Đạo diễn – NSND Thanh Vân xác nhận với phóng viên Lao Động việc 300 phim nhựa lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam đứng trước nguy cơ bị hủy hoại, mất khả năng sử dụng. Trong đó có rất nhiều phim cách mạng quý giá, từng mang trên vai sứ mệnh lịch sử.
Kể từ khi hoàn tất quy trình cổ phần hóa, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso mua lại Hãng phim truyện Việt Nam vào tháng 6.2017, từ đây đã xảy ra triền miên những mâu thuẫn giữa các nghệ sĩ hãng phim và cấp quản lý công ty vận tải thủy Vivaso.
300 phim nhựa lưu trữ ẩm mốc và mâu thuẫn suốt 5 năm
Hãng phim truyện Việt Nam trong quá khứ oanh liệt của mình từng được coi là “đền thiêng” của điện ảnh. Hãng được coi là cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng, là nơi sản xuất những thước phim đầu tiên, là nơi lưu giữ những bộ phim kinh điển của phim Việt.
Hãng phim truyện Việt Nam thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim “Chung một dòng sông” ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng. Trong suốt thời kỳ dài sau chiến tranh, hãng gánh trên vai sứ mệnh lịch sử, ghi dấu ấn với loạt phim được coi là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Làng Vũ Đại ngày ấy, Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê....
Khi điện ảnh bước vào thời kỳ mở cửa, tốc độ phát triển như vũ bão của kinh tế thị trường biến rạp chiếu thành cuộc chiến cạnh tranh bán vé. Các hãng tư nhân thắng thế với cách sản xuất phim đánh vào thị hiếu khán giả, doanh thu cao. Trong khi đó, với cách làm phim cũ, Hãng phim truyện Việt Nam rơi vào khó khăn, phim thất thu, khó bán vé.
Theo đó, tính đến năm 2010, Hãng phim truyện Việt Nam thua lỗ suốt 20 năm, nợ tiền thuê đất 21 tỉ đồng.
Ngày 29 tháng 6 năm 2010, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim Truyện Việt Nam.
Năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Ngay khi quá trình cổ phần hóa bắt đầu đã rùm beng những thông tin về việc cổ phần không minh bạch.
Sau nhiều ồn ào, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại Hãng phim truyện Việt Nam vào tháng 6.2017.
Kể từ tháng 6.2017 đã xảy ra vô số những cuộc cãi vã, mâu thuẫn đỉnh điểm giữa 2 bên: nghệ sĩ hãng phim và các cấp quản lý Vivaso.
Theo các nghệ sĩ hãng phim, Vivaso là công ty thuần kinh doanh, với chuyên môn chủ yếu về vận tải thủy, bởi vậy họ không đầu tư làm phim, không tham gia sản xuất, kinh doanh phim ảnh. Chính vì vậy, ngay khi Vivaso chuyển về “khu đất vàng” của hãng phim truyện Việt Nam ở Thụy Khuê, các nghệ sĩ đã “kêu trời” về việc bị thất nghiệp, không có việc làm, nhận lương thấp...
Từ năm 2017-2019, đã xảy ra nhiều cuộc đấu tố qua lại giữa các nghệ sĩ và đại diện Vivaso là ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Vận tải Thủy.
Phản bác lại những kiện cáo của các nghệ sĩ hãng phim, ông Thủy Nguyên từng công khai cho biết, các nghệ sĩ không chịu làm việc, không đến cơ quan, “không ai biết họ đi đâu, làm gì”, và “tôi không thể trả lương cao cho những người mà tôi không biết họ làm gì”.
Thời điểm bắt đầu mua lại hãng phim và vướng nhiều kiện tụng từ các nghệ sĩ, ông Nguyễn Thủy Nguyên cũng khẳng định, Vivaso sẽ thăm dò và sẽ làm phim. "Chúng tôi sẽ làm phim và thăm dò thị trường, không để tình trạng phim làm ra không bán nổi một vé" – ông Thủy Nguyên nói.
Sau 5 năm cổ phần hóa, thực tế đã cho thấy, Vivaso chưa tham gia sản xuất phim, và những mâu thuẫn vẫn tồn đọng.
Việc 300 phim nhựa, phim cách mạng lịch sử bị ẩm mốc, có nguy cơ hư hỏng- đạo diễn, NSND Thanh Vân khẳng định, lý do lớn nhất nằm ở sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quan (tức Vivaso).
"Gần đây, tôi được biết là hệ thống máy lạnh tại kho lưu trữ phim cũng đã ngưng hoạt động vì hỏng. Những công nhân kĩ thuật đề xuất để sửa chữa hoặc thay thế nhưng không nhận được sự đồng ý.
Những thước phim nhựa để trong phòng ẩm thấp, hệ lụy từ việc không được bảo quản theo thông lệ của hãng phim dẫn đến phim nhựa bị mốc và hầu như khả năng phục hồi là không còn vì nhựa chảy ra, dính kết..." – NSND Thanh Vân nói.
Phóng viên Lao Động liên lạc với ông Thủy Nguyên và đại diện Vivaso về việc 300 phim lưu trữ bị “bỏ mặc”, tuy nhiên vẫn chưa thể kết nối.
Trước khi 300 phim nhựa bị ẩm mốc, bản quyền số hóa của các phim điện ảnh cách mạng của Hãng phim truyện Việt Nam cũng đã bị BH Media “đánh gậy” bản quyền trên nền tảng Youtube.
Bản quyền số hóa cũng không còn thuộc hãng phim
Nhiều bộ phim điện ảnh cách mạng kinh điển thuộc sở hữu của Hãng phim truyện Việt Nam hiện được trình chiếu trên các nền tảng số như Youtube, nhưng thuộc quản lý của BH Media.
Khi câu chuyện bản quyền âm nhạc trên không gian số gây tranh cãi, nhiều khán giả phát hiện ra, những bộ phim điện ảnh kinh điển như Làng Vũ Đại ngày ấy, Bao giờ cho đến tháng 10, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Nổi gió... đều thuộc về các doanh nghiệp khai thác bản quyền trên nền tảng số, không còn của Hãng phim truyện Việt Nam.
Phóng viên trao đổi đặt câu hỏi với đạo diễn – NSND Thanh Vân về việc này, đạo diễn nói: “Trước khi cổ phần, hình như giám đốc cuối cùng của Hãng phim truyện Việt Nam đã bán bản quyền những bộ phim kinh điển này cho các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số, nhưng bán khi nào, bán bao nhiêu, cụ thể ra sao... Tôi không được biết”.
Theo Mi Lan/Lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên