Bún riêu thì hỏi cầu Tràng,
Bánh đúc cầu Cáp, khoai lang phố Từa
Làng Cáp thuộc tổng Hoàng Tranh, huyện Phù Cừ, nay thuộc xã Đoàn Đào cách cầu Cáp, chợ Cáp không xa. Chợ Cáp có bán bánh đúc, một thứ quà quê tạo hương vị ẩm thực nổi tiếng của huyện Phù Cừ. Nguyên liệu nấu bánh đúc gồm 10 đấu gạo tẻ chưa giã (gạo xay), lạc nhân 2 đấu, vừng 1 đấu. Cả hai thứ phụ gia lạc, vừng được rang lên bỏ vỏ, ủ lại, cộng với 2-3 bát đàn (1) nước vôi trong, lá gừng tươi (15-20 lá) giã nhỏ, lọc nước sôi.
Gạo xay vo, đãi hết mày trấu, đổ nước giếng đình vào vại ngâm 3 ngày, ba đêm (không ngâm trong dụng cụ bằng đồng). Sau một ngày, một đêm phải thay nước một lần. Khi lấy ngón tay xiết, gạo nhuyễn mềm, gạn nước chua, đổ ra rá cho ráo. Đặt rá lên chậu dùng gáo dừa xiết đi, xiết lại cho gạo thành bột. Bột lọt khe rá xuống chậu. Đổ nước khuấy đều, để lắng, gạn bỏ cấn sạn, cho bột vào nồi bắc lên bếp.
Nấu bánh đúc nên đun nhỏ lửa. Vừa đun, vừa dùng đũa cả ngoáy lên liên tục khi bánh chín. Thấy bột đặc, ngoáy nhanh tay không bánh khê. Bánh chín bột chảy thành dòng. Trước khi bắc nồi bánh, chế chút nước lá gừng, đổ ½ số vừng, lạc đã rang chín, ngoáy đều là được.
Bánh đúc đổ ra khuôn. Khuôn bánh là bát, đĩa, dần, sàng, nia mẹt, dưới lót lá chuối cho khỏi dính, sau đó rắc vừng lạc còn lại lên mặt bánh, tạo cảm giác hấp dẫn cho thực khách. Ăn bánh đúc với mắm tôm pha chanh ớt. Nếu thái bánh thành lát dài, nhỏ bốc lên bát chan riêu cua, ăn kèm rau ghém.
Bánh đúc cầu Cáp giòn, thơm, có hương vị riêng, thường bán ngoài chợ phiên, một tháng 15 phiên, vào các ngày 2, 4, 6, 8 và mồng 10 (âl)
1. Bát đàn: Bát dùng ăn cơm làm bằng đất nung không tráng men, nông hơn bát ăn cơm bây giờ.
Theo TĐVH Hưng Yên