VOV giành 3 giải ABU năm 2022 - lan tỏa thông điệp về sức sống mãnh liệt của con người

Thứ ba - 29/11/2022 16:17
Đài Tiếng nói Việt Nam ghi dấu ấn nổi bật trong giải ABU 2022 với 3 giải thưởng, trong đó, lần đầu tiên đoạt 2 giải Xuất sắc ở thể loại Phóng sự thời sự hạng mục Phát thanh và Truyền thông số.

Hãy làm cái gì đó đi!

Lúc 20h30 - 22h30 (giờ Việt Nam) thứ Ba, ngày 29/11/2022, trong khuôn khổ Đại Hội đồng ABU lần thứ 59 tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, ABU sẽ tổ chức Lễ trao giải ABU 2022. ABU Prize (Giải ABU) là giải thưởng phát thanh - truyền hình quốc tế uy tín do Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU) tổ chức hàng năm nhằm vinh danh những tác phẩm phát thanh và truyền hình xuất sắc của các đài thành viên ABU.

111
Nhà báo Hoàng Văn Ân phỏng vấn nhân vật Bon Phúc. Ảnh: NVCC
 

Năm nay, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) đã ghi dấu ấn nổi bật trong giải ABU với 3 giải thưởng, trong đó, lần đầu tiên đoạt 2 giải Xuất sắc ở thể loại phóng sự thời sự hạng mục Phát thanh và Truyền thông số.

Năm 2022, ABU nhận được tổng số 313 tác phẩm dự thi Giải ABU cho cả 3 hạng mục Phát thanh, Truyền hình và Truyền thông số. Trong đó có 174 tác phẩm truyền hình (31 tác phẩm lọt vào vòng chung kết), 106 tác phẩm phát thanh  (29 tác phẩm lọt vào vòng chung kết) và 33 tác phẩm truyền thông số (05 tác phẩm lọt vào vòng chung kết). Đây là năm thứ 3 liên tiếp ABU nhận được trên 300 tác phẩm dự thi Giải ABU, nhiều hơn các năm trước đó.

Đài TNVN gửi 9 tác phẩm gửi dự thi, trong đó có 6 tác phẩm phát thanh, 2 tác phẩm truyền hình và 1 tác phẩm truyền thông số. Sau vòng chấm sơ khảo của ABU, Đài TNVN có 6 tác phẩm được chọn vào vòng Chung kết, nhiều nhất từ trước đến nay và kết quả có 3 tác phẩm đoạt Giải ABU 2022. Từ năm 2010 đến nay, Đài TNVN liên tục giành được giải thưởng ABU - giải thưởng phát thanh truyền hình quốc tế uy tín.

Nhà báo Nguyễn Thúy Hoa, Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Đài TNVN) chia sẻ rằng, Ban Hợp tác Quốc tế nhận được rất nhiều thông tin về các cuộc thi khác nhau trên thế giới nhưng Đài luôn tập trung vào cuộc thi này vì tổ chức này rất lớn. Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương có gần 300 thành viên ở khoảng 70 nước, nhiều tổ chức, Đài phát thanh lớn của Mỹ cũng là thành viên và đều tham gia dự giải. 

“Khi nhận được chủ đề, chúng tôi sẽ thông báo bằng văn bản, đưa vào các mạng nội bộ để tất cả các Hệ trong Đài đều nắm bắt được thông tin. Tuy nhiên, để có được những sản phẩm chất lượng, tôi sẽ phải tìm ra những người tích cực, tiếp cận riêng và nói rằng hãy làm cái gì đó đi! Tất nhiên, chúng tôi đồng hành và giúp các phóng viên khi họ cần ngay từ khi lên ý tưởng, triển khai nội dung và hoàn thiện sản phẩm để dự thi. Điểm nhấn của năm nay là hai tác phẩm đoạt giải Xuất sắc và hai tác giả đoạt giải đều là những phóng viên rất đặc biệt. Một nữ phóng viên mới vào nghề, đầy sức sáng tạo như Thi Uyên và một phóng viên là Hoàng Ân - người bền bỉ viết về môi trường, năm thứ 2 đoạt giải thưởng này” - nhà báo Thúy Hoa nhấn mạnh.

Những tác phẩm thể hiện sức sống mãnh liệt của con người

Trò chuyện với hai tác giả đoạt giải mới thấy rằng, các tác phẩm đều phải dành thời gian, công sức rất lớn. Những ý tưởng cũng như nội dung tác phẩm đều thể hiện sức sống mãnh liệt của con người, tinh thần vượt khó, vươn lên không ngừng ngay cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.

Tác phẩm: “Bon” Phúc (Bố Phúc) của tác giả Hoàng Văn Ân, Trần Hữu Hưng - Ban Thời sự (VOV1) đoạt giải Xuất sắc, hạng mục Phát thanh, thể loại Phóng sự thời sự. Những chi tiết và câu chuyện trong “Bon” Phúc phản ánh một góc rất nhỏ trong bức tranh lớn về nỗi gian truân của nghề giữ rừng ở Việt Nam. Nhân vật chính của tác phẩm là ông Nguyễn Đức Phúc, năm nay 80 tuổi, ở Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ông đã dành phần lớn sản nghiệp và tìm mọi cách để giữ rừng - đó là một lối đi khó, không giống ai mà ông đã chọn cho đời mình.

Suốt 30 năm qua, ông Phúc luôn trăn trở việc duy trì và bảo vệ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa ở “thành phố ngàn thông”, bởi ông nghiệm ra rằng, không ai giữ rừng tốt hơn chính họ. Chính sự hy sinh, cống hiến vô điều kiện để bảo vệ rừng của Bon Phúc mà “nguồn sống” được vươn mình xanh tốt trên cao nguyên Lang Biang hùng vĩ, nơi có hệ sinh thái phong phú cùng giá trị văn hoá đặc sắc của cộng đồng các tộc người thiểu số bản địa. Đó là cội nguồn, là gốc rễ mà mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc cần gìn giữ trong quá trình phát triển hiện nay.

111
Cùng với âm thanh, hình ảnh chụp, tác phẩm “Con hẻm nhỏ” của tác giả Nguyễn Thị Uyên
còn sử dụng rất nhiều những hình vẽ 2D ấn tượng

Nhà báo Hoàng Ân chia sẻ: “Ông không bỏ cuộc. Ông bền bỉ và vững chí dù phải đương đầu với nhiều áp lực. Sự lạc quan của ông thực sự là một điều rất đáng khâm phục. Vượt qua nhiều sóng gió của đời người, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông Phúc vẫn luôn đau đáu với triết lý giữ rừng: "Rừng có cửa nhưng không có khóa - Khóa cửa rừng bằng trái tim ta". Nếu ai không yêu rừng thì đừng nói đến giữ rừng”. Chúng tôi mong muốn tiếp thêm động lực cho những cá nhân yêu rừng khi nghe được tác phẩm này”.

Tác phẩm “Con hẻm nhỏ” của tác giả Nguyễn Thị Uyên, Báo Điện tử VOV đoạt giải Xuất sắc hạng mục Truyền thông số cũng là một sản phẩm rất đặc biệt. Đây là lần thứ 3 VOV nộp tác phẩm dự thi hạng mục Truyền thông số. Và năm nay, lần đầu tiên đoạt giải ở hạng mục này.

“Con hẻm nhỏ” là nơi tập trung nhiều lao động tự do trên địa bàn quận 7, TP HCM. Khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, các nhân vật trong câu chuyện một người chồng mất vợ, một người chị mất em, và một người con mất cha. Ba câu chuyện là lát cắt hiện thực về phương pháp, tình trạng điều trị bệnh nhân khi dịch COVID-19 bùng phát tại TP HCM: Điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà; điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại các khu cách ly và điều trị tập trung; điều trị các bệnh khác trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Thi Uyên chia sẻ: “Dịch bệnh kết thúc để lại cho họ những vết sẹo, gánh nặng tâm lý và kinh tế cho những người ở lại, đồng thời trực tiếp tạo ra những vấn đề xã hội mới, đó là trẻ mồ côi, người già neo đơn…Nhưng những tâm hồn đau đớn ấy không đầu hàng. Đối với cá nhân em, sau khi thực hiện xong tác phẩm, em nhận thấy được rằng sức sống của con người sau dịch COVID-19 giống như một phép màu…”.

Nữ nhà báo mới vào nghề được hơn 2 năm nhưng là một trong số những nhà báo xung phong tác nghiệp tại TP HCM vào tháng 9/2021 - thời điểm dịch bệnh COVID-19 tại nơi này đang ở giai đoạn nặng nề nhất. Nữ phóng viên dấn thân với nhiều khát vọng cống hiến ấy đã trở lại tìm hiểu về cuộc sống của những người em từng gặp, từng giúp đỡ trong dịch… và câu chuyện “con hẻm nhỏ” ra đời bởi một trái tim làm nghề thật tử tế. Tác phẩm ấy không chỉ thành công về mặt nội dung mà còn vô cùng đặc sắc về hình thức thể hiện với sự kết hợp linh hoạt giữa text, hình ảnh chụp, hình vẽ 2D, âm thanh... trên nền tảng số. Đó cũng là "điểm cộng" xứng đáng để đoạt giải trong hạng mục truyền thông số. 

Bên cạnh hai tác phẩm đoạt giải Xuất sắc thì tác phẩm “Không gục ngã”- tác giả Nguyễn Sỹ Hào và nhóm phóng viên, Ban Dân tộc (VOV4) đã đoạt giải Khuyến khích, hạng mục phát thanh, thể loại Giải quan điểm về chủ đề năm 2022 “Resilience” (Tạm dịch: Khả năng thích ứng, phục hồi). 

Tác phẩm kể về Hoàng Thị Mũ, một cô bé dân tộc Mông tại tỉnh Cao Bằng đã vượt qua bão táp cả tuổi thơ để giành những điều tốt đẹp nhất. 7 tuổi, em đã phải thay mẹ chăm sóc 2 em còn khát sữa mẹ. 12 tuổi em lại thay cha làm chỗ dựa duy nhất trong gia đình. Chỉ trong 3 năm, tai họa dồn dập ập đến cướp đi cả mẹ, cả cha nhưng em vẫn kiên trì bám trụ chăm các em, học tập để lo cho tương lai. Đây là câu chuyện chân thực lấy đi nhiều nước mắt của thính giả. Bằng nghị lực phi thường, sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, cả 3 chị em đã giành được những giá trị nhất định của cuộc sống, những dự định về tương lai đầy tươi sáng...

 

Theo Sông Mây/NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây