Bát âm là tám loại âm thanh từ vật liệu mà con người sử dụng tạo thành. Tám âm thanh gồm: Kim, thạch, thổ, ty, trúc, bào, cách, mộc. Vì thế, dân gian gọi nhóm chơi nhạc cổ truyền là phường bát âm.
1. Kim: Âm thanh do nhạc cụ chế tạo từ kim loại tạo nên như chuông, chiêng, trống đồng, não bạt, sênh tiền, thanh la, kèm đồng.
2. Thạch: Âm thanh phát ra từ đá như: khánh đá, đàn đá.
3. Thổ: Âm thanh từ đất sét nung như: tiếng khánh đất, tiếng còi, tiếng chén bát va chạm.
4. Ty: Âm thanh từ dây tơ dùng trong đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh.
5. Trúc: Âm thanh của sáo, tiêu làm từ ống trúc (tre).
6. Bào (bọc): Âm thanh trái bầu làm đàn khi đánh tạo nên hoặc làm kèn của các dân tộc thiểu số chế tác từ vỏ quả bầu khô.
7. Cách: Âm thanh của miếng da thuộc căng ra, tạo tiếng kêu như trống cái, trống con, trống khẩu, trống chầu…
8. Mộc: Âm thanh của gỗ khi gõ như: phách, mõ, cồng.
Khái niệm bát âm, phường bát âm để chỉ âm nhạc truyền thống, nhưng ít khi người ta sử dụng đủ tám loại nhạc cụ. Nếu có phối âm chỉ dùng một vài loại như: kim, bào, cách dùng trong tang lễ hoặc nghi lễ cung đình. Các phường bát âm xưa thường hợp tấu những điệu có sẵn như lưu thủy, hành vân, nam ai, nam binh, tẩu mã, không phối soạn hòa tấu như dàn nhạc hiện đại ngày nay. Làng khuốc (h. Mỹ Hào) xưa có nhiều phường bát âm nổi tiếng, thường được mời đi phục vụ các đám hiếu ở khắp khu vực Bắc bộ.