Xuân xanh trên đỉnh Pò Hèn

Thứ sáu - 05/03/2021 10:58
Tôi sinh ra ở vùng than Quảng Ninh. Địa danh Pò Hèn, vùng đất biên viễn miền Đông Bắc Tổ quốc, đã in sâu trong tâm trí tôi từ lúc bé thơ. Khi trở về Hà Nội công tác, tôi mới thực hiện được niềm mong đưa đoàn nhà văn Việt Nam đi thực tế sáng tác và đến dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Pò Hèn…
111
Đài tưởng niệm Pò Hèn hiên ngang giữa trời Đông Bắc của Tổ quốc

Đêm xanh ở Pò Hèn

Sau gần một ngày đường, vượt hơn 300 km từ Hà Nội, qua Bắc Ninh, Hải Dương, qua thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), theo quốc lộ 18 chạm cửa ngõ thành phố Móng Cái, theo tỉnh lộ 340 lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh qua rừng keo, rừng quế xanh mướt, chạy dọc sông Ka Long… và chúng tôi đã có mặt tại Đồn biên phòng Pò Hèn - vùng đất biên viễn Đông Bắc Tổ quốc vào đúng dịp Đồn Biên phòng Pò Hèn (Đồn Công an vũ trang 209) thuộc địa phận xã Hải Sơn, Tp. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Không khí Lễ đón nhận dường như vẫn còn vương đâu đây trên từng ngọn cỏ, lá cây, bầu trời xanh thăm thẳm miền biên viễn. Vừa xuống xe, lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ biên phòng đã chờ, đón đoàn nhà văn Việt Nam với gương mặt rạng rỡ, phấn khởi cùng cái bắt tay siết chặt, không giấu nổi niềm xúc động. Nghe các nhà văn khen con đường vành đai biên giới đẹp, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn xác nhận “Đúng là đường lên Pò Hèn hôm nay đã thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu các anh chị lên đây cách hơn chục năm về trước thì đoạn đường từ trung tâm Móng Cái về Pò Hèn chỉ trên 30km mà đi lại quá gian nan, nhất là gặp ngày mưa, thì phải đi mất nửa ngày đường núi mới đến được. Vì vùng biên viễn này gần như quanh năm ẩm ướt, sương mù nặng hạt chẳng khác gì mưa…”.

Tôi được bố trí nghỉ sát phòng khách của Đồn Pò Hèn. Cả buổi chiều, tôi cứ thẩn thơ nhìn tấm ảnh đen trắng treo trong phòng khách với dòng chú thích phía dưới: “Tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn, tháng 12/1978”. Một chiến sĩ của Đồn giải thích với tôi đây là tấm hình chụp vào dịp anh em Đồn liên hoan cuối năm và đón năm mới 1979. Nước ảnh đã ố màu thời gian. Số phận tấm ảnh thật kỳ lạ. Chỉ chưa đầy hai tháng sau đó, hầu hết anh em cán bộ chiến sĩ có mặt trong tấm hình đều đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, bảo vệ biên cương Tổ quốc vào ngày 17/2/1979. Máu những người lính trẻ ấy đã nhuộm đỏ ngọn đồi Pò Hèn, nhuộm đỏ khoảng sân đồn, nơi cán bộ chiến sĩ đã từng ngồi khoác vai nhau cười rạng rỡ trong bức ảnh mừng xuân.

Người ta thường chỉ nói tới khái niệm “đêm trắng” gắn với nước Nga khi mặt trời thức cùng đêm. Nhưng còn có khái niệm “đêm trắng” mang yếu tố sinh học và với tôi, cái đêm trắng ấy lại là một “đêm xanh”. Một đêm tôi thức trọn cùng xúc cảm của mình tại Đồn Pò Hèn nơi mảnh đất thiêng liêng vùng phên dậu của Tổ quốc, nơi chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh chống quân bành trướng xâm lược, bảo vệ biên cương Tổ quốc, nơi được ví như “một bông hoa đỏ trên vầng trán của Tổ quốc” (Trung Nguyên).

Ngay đêm đó tôi đã up những bức ảnh các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn trên Facebook của mình. Cái tên Pò Hèn như bất cứ một cái tên bình thường địa danh nào khác không bao giờ bị lãng quên…

Dòng hồi ức hiện về… trong đêm xanh…

Nơi đây, ngày 17/2/1979, cán bộ chiến sĩ Đồn Công an vũ trang 209 và nhân dân đã anh dũng chống trả, chiến đấu chống quân xâm lược, giữ vững độc lập chủ quyền biên giới quốc gia. Tổ quốc ghi công sự hy sinh dũng cảm đó bằng những nghĩa tình sâu nặng. Đồn Biên phòng Pò Hèn vinh dự hai lần (năm 1979 và năm 2000) được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng với Đồn Biên phòng Pò Hèn, ngày 19/12/1979, Trung úy Đỗ Sĩ Họa - Phó Đồn trưởng phụ trách quân sự được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau 32 năm (2011), Khu đài tưởng niệm trên nền đất đồn 209 cũ được hoàn thiện, cùng với hai nhà bia khắc tên 86 liệt sỹ là bộ đội Biên phòng đồn 209, công nhân Lâm trường Hải Sơn và nhân viên Thương nghiệp Pò Hèn. Tháng 3/2014, di tích Đồn Công an nhân dân vũ trang 209 Pò Hèn chính thức được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Di tích gồm cụm tượng đài “Vòng tay đồng đội” được xây dựng trên nền của Đồn 209 năm xưa và toàn bộ cảnh quan nơi đây. Được công nhận là di tích lịch sử, Đồn Biên phòng 209 Pò Hèn đã khẳng định giá trị lịch sử - văn hóa và tinh thần “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” thiêng liêng. Nơi đây đã trở thành một địa chỉ Đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng đối với mọi giai tầng xã hội, nhất là thế hệ trẻ…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Pò Hèn giúp đoàn làm thủ tục dâng hương hoa tưởng niệm các chiến sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn. Mưa rây rây rắc bụi. Hương khói quện hương lòng tạo nên màn sương mờ ảo làm mắt người nhòa nhòa, cay cay. Đứng trên mảnh đất thiêng này, lòng bùi ngùi trào lên những cảm xúc khôn tả. Niềm tự hào khôn xiết xen lẫn nỗi xúc động thiêng liêng. Bài “Hồn tử sĩ” tấu lên, vang vọng đến trời xanh thăm thẳm, dậy lên từng mạch đất thấm máu hy sinh của đồng chí, đồng đội và nhân dân. Đất trời giao thoa trong âm hưởng tri ân. Tôi cứ đứng lặng thả hồn phiêu du…

Lướt theo dòng chữ trên hai tấm bia đặt cân xứng hai bên Đài Tưởng niệm cao sừng sững, danh sách cả hai tấm bia ghi tên 86 người, trong đó bia bên phải có 45, bia bên trái có 41. Tên liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm xếp thứ tự số 59 (danh sách đầu tiên của liệt sỹ là người dân). Thấy tôi như còn băn khoăn, một chiến sĩ biên phòng đứng bên cạnh giải thích “Tổng cộng cả hai tấm bia là 86 người, trong đó có 45 chiến sĩ biên phòng và 28 công nhân lâm trường, nhân viên mậu dịch hy sinh ngày 17/2/1979…”. Nhẩm tính rất nhanh, tôi hỏi lại ngay “Chưa đủ 86 người…còn…”. Anh chiến sĩ trẻ tiếp lời “còn 13 chiến sĩ biên phòng hy sinh sau ngày 17/2/1979 cho đến năm 1991 trong khi làm nhiệm vụ chị ạ”. Đa phần chiến sĩ đồn biên phòng hy sinh khi còn rất trẻ. Dòng tên cuối cùng được khắc trên tấm bia bi tráng là chiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, quê ở Lạng Sơn, sinh năm 1970 và hy sinh năm 1991. Tôi giật mình khi chạm mắt tấm bia người dân sinh 1970 - mất 1979 (em nhỏ 9 tuổi).

Dũng sĩ đồi quế Pò Hèn

Tôi thao thức, ám ảnh bức ảnh treo ở Phòng Truyền thống chụp hơn một tháng trước ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới (17/2/1979). 45 chiến sĩ đã không trở về. 45 dòng tên cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng hy sinh ngày đầu tiên diễn ra chiến tranh biên giới 17/2/1979 cứ ám ảnh không dứt. Tên các anh đã khắc vào tấm bia đặt tại Khu di tích Pò Hèn. Chiến tranh đã cướp đi tuổi thanh xuân, tình yêu của 45 chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn năm 1979…

Gặp anh Hoàng Như Lý - một trong số rất ít những chiến sĩ Pò Hèn sống sót sau trận chiến sáng 17/2/1979. Hiện gia đình anh sống tại Tp Móng Cái. Anh chỉ cho tôi từng vị trí của Đồn 209 cũ. Đây là khu nhà ăn bị dính đạn pháo đầu tiên của địch; đây là dãy nhà chỉ huy; kia là đồi quế, nơi anh Họa hy sinh… Anh Lý lặng đi hồi lâu “Ngay sau Đài tượng niệm hiện nay là một quả đồi nhỏ, không còn dấu tích gì của nơi từng diễn ra trận chiến tranh giành nhau từng tấc đất biên cương. Chính nơi đó sáng 17/2/1979 Trung úy Đỗ Sĩ Họa - Phó Đồn trưởng phụ trách quân sự, sinh năm 1947, quê Hưng Yên trực tiếp chỉ huy và chiến đấu. Tại đồi Quế, anh Họa bố trí đội hình đánh trả khi quân xâm lược đã chiếm được đồn. Khi phát hiện ra vị trí hỏa lực của ta, chúng đã nã pháo dồn dập vào đồi Quế. Cán bộ chiến sĩ hy sinh rất nhiều. Anh Họa bị thương. Mặt và người bê bết máu. Hỏa lực của địch mạnh. Cứ sau mỗi loạt pháo chúng lại bắc loa yêu cầu ta ra hàng, nhưng anh Họa kiên quyết chỉ huy bắn trả. Anh dặn đồng đội phải giữ vững trận địa… Anh Họa ngất đi hai, ba lần, nhưng cứ hễ tỉnh lại là anh lại chỉ huy và tiếp tục chiến đấu. Bị mất máu quá nhiều, người chiến sĩ từng chiến đấu dũng cảm ở Quảng Trị trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã anh dũng hy sinh. Người con quê nhãn Hưng Yên tiếp tục xung phong làm người lính bảo vệ biên giới phía Bắc.

Đồng đội vẫn khắc ghi câu nói của Trung úy Đỗ Sĩ Họa: “Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ phải chết”. Phó Đồn trưởng Đỗ Sĩ Họa hy sinh ở tuổi 32 tuổi để lại bao tiếc thương cho gia đình và Đồn biên phòng. Ngày 19/12/1979, Liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang...

Bông hoa hồng trên đỉnh Pò Hèn

Tôi dừng lâu hơn bên tấm bia có tên tên Anh hùng – Liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm. Ngày đầu trận chiến ấy đã cướp đi tuổi thanh xuân và tình yêu đẹp của người con gái mới chưa đầy 25 tuổi đầu ấy (Chị sinh năm 1954,) cùng người yêu là liệt sĩ Bùi Văn Lượng (sinh năm 1953). Tôi đã được nghe câu chuyện tình yêu của cô mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm với chiến sĩ Đồn Công an vũ trang 209 Bùi Anh Lượng quê thị xã Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh qua Trung tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng. Chị Hồng Chiêm là em gái chị Hoàng Thị Liễm – vợ Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, quê ở phường Bình Ngọc (Tp. Móng Cái). Liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm là nhân viên cửa hàng thương nghiệp ở gần đó, nhưng có mặt ở Đồn biên phòng Pò Hèn rạng sáng ngày 17/2/1979. Chị Hồng Chiêm nhận lệnh của trên phải sơ tán cửa hàng. Chiều 16/2/1979, Hồng Chiêm cùng anh Vượng (Cửa hàng trưởng) từ Tràng Vinh lên để chuyển một số mặt hàng cuối cùng về tuyến sau. Đêm đó, chị ở lại bảo vệ cửa hàng Pò Hèn cùng anh Thắng (Chủ tịch xã), anh Vượng và Y sĩ Định (Bệnh xá Pò Hèn) thì rạng sáng 17/2/1979 Đồn Pò Hèn bị quân xâm lược đánh sang. Đối mặt với đạn pháo liên hồi, trong tay khi đó chỉ có một khẩu CKC, hai quả lựu đạn, nhưng Hoàng Thị Hồng Chiêm đã quyết định nhanh chóng: “Các anh cứ đi trước để em yểm trợ. Trước ở Trung đoàn 8 làm đường Ba Chẽ, em được huấn luyện dùng súng và lựu đạn”. Hồng Chiêm đã yểm trợ để một số anh em thoát khỏi và sau đó chị chạy về chốt chiến đấu của Đồn công an vũ trang 209. Thời điểm Hồng Chiêm có mặt, cán bộ chiến sĩ Đồn đang chiến đấu chống trả quân xâm lược. Mặc cho mọi người khuyên rút về tuyến sau, nhưng Hồng Chiêm vẫn cương quyết xin Phó Đồn trưởng Đỗ Sĩ Họa cho ở lại tham gia chiến đấu cùng chiến sĩ của Đồn và cùng người yêu bảo vệ Pò Hèn. Chị được giao nhiệm vụ tiếp đạn, băng bó cho thương binh. Khi người chỉ huy Đồn hy sinh, Hồng Chiêm trực tiếp dùng khẩu K54 bắn trả lại địch…

Sau chuyến dâng hương ở Đài tưởng niệm Pò Hèn, nhạc sĩ Dân Huyền đã sáng tác ca khúc Bông hoa Hồng Chiêm. Nhạc sĩ kể cho tôi nghe xuất xứ ca khúc về Anh hùng – Liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm bao xúc động: “Tối hôm đó, tôi trực chương trình với nhạc sĩ Nguyễn An ở 58 Quán Sứ. Tôi ngồi vào đàn tìm được một giai điệu hay cho bài hát viết về nữ Anh hùng Hồng Chiêm. Sớm ngày 17/2/1979, Hoàng Thị Hồng Chiêm và các đồng chí ở lại bảo vệ cửa hàng đã trở thành những người chiến sĩ nơi tuyến đầu của trận đánh… Sau khi yểm trợ đồng đội rút lui an toàn, Hoàng Thị Hồng Chiêm tiến về Đồn Pò Hèn cùng chiến đấu với anh em chiến sĩ của Đồn… Nhưng địch quá đông, lực lượng của ta lại mỏng. Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng các chiến sĩ chiến đấu ngoan cường, quyết chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những giờ phút chiến đấu trong ngày 17/2/1979 là những giờ phút chiến đấu cuối cùng nhưng oanh liệt nhất của người con gái đất mỏ mang tên Hồng Chiêm. Những hình ảnh ấy của Hoàng Thị Hồng Chiêm cứ vương vấn trong tôi suốt cả ngày, đêm hôm đó bài hát được hoàn thành. Sáng hôm sau tôi đưa lên hát cho ông Trần Lâm nghe. Ông gật đầu “Được đấy”. Tôi về đưa nhạc sĩ Nguyễn An xem, anh bảo nên nhờ Kiều Hưng hát.

Những ngày này, một cuộc thi đua rất thầm lặng nhưng không kém phần sôi nổi. Không chỉ các phóng viên, biên tập viên mà cả các văn nghệ sĩ ở Đài Tiếng nói Việt Nam trong nỗi hờn căm quân xâm lược, cùng niềm tin tưởng chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta như được nhân đôi. Hồi ấy, ngoài công việc biên tập các chương trình ca nhạc để động viên quân và dân ta, các nhạc sĩ cũng đã biểu lộ và thể hiện tình cảm của mình trước những dòng tin mà mình nhận được bằng những tác phẩm âm nhạc. Ví như nhạc sĩ Phạm Tuyên viết rất nhanh bài hát Chiến đấu vì độc lập, tự do, nhạc sĩ Hồ Bắc hoàn thành sớm bài Hoa hồng trên điểm tựa, nhạc sĩ Thế Song cuối tháng viết Bài ca trên đỉnh Pò  Hèn… Những ngày sau đó còn có Hát về Tổ quốc tôi (Hữu Xuân), Những đôi mắt mang hình viên đạn (Trần Tiến), Lời tạm biệt lúc lên đường (Vũ Trọng Hối), Hoa sim biên giới (Minh Quang), 40 thế kỷ cùng ra trận (Hồng Đăng)… Và tôi viết Bông hoa Hồng Chiêm bằng chất liệu dân ca miền núi phía Bắc, ca ngợi người nữ anh hùng liệt sĩ của đất Quảng Ninh thân yêu: “Bên hoa hồi, hoa quế thơm rừng biên giới/ Có bông hoa Hồng Chiêm thắm đẹp/ Dưới ánh nắng vàng khoe sắc bản làng/ Bông hoa hồng ấy chính là tên… Cô đã thở thành người dũng sĩ/ Gương diệt thù giữ đất Quảng Ninh/ Sông núi hát mãi chiến công này…

Tôi được nghe anh Nguyễn Đức Tuấn kể cho nghe câu chuyện tình yêu đẫm nước mắt. Anh Tuấn là người trực tiếp cùng cô dâu, chú rể trong trận đánh sáng 17/2/1979 tại Pò Hèn. Ngày 6/8/2017, 38 năm sau trận đánh Pò Hèn, gia đình hai liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm gặp nhau và cùng đồng đội cũ tổ chức lễ cưới đặc biệt cho đôi uyên ương đã khuất tại nhà ông Bùi Văn Huy - anh trai của liệt sĩ Bùi Văn Lượng (phường Cao Xanh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Hành trình rước dâu Hạ Long - Móng Cái với nghi thức cưới đầy đủ như lễ cưới quen thuộc. Đại diên hai bên gia đình liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè và đồng đội. Chỉ có khác là hai họ đón di ảnh của hai liệt sĩ. Anh Đức Tuấn xúc động kể lại: “Gia đình nhà trai đem lễ và ảnh liệt sĩ Lượng từ Hạ Long ra Móng Cái. Xin dâu xong, nhà trai gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng và rước ảnh chân dung của liệt sĩ Chiêm về Hạ Long rồi làm thủ tục đón nhận cô dâu Chiêm chính thức trở thành thành viên của gia đình”. Kể từ thời điểm đó, trên bàn thờ liệt sĩ Bùi Văn Lượng có di ảnh của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm. Cũng từ thời điểm đó, trên bàn thờ nữ Anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm tại nhà ông Hoàng Văn Lợi - em trai của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm ở TP.Móng Cái có thêm di ảnh của liệt sĩ Lượng...

Tôi không nghe chiến sĩ nói gì thêm. Gió ào ào thổi qua tai buốt tái. Dẫu biết không có ngôi mộ nào ở đây, gia đình đã đưa các anh chị về với quê hương, nhưng tôi có cảm giác như 86 chiến sĩ biên phòng, công nhân lâm trường vẫn luyến lưu với mảnh đất thấm máu đào của họ. Họ vẫn bên nhau, tay nắm chắc bàn tay, truyền cho nhau hơi ấm, tiếp thêm động lực bảo vệ Tổ quốc nơi biên viễn. Mảnh đất Pò Hèn vươn sức sống mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Và tôi chợt nhớ lại khoảnh khắc dừng chân dưới đài tưởng niệm, tôi cảm nhận có một ngọn khói dựng lên thẳng tắp giữa trời xanh. Không hề biết hút thuốc, thế mà tôi thao tác như dân nghiền vậy. Xé viền bao thuốc lá, rút ra một điếu đưa lên miệng. Rít một hơi, đầu thuốc đỏ rực màu máu, tôi cắm điếu thuốc vào chân hương. Khói hương nghi ngút quện cùng mùi thuốc lá. Một chiến sĩ nhìn tôi trân trân…

Sau lễ dâng hương, chúng tôi vào thăm Phòng truyền thống của Đồn. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn có mặt đông đủ trong không khí ấm áp, thân tình. Những đặc sản cây nhà lá vườn tăng gia sản xuất đều mang ra tiếp khách quý. Đồn trưởng trao đổi với chúng tôi trong niềm tự hào về những đổi thay của vùng đất biên cương mà đơn vị đã và đang thực hiện nhiệm vụ... Ở nơi này, không chỉ có những người lính biên phòng, mà cả mỗi người dân đã trở thành những “cột mốc”, là “tai mắt”, của tổ quốc… Người dân kịp thời thông tin những sự việc bất thường xảy ra trên khu vực biên giới, để từ đó góp phần biên giới bình yên; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, thúc đẩy sự hợp tác phát triển với quốc gia láng giềng. Nhờ đó, hơn 20 năm trước (năm 2000), Đồn Biên phòng Pò Hèn đã triển khai thành công mô hình thí điểm “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm (bản) khu vực biên giới” để từ đó phong trào được nhân rộng ra các đồn biên phòng trong tỉnh và quy mô toàn quốc.

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn hôm nay tự hào về một Pò Hèn kiên cường năm xưa, nay không ngừng lớn mạnh, tiếp tục bám đất, bám dân giữ gìn vững chắc vùng đất phên dậu của Tổ quốc. Hiện Đài tưởng niệm Pò Hèn đã được công nhận là một trong 3 tuyến du lịch trên địa bàn Tp. Móng Cái theo Quyết định số 1417/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh…

Một màu xuân mãi xanh trên đỉnh Pò Hèn…

Tác giả: Lê Thị Bích Hồng
Nguồn Văn nghệ số 9/2021

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay1,717
  • Tháng hiện tại93,345
  • Tổng lượt truy cập3,194,100
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây