Báo Bãi Sậy

Thứ tư - 01/05/2019 09:36
Tháng 2 năm 1943, bà Trần Thị Minh Châu, tức Ba Châu, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Hà Đông được xứ ủy Bắc Kỳ cử về Hưng Yên làm Trưởng Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. Bà cùng các đồng chí Nguyễn Quyết (X. Nguyễn Quyết), Chu Văn Tập (X. Học Phi) họp quyết định ra tờ báo làm tài liệu tuyên truyền cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Chủ trương ra báo đồng chí Tự (Hoàng Quốc Việt). Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ nhất trí, giao cho bà Châu phụ trách. Ngoài các đồng chí được xứ ủy phân công, báo Bãi Sậy có thêm cộng tác viên là đồng chí Hùng và bà Thu Trà.
Nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch Học Phi
Nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch Học Phi - Nguyên TBT báo Bãi Sậy
Tháng 6/1943, số báo đầu tiên duyệt tại chùa Diều (P. An Tảo,Tp Hưng Yên), sau đó in tại nhà bà Hoàng Thị Yên, thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa (H.Kim Động). Sau này báo in ở chùa Văn Xã, xã Liêu Xá (H.Yên Mỹ), một cơ sở liên lạc của Xứ ủy do bà Đàm Quán trụ trì. Bà Châu dùng bút máy Packer viết chữ ngược lên thạch để in báo. Vì báo in thạch nên không in được khổ rộng. Báo in 4 trang trên giấy học sinh.

Số 1 báo Bãi Sậy ra ngày 10/6/1943 có bài “Bãi Sậy, cơ quan tuyên truyền của tỉnh bộ Việt Minh Hưng Yên”  hô hào đồng bào ủng hộ báo “Hỡi đồng bào! Người Việt Nam chúng ta chắc chưa ai quên được cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy oanh liệt ở Hưng Yên. Đó là trang sử vẻ vang của nước ta được viết bằng máu những anh hùng yêu nước chống lại giặc Pháp khi chúng mới đến xâm lược nước ta. Trong vòng 15 năm, từ năm 1883 đến 1897 (1), cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của cụ Tán Thuật, đã làm cho giặc Pháp nhiều phen điêu đứng. Nhưng rồi do thời cơ chưa đến, do tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch về vũ khí, cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Để noi gương vẻ vang của ông cha, chúng tôi đặt tên cho tờ báo là “Bãi Sậy”. Hằng tháng, Bãi Sậy mang tin tức, chủ yếu là tin về phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở khắp nơi trong nước ta và cả tin thế giới đến với đồng bào. Hỡi đồng bào! hãy ủng hộ tờ báo của chúng ta bằng mọi cách để làm tròn xứ mệnh của mình”.

Báo Bãi Sậy số 2 ra ngày 01/8/1943. Nội dung các số báo ngắn gọn, phong phú, gồm xã luận, tin tức, như: tin đấu tranh chống thực dân Pháp, phát xít Nhật, tin phong trào cách mạng trong nước và thế giới; tin Pháp, Nhật cướp thóc, bắt phu, bắt lính; tin phong trào chống nhổ lúa trồng đay, chống thu thóc tạ, chống lạm thuế… Ngoài ra, báo còn đăng thơ ca tuyên truyền. Tính thời sự của báo rất cao. Báo hô hào quần chúng tham gia, ủng hộ Việt Minh. Các nhà sư, chú tiểu, hội viên Hội Phụ nữ Cứu quốc là những cộng tác viên bí mật phát hành báo. Mỗi tháng, báo ra một số, ra được 7 số thì đình bản vì cuối năm 1943, địch khủng bố gắt gao.

Cuối tháng 12/1946, theo chủ trương của Tỉnh ủy, báo Bãi Sậy hoạt động trở lại, do đồng chí Lê Tự - Tỉnh ủy viên, Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền làm chủ nhiệm, đồng chí Chu Văn Tập (Học Phi) làm chủ bút. Báo in tại nhà in Chí Tường do anh em ông Vũ Khắc Thuận (thị xã Hưng Yên) kinh doanh tự lập, tình nguyện giúp đỡ. Máy in báo Bãi Sậy ngày ấy là  máy Mineve loại nhỏ, đạp chân. Báo ra được 10 số tại thị xã rồi đi sơ tán theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Cơ quan báo về làng Tử Dương (H.Yên Mỹ). Sau trận càn Con quay (Diabolo, 12/1949), chiến sự trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trở lên ác liệt, báo Bãi Sậy ngừng hoạt động.
 

1. Theo tài liệu của Việt Nam và Pháp, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy nổ ra năm 1883, tồn tại đến năm 1893.
Theo TĐVH Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây