Viết nhân Ngày của Mẹ…

Thứ sáu - 14/05/2021 10:55

Từ lâu, thơ Văn Công Hùng đã trở nên quen thuộc không chỉ với “người đồng mình” xứ Cao nguyên, mà còn đi vào lòng những người đọc mọi miền. Đứng trước “gia tài” tác phẩm của ông, nhiều khi tôi ngạc nhiên: hình như có hai con người: một Văn Công Hùng ngoài đời tưng tửng hài hước, mọi sự đều nhỏ, “có chi mô nơ”, nhưng trong thơ lại là một Văn Công Hùng khác, “buôn buốt” tới quắt queo trong từng ái ố hỉ nộ của mình, của đời, tựa một chiếc hàn thử biểu cực nhạy treo đầu gió, chỉ một chút thoáng thở dài cũng khiến hồn thơ ấy cộng hưởng thành bão thành giông, đựng trong những tập hợp ngôn từ đẹp, tuy đôi khi hơi cầu kì…!
111

Tôi đặc biệt thích những bài thơ ông viết cho cha mẹ - bởi tôi đọc thấy ở đó những lời yêu thương mà nhiều người con trên đời chỉ dành cho cha mẹ khi đã quá muộn màng!

Có một cái gì thiêng liêng và bình dị, bền chắc và mong manh, thân yêu và xa ngái… trong yêu thương của những núm ruột đã rời lòng mẹ, khao khát đi thật xa, bay thật cao, vừa mạnh mẽ, vừa chập choạng giữa đời, để đôi lúc, khi yếu lòng, khi mệt mỏi, khi cô đơn hay vấp ngã, những núm ruột ấy mới chợt nhớ ra và muốn quay về, nhưng sự trở về thường muộn màng, nỗi ân hận cũng muộn màng: “mẹ mất rồi mới thấy mình già/ không còn nơi để dựa”; “nơi dựa” cũng là một từ ấm áp trong bài thơ cùng tên của Nguyễn Đình Thi -  những thức nhận thấm thía chất triết học chắt ra từ nước mắt, nhòe lẫn trong khói hương, tiếc là hầu hết chiêm nghiệm xưa nay đều chỉ dành cả cho thiên hạ, còn phần lớn là muộn với chính mình.

Cảm giác “không còn nơi để dựa” làm người ta thấy trống trải, đơn độc vô cùng giữa thăm thẳm nhân gian – khi còn cha mẹ, ngôi nhà của cha mẹ là quê, là nhà, là hang nương náu, là nơi luôn thuộc về ta, nơi ấy có hai con người luôn vui buồn với những vui buồn của ta giữa không ít những người đời buồn khi ta vui và ngược lại, đó cũng là hai con người luôn yêu và thương ta vô điều kiện, bất luận ta giàu nghèo, tốt xấu, hiếu thảo hay tệ bạc, giỏi giang hay kém cỏi…, trong khi đó lại là những tiêu chí quyết định mọi lẽ ghét yêu khinh trọng của tất thảy người đời dành cho ta! Chỉ tới lần trở về quá muộn, những đứa con mới sợ hãi nhận ra cái hoang hút lạnh lẽo sau lưng mình, khi vĩnh viễn không còn ai “vòng vọng những buổi chiều tựa cửa ngóng con”, mới thấy trong phút chốc, đời mình hình như không còn quê, không còn nhà, không còn hang nương náu, không còn người luôn trữ sẵn bông băng cho mọi vết thương sau những vấp ngã, những dại khờ của đứa con mãi chỉ là thơ bé!

Nếu cảm giác trống trải khi nhận ra “không còn nơi để dựa” thực chất vẫn là sự ích kỉ của những đứa con đang nghĩ cho phận mồ côi của mình thì nỗi ân hận thương xót muộn màng mới thực sự là nỗi lòng dành cho cha mẹ. Đây là dáng vẻ một người con mồ côi trong chiều ba mươi heo hút gió đồng, một dáng vẻ làm chạnh lòng bao người con mồ côi khác trên đời:

… nửa đời ngang dọc lắt lay

chiều nay run rẩy cuối ngày đầu năm

bàn tay xoắn nỗi lặng thầm

cúi đầu chớp một xa xăm kiếp người...

Về quá muộn sau “nửa đời ngang dọc”, “gã trai trên năm mươi đầy tội lỗi” lặng lẽ đứng trước mộ cha, hai tay không phải chắp mà xoắn vặn những nỗi ân hận nhớ nhung đau xót, đầu cúi chỉ trong giây khắc khói hương mà chấn động lay thức cả dòng thời gian dằng dặc với bao cay đắng đời cha, lại miên man nối tiếp bao “lắt lay” mê mải đời con…

“Vay của cha mẹ, trả cho con cái”, món nợ đồng lần khiến những đứa con luôn mắc nợ cha mẹ, và thường chỉ nhớ ra điều đó khi cha mẹ không còn. Hai câu thơ: “con mắc nợ mẹ không là chủ nợ/ chỉ chú mèo già chứng kiến mẹ buồn thôi” chứa đựng nỗi ân hận, xót thương vĩnh viễn không được hóa giải khi thức nhận quá muộn màng, “nước mắt luôn chỉ chảy xuôi” – mẹ chỉ cho mà không bao giờ nghĩ tới sự đền đáp, tuy nhiên, sự vô tâm tới vô tình của con cái không thể không làm đau lòng mẹ, đó là nỗi đau một mình mẹ chịu đựng trong cô đơn, không được chia sẻ - hình ảnh “chú mèo già…” gợi sự cô độc âm thầm đến tận cùng trong lòng mẹ!

 Nỗi ân hận càng đắng đót hơn khi cảm nhận được cái chảy xuôi của nước mắt, sự một chiều của yêu thương, khi hình dung bao tháng năm ta “tung tẩy” tới chín phần vô nghĩa giữa đời, trong khi mẹ vẫn đau đáu mỗi ngày với “tấm lưng như dấu hỏi/ mẹ chống thời gian để đợi ta về”; nỗi ân hận càng đau đớn bởi sự đối sánh chua xót: chúng ta đã phung phí (thực ra để đánh đổi cái ta cần) quá nhiều lời yêu cho đời, đã mấy ai nghĩ tới niềm vui, sự mãn nguyện quá dễ dàng của cha mẹ khi nhận được một phần nhỏ những lời ấy từ ta; thậm chí, khi ta dành phần lớn thời gian, tâm huyết cho đời, ta sung sướng phấn chấn khi nhận được từ khoảng trống rỗng mênh mông thờ ơ đố kị ấy chút ghi nhận giống như ngọt ngào, thì nhiều khi, ta lại coi là thường, có khi bức bối trước những chăm sóc, yêu thương luôn vô bờ bến, vô điều kiện của cha mẹ: “ta về/ dăm câu/ có khi còn sẵng…”! Cũng dễ hiểu, bởi người ta thường chỉ coi trọng những giọt nước ngọ ngằn khó khăn có được giữa cát sỏi khô khát, và coi thường khi thỏa thuê giữa dòng sông ăm ắp yêu thương!

Ân hận không chỉ vì sự vô tâm thành tệ bạc, sự ích kỉ thành tàn nhẫn, ân hận còn trở thành nỗi tiếc nuối đau đớn bởi sự trở về quá muộn. Cuộc đời con người không ít những muộn màng, và ta đều có thể làm lại, chỉ trừ sự muộn màng trước bờ sinh tử! Lần nào đọc bài Chuyến bay chở ta về với mẹ, tôi cũng thấy khó cầm lòng. Liệu người con nào trên đời có thể bình yên khi đọc hai câu thơ: “những giấc mơ ngắn dần/mẹ như hơi thở dài cuối nắng”, hình dung chiếc đồng hồ cát của đời mẹ đang rơi những hạt cuối cùng trong chiều tàn bóng xế, kể cả tiếng thở dài cũng nhẹ như những hơi thở cuối cùng, ngắn như những giấc mơ cuối cùng, những giấc mơ chập chờn giữa thực và ảo, vẫn đang chốn trần gian mà như đã chạm chân xuống dòng Acheon âm u lạnh lẽo trong hành trình  đi vào cõi khác! Cảm giác đau đớn không chịu nổi khi hình dung cha/ mẹ đang một mình, cố giữ từng hơi thở ngắn, bám víu sự sống, gắng trì hoãn giờ khắc cuối để chờ con, trong khi ấy, con vẫn đang mê mải cuối đường xa, với lo toan, vui thú, bon chen…, để lần cuối vội về với mẹ trong cảm giác:

chuyến bay chở ta về với mẹ

nặng nề như mang bom

“mẹ đang chờ” em trai gọi thế

“chuối chín rồi” bạn nhắn tận trời xa

Tôi không nghĩ đây là một so sánh tinh tế, nhưng không thể phủ nhận đó là so sánh quá chính xác cho cảm giác bồn chồn, sợ hãi trong từng giây khắc trôi qua của đứa con lo lỡ cuộc chia tay cuối cùng với cha, mẹ - cuộc chia tay để sau đó, con thành mồ côi giữa mênh mông lạnh lẽo, còn đấng sinh thành yêu thương sẽ bắt đầu hành trình tuyệt đối đơn độc, tới với cõi chỉ có thăm thẳm hư vô và hoang hút gió, nơi “vô định rợn người cát trắng/ mẹ nằm hun hút gió hàng dương”. Ai cũng nói thấu hiểu lẽ tử sinh, nhưng hầu hết đều không thể hiểu, không thể chấp nhận sự phi lí kì lạ của cái chết khi sau cuộc chia tay khắc nghiệt cuối cùng, cha mẹ lại như chưa từng hiện diện trên đời – mặt trời vẫn mọc, đường vẫn tắc, phim bộ đang dở tập, con sẽ lại bình tâm sau những đau buồn, tiếp tục mê mải đua chen…, chỉ có cha, mẹ là vĩnh viễn tan hòa cát bụi trong cõi rợn ngợp trống không…

Cảm giác về muộn sẽ day dứt lòng người con tới hết đời, bởi biết bao điều cần nói, nên nói, ta đã để lỡ làng, vì ngại ngùng, vì nghĩ không cần lắm, cha mẹ luôn hiểu mình, sao phải nói thành lời những ân hận hay yêu thương… Trong nỗi ân hận khi “mất mẹ rồi mới nhận ra mình ích kỷ”, cái đáng buồn nhất không phải vì không còn yêu thương mà bởi khi đong đếm lại yêu ghét buồn vui của cuộc đời mình, mới giật mình nhận ra từ lâu lắm đã không còn dành chỗ cho cha mẹ, dù chỉ một con chữ với chút xót thương “rơm rớm” giữa trùng điệp những tình ca, trường ca, những đại ngôn tráng ngữ thấm đẫm yêu thương, chứa chan nước mắt phung phí cho đời, đổi lấy một lời khen đời nói xong là quên lãng, đổi lấy những tung hô thờ ơ như mọi giao đãi lạnh lùng:

những cuộc con đi giữa nóng lạnh cuộc đời

mẹ buôn buốt ruột

con tung tẩy chữ

có chữ nào rơm rớm mẹ đâu?

Tôi cũng đã tiếc hận đau đớn vì sự ngại ngùng này, khi cả đời làm nghề đã viết, đã nói ngàn vạn lời văn hoa địa lí, nhưng “có chữ nào rơm rớm mẹ đâu”, dẫu phút cuối cùng, ghé tai mẹ nói ngàn lời, thảy cũng đều vô nghĩa – nên tôi xúc động vì hình ảnh người con “vụng về ôm mẹ” và chung nỗi day dứt của ân hận bởi “những điều không thể nói”, những điều biết đâu cha mẹ từng mong mỏi tới tuyệt vọng trong những chuỗi ngày hiu hắt cuối cùng, lặng lẽ ngồi bên “chú mèo già” im lặng:

con sẽ vụng về ôm mẹ lần cuối

có những điều không thể nói mẹ ơi...

Nhiều nước, người ta khắc hàng chữ: “Hôm nay là bạn, ngày mai là tôi” ở cổng nghĩa trang như muốn nhắc người đang sống về lẽ tử sinh, về ý nghĩa của sự “vô nghĩa”. Nhưng dù không có hàng chữ ấy, dòng thời gian vẫn chảy trôi để tới một lúc nào đó, mọi bạc bẽo lãng quên đều có thể giật mình, tỉnh thức. Muộn nhất, có lẽ cũng là giây phút cuối, sau những ồn ào chia sẻ khóc than, tới lúc từ biệt cha mẹ, ra về, thấy sau lưng mình “mẹ nằm hun hút gió hàng dương”/ “Ba nằm một cõi một mình/ hình như cơn gió thình lình vụt qua”…, khi ấy, mọi tủi buồn trong đời cha mẹ vĩnh viễn được hóa giải giữa hư vô, nếu coi sự tan biến là hóa giải – mọi nỗi xót thương và ân hận sẽ day dứt cho tới hết đời con, có điều, tiếc nuối, ân hận luôn là trạng thái tâm lí tới sau lầm lỗi, và lời yêu thương chua xót nhất là lời yêu thương tới muộn!


 

Tác giả: TS Trịnh Thu Tuyết
Nguồn Văn nghệ số 20/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay2,384
  • Tháng hiện tại112,632
  • Tổng lượt truy cập3,213,387
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây