Am chúng sinh có nơi gọi là miếu âm hồn. Am được xây cất nhỏ, chỉ một (hai) gian làm nơi thờ người chết không người hương khói. Ngày xưa, nhiều làng dựng am dưới gốc đa, gốc gạo, bãi tha ma, góc chợ làm chỗ thắp hương cho người bất đắc kỳ tử: chết trôi, chết đói, chết trận, chết không rõ tên tuổi, không người thờ cúng.
Làng Trà Dương (h. Phù Cừ) dựng am chúng sinh gần sông Luộc gọi là miếu âm hồn thờ người chết vì tai nạn sông nước. Phường Hiến Nam có miếu Cửa Càn (đền Càn môn, đền Âm hồn) thờ người bị nạn đuối nước cửa sông Cái ngày xưa.
Những người lính chết trận chôn chung một chỗ, dân gian lập đàn thờ hoặc xây am để người hảo tâm hương khói, triều đình cử quan về tế có giá trị như miếu Âm hồn. Xã Long Hưng (h. Văn Giang) có gò ông Lủi - nơi chôn những lính Hán tử trận trong cuộc chiến với quân Hai Bà Trưng. Nhân dân hai làng Ngọc Bộ, Nhân Vực xây am làm nơi hương khói cho người xấu số. Những nơi như thế gọi là miếu âm hòn.
Trong am xây một bệ thờ làm nơi đặt bát hương, đồ lễ. Hội chư già (x. Hội Chư già) cử người quét dọn, đọc kinh, thắp hương ngày Rằm, mồng Một, khi làng có người chết. Ngày Rằm tháng Bảy (âl), làng tổ chức cúng chay (x. Đàn chay), cúng cháo (x. Cúng cháo thi) tại am chúng sinh.