiếu là một chàng trai thanh tân trong trắng… Đêm đó, Hiếu lạc vào một giấc mơ. Hoà lẫn trong tiếng bom, tiếng pháo xa xa vọng lại, ánh hỏa châu chập chờn trong đêm, rồi bóng một người đàn bà đổ ập vào người, một thân hình nóng rãy, một đôi môi ướt mọng hôn lên mắt, một bàn tay mềm mại lướt trên người, dừng lại, rồi vuốt ve nhè nhẹ, một cảm giác bừng bừng, Hiếu thấy cả người mình căng lên, muốn nổ tung… Bỗng có tiếng gì như gãy đổ ồn ào, choàng tỉnh. Cả võng và người Hiếu lăn dưới đất do đứt dây, nhưng cảm giác trên người còn vương hương bồ kết phảng phất… Vâng! Suy nghĩ của một tân binh 18 tuổi, mới chỉ qua tuổi học trò ít tháng, và được hấp thụ trong một cái khuôn giáo dục đạo đức luôn quan niệm quan hệ nam nữ là một vùng cấm, làm sao có thể dung nạp và hiểu được lời đề nghị có phần hoang đường và vượt tầm tư duy như thế vào thời ấy. Không hiểu sao, Hiếu bỗng tức giận, cảm giác như mình bị tước đoạt một điều thiêng liêng trong trắng, cảm thấy như mình đang bị xúc phạm, biến mình thành một thứ con giống, đang bị coi khinh…

Và thay vì cảm thông với anh chị chủ nhà trong lời đề nghị rất tế nhị, rất riêng tư, rất con người, lại có tính cẩn mật “sống để bụng chết mang theo”, thì Hiếu đã xử sự một cách bồng bột, thiếu chín chắn, không nghĩ mình đã vô tình làm nỗi đau của họ khoét sâu thêm, đã thêm vào anh chủ nhà một vết thương chí mạng về tinh thần... Hiếu mới 18 tuổi hơn mà. Nhiều khi sau này nghĩ và nhớ lại, Hiếu vẫn luôn tự bào chữa cho mình.

Đang đêm, Hiếu bỗng thức hết mọi người trong tổ, rồi gọi anh chị chủ nhà dậy. Hiếu cứ thế kể toang toác lời đề nghị của anh chủ nhà, rồi rất hùng hồn như một quan tòa phán tội, dùng những từ ngữ khá mạnh mẽ lên án anh chị, nào là sống phi đạo đức, nào là có suy nghĩ bệnh hoạn lệch lạc, nào là trong lúc mọi người dồn vào việc phục vụ cho tiền tuyến thì anh chị lại chỉ nghĩ cho việc vui thú của mình, là anh chị đã coi khinh bộ đội, nhục mạ tư cách người lính quân đội nhân dân…, những gì mà Hiếu từng nghe các chính trị viên giáo dục đám tân binh, Hiếu bê ra, trút vào anh chị chủ nhà, chả khác gì đấu tố địa chủ năm 1954…

Hiếu cứ thế hùng hồn, liên tu bất tận những lời lẽ kết tội anh chị chủ nhà, không để ý đến việc anh chị ngồi chết trân như hóa đá... Bỗng, một tiếng gào lên như xé rách màn đêm của chị chủ nhà: “Trời ơi! Nhục chi nhục dữ vậy?”, và chị tuôn ào ra ngoài trời đêm vừa chạy vừa khóc tấm tức, còn anh chủ nhà thì hộc một tiếng khô khốc trong cổ, ném cái nhìn vào Hiếu, dù tối khuya, ánh đèn lờ mờ, nhưng đủ cho Hiếu cảm nhận một ánh mắt vừa lạnh lẽo như một vết cắt tê dại điếng người, vừa thương hại đến tội nghiệp cho thằng con trai chưa hiểu đời chỉ lý thuyết sách vở, rồi lao theo bóng chấp chới của người vợ. Có một giây thảng thốt, một khoảnh khắc đặc cứng cả không gian, một khoảng trống im lặng đến rợn người, Hiếu như hụt hơi, chùng xuống như một cáo lá héo, thấy mình đuối sức chới với… 

Không biết rồi Hiếu sẽ đối diện với chủ nhà ra sao vào hôm sau, nếu như ngay lúc đó không có tiếng kẻng truyền tin, lệnh đơn vị tập trung chuẩn bị hành quân cấp tốc trước khi trời sáng như cái phao để Hiếu bám vào như một giải thoát. Cho tới lúc đơn vị hành quân ra khỏi làng, tới gần sát bìa rừng để xuống bến đò thì Hiếu nhìn thấy anh chị chủ nhà, chị ngồi rũ người bên một gốc cây đổ, còn anh cũng như một cái cây gục ngã ngồi mẹp xuống, ôm vai chị.  Khi đơn vị ngang qua, anh chị chủ nhà cùng đứng lên vẫy tay, cả đơn vị ào ào gửi lời chào tạm biệt, hẹn chiến thắng quay lại làng… Lúc Hiếu đi ngang qua anh chị, họ vẫn đang vẫy tay chào tạm biệt đoàn quân, cười đáp lại những lời hẹn, anh chị cũng cười với Hiếu như câu chuyện đêm qua không hề xảy ra, nhưng Hiếu cảm nhận được ánh mắt bi phẫn của cả hai người dành cho Hiếu, y như cái nhìn đau buốt, ánh mắt đó ám ảnh khôn nguôi… Ánh mắt ấy đã cứa vào tim Hiếu thành một vết thương sâu khó lành.

Cuộc hành quân cấp tốc theo lệnh bổ sung quân cho mặt trận, cuộc chiến cuốn Hiếu từ 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, các chiến dịch mùa mưa mùa khô năm 1973, rồi sang tới trận Thượng Đức năm 1974, để rồi đầu năm 1975 đánh chiếm giải phóng Tây Nguyên, bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hành quân thần tốc tiến thẳng về Sài Gòn… Sau đó lại lao vào dẹp loạn Fulro ở Tây Nguyên, và tiếp cuộc chiến biên giới Tây Nam, cuộc chiến biên giới phía Bắc… Chinh chiến kéo Hiếu xuyên qua thời gian chớp mắt cả chục năm trận mạc khói lửa đạn bom. Mà cũng lạ, qua bao trận chiến, nhiều đồng đội của Hiếu hy sinh, nhiều người khác bị thương, còn Hiếu gần như không bị mảnh bom đạn nào chạm vào trừ vài lần bị sức ép bom vùi, pháo dập.

Không có vết thương bom đạn nào, nhưng trong mỗi cuộc chiến, không thể so sánh mất mát này hơn hay kém mất mát kia, nỗi đau cũng vậy, không thể nói, nỗi đau này hơn nỗi đau kia, vết thương thịt da đau hơn vết thương tâm hồn. Sâu thẳm trong tim vết cứa tuổi 18 ở ngôi làng Quảng Bình như vết thương không lên da non của Hiếu. Ánh mắt của anh chị chủ nhà đã đi theo suốt cuộc đời chinh chiến của Hiếu, để mỗi lần nhớ lại là một lần hối hận, là một lần tự xỉ vả cái non yếu và giáo điều của mình ngày ấy, nhất là khi những lúc cận kề cái chết, khi nhìn đồng đội hy sinh trên chiến trường, khi đọc những trang nhật ký, những lá thư gửi cho vợ, cho người yêu của đồng đội đã hy sinh, đến cả những lúc tải xác đồng đội trên lưng đi hàng mấy chục km đường rừng mùa mưa để kiếm một chỗ khô mai táng… Rồi khi càng trưởng thành trong chiến trận, hiểu hơn sự sống quý giá như thế nào trong chiến tranh, Hiếu càng nhớ đến câu chuyện năm xưa ở quê làng Quảng Bình, để như một sự ân hận mãi mãi không thể nào tha thứ cho mình được…

*

Như một sự thôi thúc phải trở lại miền đất cũ như một sự gột rửa chữa lành vết thương tuổi 18, ông Hiếu xốc balô và lên đường ngược thời gian, về lại nơi đóng quân ngày ấy ở Quảng Bình. “Vật đổi sao dời”, ngót ngét gần 50 năm, nơi ấy giờ đã là những resort, những dãy villa, những khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, ngôi làng mà đơn vị ông dừng chân tá túc mấy đêm trong những căn nhà hầm cũng như biến mất khỏi bản đồ, cả cái tên cũ cũng như không cánh mà bay, giờ nó mang tên mới, một cái tên doanh nghiệp thời thượng nổi tiếng trong thị trường bất đồng sản cao cấp. Ông hỏi thăm nhiều người, ai cũng lắc đầu không biết. Làng giờ lùi tít xa sâu trong núi với vài nóc nhà, có mấy người già nhớ nhớ quên quên,  còn những người cũ phần mất trong chiến tranh, phần lưu lạc tứ xứ, gần như chẳng còn ai, người trẻ thì hầu như ít biết và không biết gì ở chính mảnh đất họ đang sinh sống. Ông cứ bần thần rời rạc cả hồn lẫn xác.

Bây giờ hai anh chị chủ nhà đó còn sống không? Họ đang ở đâu? Họ sống ra sao? Sau lần đó liệu họ vượt qua cú sốc như thế nào? Hơn lúc nào ông Hiếu muốn biết được tin tức về họ. Ông muốn chuộc lỗi lầm ngày xưa. Nhưng hình như mọi cố gắng của ông đều chưa kết quả.

Vết thương tuổi 18 của ông lại như vết dao cứa sâu không lành.


Tác giả: Hoài Hương
Nguồn Văn nghệ số 27/2020

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay43
  • Tháng hiện tại118,350
  • Tổng lượt truy cập3,219,105
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây