Du lịch 'đội sổ', vì sao?

Thứ hai - 19/12/2022 15:07

Trong khi nhiều người tỏ ra thất vọng vì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau Covid-19 thì các doanh nghiệp, các chuyên gia trong ngành lại không hề bất ngờ.

Việc ngành công nghiệp không khói của chúng ta "đi trước về sau" (mở cửa sớm nhưng lại về chót bảng) đã được dự báo trước, khi số lượng du khách quốc tế so với mục tiêu đề ra "không đạt đều" trong những tháng cuối cùng của năm tài chính 2022.

Chắc chắn sau kết quả trên, ngành du lịch sẽ phải có những phân tích nguyên nhân, lý do để tìm ra giải pháp khắc phục trong năm tới. Thế nhưng nhìn lại những gì chúng ta đã làm để "mở cửa du lịch" thì có lẽ vẫn phải "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Bởi những nút thắt lớn như chính sách visa chưa thông thoáng, thuận tiện; quảng bá - xúc tiến chưa đúng tầm - đúng trọng điểm cũng như việc doanh nghiệp ngành này chưa thể tiếp cận các gói hỗ trợ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đủ sức cạnh tranh... đặt ra từ rất sớm nhưng không được giải quyết thấu đáo. Cộng với những khó khăn của kinh tế thế giới... kết quả là chúng ta về "chót bảng". Nhưng du lịch về chót bảng, không chỉ riêng ngành này bị ảnh hưởng.

Còn nhớ thời điểm đầu năm Chính phủ quyết liệt mở cửa du lịch bởi đánh giá đây là ngành kinh tế tổng hợp, là đầu vào và đầu ra của rất nhiều lĩnh vực khác như hệ thống lưu trú, hàng không, lữ hành, dịch vụ, bất động sản nghỉ dưỡng, xuất khẩu tại chỗ, chợ đêm... Ngay sau đó, các địa phương cũng lao vào "dọn nhà đón khách". Các doanh nghiệp lữ hành, hàng không ngập tràn hứng khởi trở lại sau 2 năm đóng cửa phòng chống dịch. Rồi hội thảo, hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy, mở rộng thị trường khách... Bao công sức và kỳ vọng để rồi kết quả lại gây thất vọng. Ông chủ của một hệ thống nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam thừa nhận, dù triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi, kích cầu nhưng họ vẫn lỗ nặng bởi khách nội không thể gánh nổi phần thiếu hụt của khách ngoại. Đó cũng là tình trạng chung của hệ thống lưu trú từ lớn đến nhỏ, từ cao cấp đến bình dân hiện nay. Các hãng hàng không thì đau đầu vì lỗ thông quý này sang quý khác. Bất động sản du lịch “đứng hình”, bất chấp vẫn được xướng tên ở những giải thưởng uy tín trên toàn cầu và từng nhiều lần được đánh giá lợi thế hơn hẳn so với các quốc gia láng giềng... Tất cả những cái không đạt này ảnh hưởng bao nhiêu đến tăng trưởng chung của kinh tế đất nước, tác động thế nào đến thu nhập của hàng triệu người lao động, làm lãng phí bao nhiêu công sức - thời gian của Chính phủ, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp, người dân...? Nếu chúng ta không định lượng các thiệt hại, những tác động tiêu cực từ việc "du lịch đội sổ" trên tổng thể đó thì chắc chắn sẽ không thể đưa ra các giải pháp chính xác, hiệu quả để phục hồi ngành công nghiệp không khói mà Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế.
Có một câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan nhưng đáng để chúng ta suy ngẫm. Đó là sự soán ngôi giàu nhất thế giới của "vua" hàng hiệu Bernard Arnault - ông chủ của tập đoàn xa xỉ Pháp LVMH - từ tay tỉ phú Elon Musk. Một trong những lý do của kết quả này được lý giải là hành vi mua sắm bù thời hậu Covid-19. Nhưng trước khi mua sắm bù thì trào lưu "du lịch trả thù" (cho thời gian bị trói chân ở nhà) đã được khởi xướng trên toàn cầu và rất nhiều quốc gia đã chớp lấy cơ hội để phục hồi kinh tế. Vì thế, đừng đổ lỗi cho kinh tế khó khăn mà hãy xem chúng ta đã thực sự làm tốt phần việc của mình để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam hay chưa - bắt đầu từ một chính sách visa thông thoáng, thuận tiện.


 

Theo Nguyên Khanh/Thanh niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây