Hà Nội thống nhất tên một tuyến đường mang tên nhà báo Hoàng Tùng

Thứ sáu - 09/12/2022 17:21
Hoàng Tùng là tên một trong những đường phố mới được 100% đại biểu có mặt tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khoá 16 biểu quyết thông qua chiều 8/12.

Nhà báo Hoàng Tùng (tên khai sinh: Trần Khánh Thọ), sinh ngày 14/1/1920; quê quán xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Mất ngày 29/6/2010, hưởng thọ 91 tuổi. Từ tháng 2/1954, đồng chí làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; từ năm 1968 kiêm Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và một số công tác khác. Năm 1980, làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương kiêm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.

Đường Hoàng Tùng có chiều dài 1560 m bắt đầu từ cuối đường Dương Nội, quận Hà Đông tại thôn La Dương, phường Dương Nội đến ngã ba giao cắt đại lộ Thăng Long tại khu đô thị Lê Trọng Tấn. Đường rộng 42 m, lòng đường 21 m, vỉa hè mỗi bên 8m, dải phân cách giữa 5m.

111
Tuyến đường ở thôn La Dương, phường Dương Nội đến ngã ba giao cắt đại lộ Thăng Long tại khu đô thị Lê Trọng Tấn.
Cùng với đường Hoàng Tùng, có 40 tuyến đường, phố mới được đặt tên tại Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn Hà Nội năm 2022.

Tiểu sử đồng chí Hoàng Tùng:

Ðồng chí Hoàng Tùng (tên khai sinh: Trần Khánh Thọ), sinh ngày 14/1/1920; quê quán xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Thường trú tại số nhà 6B Ðường Thành, phường Cửa Ðông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Năm 1935, đồng chí được giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào công nhân ở Cẩm Phả, bị bắt tù và được đồng chí Lê Ðức Thọ giới thiệu giúp việc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nam Ðịnh.

Từ năm 1937, đồng chí tham gia hoạt động trong tổ chức Ðoàn Thanh niên Dân chủ và sau đó là Ðoàn Thanh niên phản đế; phụ trách tổ chức đoàn ở thành phố Nam Ðịnh và tham gia một số công tác do Tỉnh ủy giao.

Tháng 6/1940, đồng chí bị địch bắt, kết án 5 năm tù khổ sai và giam giữ tại nhà tù Sơn La, đồng chí hoạt động trong tổ chức trung kiên (bí mật). Tháng 11/1943, đồng chí được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ nhà tù Sơn La.

Sau cuộc đảo chính của Nhật, đồng chí tham gia lãnh đạo những người tù chính trị phá bỏ nhà tù, về địa phương hoạt động.

Tháng 4/1945, đồng chí về Bắc Ninh hoạt động, đã tích cực mở rộng phong trào quần chúng và xây dựng tổ chức đảng, chuẩn bị khởi nghĩa và được chỉ định vào Tỉnh ủy.

Tháng 5/1945, đồng chí được điều động về tham gia Ban Chỉ đạo khu an toàn của Trung ương Ðảng và Ðội công tác, sau đó làm Bí thư.

Tháng 8/1945, đồng chí chỉ đạo khởi nghĩa ở ngoại thành Hà Nội và được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng.

Tháng 9/1945, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tháng 5/1946, làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Tháng 8/1946, làm Xử ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 2/1947, làm Phó Bí thư Khu ủy 3 (Khu Tả ngạn Sông Hồng).

Tháng 1/1948, đồng chí được điều lên giúp việc Trung ương, làm Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Thư ký Tạp chí "Sinh hoạt nội bộ".

Tháng 6/1948, làm Phó trưởng Ban Thi đua Trung ương.

Tháng 1/1950, làm Chủ nhiệm Báo "Sự thật".

Ðầu năm 1951, phụ trách Văn phòng đồng chí Tổng Bí thư của Ðảng.

Từ tháng 8/1951 đến tháng 3-1953, đồng chí đi học lý luận ở Trung Quốc.

Tháng 4/1953, làm Chánh Văn phòng Trung ương Ðảng.

Từ tháng 2/1954, đồng chí làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; từ năm 1968 kiêm Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và một số công tác khác.

Năm 1980, làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương kiêm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.

Tháng 4/1987 đến năm 1989, làm Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật.

Tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng.

Tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.

Tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ V, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Ban Bí thư và được phân công phụ trách công tác tư tưởng.

Ðồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa III, IV, V, VI, VII.

Do có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, đồng chí Hoàng Tùng được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác; được Ðảng và Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Tự do Ít-xa-la hạng Nhất.

 

Theo Lê Tâm/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây