Khi hội viên xác định được vai trò chiến sĩ xung kích trên mặt tư tưởng - văn hóa

Thứ năm - 01/12/2022 16:40
Việc không ngừng nâng cao tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ hội viên nhà báo là một nội dung quan trọng trong hoạt động của các cấp Hội Nhà báo. Đó vừa là định hướng, mục tiêu vừa là thước đo chất lượng hoạt động của mỗi đơn vị.
111
Các đại biểu tại hội thảo nghiệp vụ “Nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng hoạt động của Hội nhà báo tỉnh, thành phố trong tình hình mới”.
Ảnh: Sơn Hải
Tại hội thảo “Nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trong tình hình mới” vừa được tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn, các đại biểu đều khẳng định việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp chỉ đạt hiệu quả khi các hội viên, nhà báo thực sự xác định được vai trò chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Nêu cao ý thức tự rèn luyện về tư tưởng, đạo đức

Mặc dù tổ chức Hội các cấp cùng các cơ quan báo chí đã có nhiều nỗ lực trong việc chấn chỉnh, siết chặt quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nhà báo. Tuy nhiên vẫn có tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong thực tiễn hoạt động báo chí, việc này đang diễn biến phức tạp với nhiều biểu hiện rất đáng lo ngại. Một số hội viên, nhà báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi cá nhân; lợi dụng danh nghĩa “chống tiêu cực” để thực hiện hành vi tiêu cực. Bên cạnh đó, nhiều hội viên lười đi thực tế mà sử dụng thông tin trên mạng xã hội, internet để sáng tạo tác phẩm báo chí, chạy theo thị hiếu tầm thường, câu like bằng những đề tài trái với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm, thậm chí vi phạm pháp luật…

Thực tế, nếu mỗi người làm báo nhận thức nghiêm túc về vai trò xã hội, trách nhiệm với bạn đọc, ý nghĩa tích cực của báo chí với sự phát triển xã hội thì sẽ tự ý thức nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường phẩm chất chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp.

Do đó, để nâng cao vai trò, vị thế của Báo chí Cách mạng Việt Nam phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền. Để làm được điều này thì nhiệm vụ bắt buộc mang tính chất quan trọng quyết định là siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nhà báo.

Tại tỉnh Phú Thọ, hiện trên địa bàn tỉnh có 328 hội viên sinh hoạt tại 6 Chi hội và CLB Nhà báo cao tuổi. Nhiều năm nay, việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nhà báo luôn được Hội Nhà báo tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Nhà báo Vũ Xuân Chường - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Phú Thọ, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ cho biết: Hằng năm, Hội Nhà báo đều chủ động xây dựng kế hoạch với các nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế để triển khai đến từng Chi hội, hội viên. Nhờ đó, các hội viên, nhà báo dần nêu cao ý thức tự rèn luyện về đạo đức, tác phong công tác, nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.

111
Hội viên nhà báo tỉnh Lạng Sơn tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: Sơn Hải

Luôn giữ vững được cái tâm trong sáng

Tại tỉnh Lạng Sơn, trong những năm qua Hội Nhà báo tỉnh đã luôn quan tâm bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của hội viên. Hội Nhà báo tỉnh xác định xây dựng cơ quan báo chí, người làm báo văn hóa là trách nhiệm, là vấn đề tự thân của mỗi cơ quan báo chí, người làm báo.

Nhà báo Hoàng Đình Hôm - Tổng Biên tập Báo Lạng Sơn, Chủ tịch Hội Nhà báo Lạng Sơn cho biết, tại Báo Lạng Sơn phong trào xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa được phát động và luôn được duy trì. Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ban Biên tập và mỗi phóng viên về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa người làm báo. Sau khi cơ quan phát động phong trào thi đua và triển khai thực hiện từ tháng 9/2022 đến nay, Ban Thư ký Chi hội, lãnh đạo các phòng đã tiếp tục quán triệt tới cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động trong cơ quan hưởng ứng tích cực. Cùng với đó, Báo cũng xây dựng kế hoạch tuyên truyền về văn hóa trên hai ấn phẩm báo in và báo điện tử, từ đó góp phần vào việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan Báo Lạng Sơn.

“Với việc triển khai bài bản, kết hợp với kiểm tra - giám sát thường xuyên, lồng ghép trong công tác bình xét thi đua khen thưởng định kỳ, Báo Lạng Sơn tin tưởng rằng phong trào thi đua sẽ được thực hiện sôi nổi tại đơn vị. Qua đó tạo thêm động lực để các nhà báo xây dựng môi trường tác nghiệp chuyên nghiệp, văn hoá, đóng góp vào phong trào thi đua chung của Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn”,  nhà báo Hoàng Đình Hôm chia sẻ.

Tương tự tại tỉnh Hà Giang, trong nhiều năm qua, để 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, Luật Báo chí và Chỉ thị 43CT/TW thực sự đi vào cuộc sống của người làm báo, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí Hà Giang đã luôn chú trọng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức người làm báo. Tuyên truyền để mỗi hội viên giữ vững đạo đức của nghề, hiểu và làm đúng Luật Báo chí và phấn đấu luôn là một nhà báo vững vàng, bản lĩnh trước cuộc sống phức tạp, nhiều chiều đang cuộn chảy hiện nay.

111
Hội Nhà báo Hà Giang tổ chức bồi dưỡng kỹ năng chụp ảnh báo chí hiện đại. Ảnh: NVCC

Theo nhà báo Lê Trọng Lập - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang, để nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo, yếu tố quyết định ở đây là Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí cần giúp cho mỗi hội viên khi tác nghiệp tiếp xúc, làm việc với nhân dân, với các cơ quan đơn vị luôn giữ vững được cái tâm trong sáng của người làm báo. Mỗi người làm báo phải có đủ tầm cho nhận thức của bản thân, đủ tầm cho tri thức của nghề làm báo, sự phấn đấu, rèn luyện, học tập sẽ tạo nên bản lĩnh và phong cách riêng cần có của mỗi nhà báo.

Có thể khẳng định, nhân tố mang tính chất quyết định đến hoạt động báo chí chính là ở mỗi hội viên, nhà báo. Do đó, việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp chỉ đạt hiệu quả khi các hội viên, nhà báo thực sự xác định được vai trò chiến sĩ xung kích trên mặt tư tưởng - văn hóa của Đảng. Mỗi nhà báo cần xác định hoạt động của mình là nhằm góp phần cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí. Khi nhà báo có uy tín, có đạo đức nghề nghiệp sẽ được công chúng tin cậy. Đây cũng là yếu tố cốt lõi nhất trong đạo đức nghề báo và cũng là nền tảng vững chắc nhất của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

 

Theo Lê Tâm/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây