Vai trò của báo chí, truyền thông trong thời đại số
Thứ bảy - 21/06/2025 11:21
Báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang là lực lượng chủ lực, tiên phong đi đầu trong đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu, tư tưởng sai trái, thù địch, phát hiện tiêu cực, lên án cái xấu; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong việc góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Ảnh minh họa
Là lực lượng tiên phong trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng
Báo chí là kênh truyền tải nhanh chóng, chính xác các nghị quyết, chính sách của Đảng, góp phần định hướng dư luận xã hội. Trong thời đại số, khi thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt, vai trò của báo chí chính thống càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các cơ quan báo chí không chỉ phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân một cách kịp thời, mà còn giúp người dân hiểu đúng bản chất, ý nghĩa và tính thực tiễn của các chính sách. Qua đó, báo chí góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời định hướng dư luận trước những luồng thông tin trái chiều hoặc xuyên tạc. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các cơ quan báo chí như: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, v.v… đã nhanh chóng vào cuộc. Nhanh chóng khẳng định vai trò của mình như: Đưa tin chính xác, đầy đủ về nội dung nghị quyết, làm rõ các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Phân tích đa chiều, qua các chuyên mục, tọa đàm, bài phản ánh, phỏng vấn chuyên gia nhằm giúp cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đúng, nhận diện rõ và tích cực tham gia thực hiện nghị quyết; Định hướng dư luận, tránh những hiểu lầm, xuyên tạc từ các thế lực thù địch để nói xấu nội bộ Đảng.
Báo chí đã góp phần lan tỏa các mô hình, tấm gương điển hình trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giúp chuyển hóa nhận thức thành hành động thực tiễn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thông tin đa chiều, việc hiểu đúng bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn của nền tảng tư tưởng là yếu tố cốt lõi để giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua các bài viết chính luận, phỏng vấn chuyên gia, chuyên mục giáo dục tư tưởng và lịch sử Đảng, các cơ quan báo chí đã truyền tải rõ ràng nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho những giá trị ấy trở nên gần gũi, dễ hiểu và thiết thực hơn với đông đảo người dân, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu đúng, đủ về nền tảng tư tưởng của Đảng – đó là Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, báo chí còn đóng vai trò phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc học thuyết cách mạng, từ đó củng cố trận địa tư tưởng vững chắc trong toàn xã hội.
Hội thảo khoa học quốc gia “100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc”.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Trong thời đại bùng nổ thông tin, các cơ quan báo chí chính thống giữ vai trò tuyến đầu trong việc chủ động nhận diện, bóc trần, phân tích và phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai lệch. Trước sự gia tăng của các hoạt động chống phá tư tưởng, nhất là trên không gian mạng, báo chí cách mạng đã không đứng ngoài cuộc mà trở thành lực lượng nòng cốt trong bảo vệ trận địa tư tưởng. Thông qua các bài viết phản biện sắc bén, có cơ sở lý luận vững chắc, báo chí đã vạch rõ bản chất và âm mưu của các thế lực thù địch khi cố tình bóp méo lịch sử, xuyên tạc đường lối của Đảng hoặc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí còn phối hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu để nâng cao tính thuyết phục và chiều sâu cho các bài viết phản bác. Không chỉ dừng ở việc phản ánh, báo chí còn định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và con đường phát triển xã hội chủ nghĩa mà đất nước đang theo đuổi. Ví như sự kiện hồi tháng 10/2023, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Báo VnExpress và TikTok Việt Nam phát động “Chiến dịch Tin” khuyến khích giới trẻ nâng cao nhận thức về tin giả, sáng tạo nội dung tích cực cho cộng đồng. Chiến dịch này bao gồm các hoạt động như cuộc thi sáng tạo nội dung “Anti Fake News” trên TikTok, với sự tham gia của nhiều bạn trẻ và người nổi tiếng, nhằm lan tỏa thông điệp “Tin trên mạng, tin cho đúng”.
Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, các cơ quan báo chí đã sử dụng các lập luận chặt chẽ, có căn cứ khoa học và chính trị vững vàng. Trước sự phức tạp của các luận điệu xuyên tạc, việc phản bác cảm tính, chung chung sẽ không đủ sức thuyết phục. Báo chí phải dựa vào các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam để xây dựng hệ thống lý lẽ sắc bén, logic, vừa thuyết phục về mặt tư tưởng, vừa chặt chẽ về mặt học thuật. Các bài viết lý luận cần lồng ghép những bằng chứng thực tiễn, thành tựu kinh tế - xã hội, minh chứng cụ thể cho đường lối đúng đắn của Đảng. Việc phản biện phải đi đôi với đối thoại, kiên quyết nhưng không cực đoan, góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời làm rõ sự phi lý, phản khoa học trong các luận điệu sai trái, thù địch. Một ví dụ tiêu biểu về bài phản biện sử dụng lập luận khoa học và chính trị để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bài viết “Phản biện xã hội – vai trò và sức mạnh của báo chí” đăng trên Tạp chí Ngân hàng ngày 01/7/2024 của TS. Nguyễn Minh Phong. Bài viết đã phân tích sâu sắc vai trò của báo chí trong việc thực hiện chức năng phản biện xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội và hệ sinh thái truyền thông trực tuyến. Tác giả nhấn mạnh rằng phản biện xã hội không chỉ là việc đưa ra ý kiến trái chiều mà còn là quá trình sử dụng các luận điểm, luận cứ chắc chắn, dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học và thực tiễn để giúp công chúng nhận thức vấn đề sâu hơn, đa chiều hơn. Điều này góp phần vào việc xây dựng chính sách công thực sự vì lợi ích chung, tránh bị lợi ích nhóm chi phối. Bài viết cũng đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phản biện xã hội của báo chí, như: Việc khuyến khích các cơ quan báo chí tổ chức diễn đàn, chuyên trang, chuyên mục để tập hợp ý kiến phản biện từ đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu và bạn đọc. Qua đó, chức năng phản biện xã hội của báo chí được xác lập rõ hơn, sâu sắc, đa dạng, đa chiều, nhanh nhạy, sắc sảo và hấp dẫn hơn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Một bài viết minh chứng rõ ràng cho việc sử dụng lập luận chặt chẽ, có căn cứ khoa học và chính trị để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời khẳng định vai trò không thể thiếu của báo chí trong việc phản biện xã hội và định hướng dư luận.
Lan tỏa thông tin tích cực, củng cố niềm tin vào Đảng, vào chế độ
Báo chí và truyền thông hiện đại có khả năng lan tỏa mạnh mẽ những điển hình tiên tiến và gương sáng đạo đức cách mạng, thông qua các tác phẩm báo chí đa dạng như bài viết, video, phóng sự, tọa đàm, và infographic. Các tác phẩm không chỉ phản ánh sinh động các mô hình, phong trào thi đua yêu nước mà còn thể hiện rõ hình ảnh những cán bộ tận tụy, gương mẫu trong công tác, sống và làm việc theo gương Bác Hồ. Các phóng sự truyền hình, bài viết chuyên sâu về những người cán bộ, đảng viên tiêu biểu, những chiến sĩ, những nhà khoa học, doanh nhân, các tấm gương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đã trở thành những thông điệp mạnh mẽ, khơi gợi lòng tự hào dân tộc và tiếp tục lan tỏa các giá trị đạo đức cách mạng. Tiêu biểu như bài viết “Cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội” của tác giả Hồ Quang Phương (Báo Quân đội Nhân dân ngày 28/02/2019) hay bài viết “Suy nghĩ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay” của tác giả Nguyễn Thế đăng trên Báo Hưng Yên điện tử ngày 24/01/2024…, đây là những bài viết đã giúp hình ảnh của những cá nhân mẫu mực trở thành nguồn cảm hứng cho công chúng, nhất là giới trẻ, trong việc phấn đấu rèn luyện đạo đức và chuyên môn.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, một thể loại báo chí mới - Infographic thường xuyên thiết kế nội dung về các mô hình, gương sáng hay video ngắn dễ tiếp cận trên các nền tảng số cũng là cách thức hiệu quả để truyền tải các giá trị tốt đẹp, xây dựng hình ảnh người cán bộ tận tụy, người chiến sĩ cách mạng trong lòng dân. Chính những tác phẩm này đã đóng góp không nhỏ vào việc củng cố lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời tạo nên một sức mạnh tinh thần mạnh mẽ trong xã hội.
Ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả truyền thông
Sử dụng mạng xã hội, nền tảng đa phương tiện để truyền tải thông tin nhanh, rộng khắp, nhất là với giới trẻ. Mạng xã hội và nền tảng đa phương tiện hiện nay đang chiếm vị trí quan trọng trong việc truyền tải thông tin nhanh chóng và rộng khắp. Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc tận dụng các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok, Instagram, Zalo… đã mở ra cơ hội lớn để các cơ quan báo chí truyền thông của Đảng và Nhà nước tiếp cận đối tượng trẻ tuổi một cách hiệu quả. Các video ngắn, hình ảnh động, Infographic hay Livestream đã trở thành công cụ phổ biến giúp thông tin lan tỏa nhanh chóng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, đồng thời tạo sự tương tác trực tiếp với cộng đồng mạng. Như, chiến dịch “Hành động vì môi trường” đã thành công nhờ sự sử dụng sáng tạo các nền tảng mạng xã hội để kêu gọi giới trẻ tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Các video ngắn, đồ họa sinh động và các hình thức trên TikTok đã thu hút hàng triệu lượt tham gia, tạo nên làn sóng hành động rộng khắp trong cộng đồng. Các chiến dịch như “Chống rác thải nhựa” hay “Hãy lên tiếng chống lại tin giả” cũng thành công khi tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để lan tỏa thông điệp, khuyến khích người dùng chủ động tham gia.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng đã triển khai các chương trình trực tuyến, nói chuyện trên Facebook, YouTube để tương tác với giới trẻ, cung cấp thông tin chính thống về các chính sách, chủ trương của Đảng, qua đó làm tăng khả năng tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời cho đối tượng này.
Nhờ sự linh hoạt và sức lan tỏa mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, thông tin được truyền tải không chỉ nhanh chóng mà còn có tính chất cá nhân hóa, dễ dàng thu hút sự quan tâm và tham gia của giới trẻ, giúp họ hiểu rõ hơn về các vấn đề xã hội, chính trị và các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, việc tạo ra các nội dung sáng tạo, hấp dẫn như video ngắn, infographic, podcast… là một chiến lược hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh truyền thông hiện đại. Những hình thức này không chỉ giúp thông tin dễ dàng tiếp cận mà còn dễ dàng ghi nhớ và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Từ những video ngắn như “Chuyến hành trình của một ý tưởng cách mạng” – Một video ngắn kể lại câu chuyện hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua hình ảnh động và âm nhạc sống động. Hay các video về những “gương sáng điển hình” trong cộng đồng thực hiện tốt các chính sách của Đảng, truyền tải thông điệp về các giá trị đạo đức cách mạng, tinh thần cống hiến và phục vụ nhân dân.
Các cơ quan báo chí đang dần thích ứng với chuyển đổi số.
Định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh thông tin đa chiều
Trong thời đại “nhiễu loạn thông tin” hiện nay, khi mà mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến cung cấp một lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày, báo chí chính thống giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc dẫn dắt công chúng, giúp họ nhận diện được đâu là thông tin thật, đâu là thông tin xuyên tạc. Các cơ quan báo chí chính thống, với vai trò là người bảo vệ sự thật và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và người dân, có nhiệm vụ quan trọng trong việc “gạn đục khơi trong” thông qua các phương thức kiểm chứng, phản biện và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời.
Cơ quan báo chí chính thống là những đơn vị có đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp, có khả năng kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Việc này giúp đảm bảo thông tin đưa ra là chính xác, đầy đủ và không bị sai lệch. Các bài viết phóng sự điều tra, hay các chương trình tường thuật từ hiện trường, luôn chú trọng đến việc xác minh nguồn tin trước khi đưa vào bài viết.
Báo chí chính thống không chỉ tiếp nhận và truyền tải thông tin mà còn thực hiện vai trò phản biện khi cần thiết. Những bài viết, chương trình truyền hình hay tọa đàm chuyên sâu sẽ phân tích, làm rõ các thông tin sai lệch, giúp người dân hiểu đúng sự thật. Ví dụ, các tờ báo như Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam hay Báo Thanh Niên… thường xuyên tổ chức các chuyên mục đấu tranh với các quan điểm sai trái, bóp méo sự thật.
Trong bối cảnh thông tin bị lẫn lộn, báo chí chính thống giúp công chúng tiếp cận với các thông tin chính xác và kịp thời từ các cơ quan nhà nước, giúp tạo dựng lòng tin đối với người dân. Ví như, trong các tình huống khẩn cấp như đại dịch COVID-19, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về các biện pháp phòng chống dịch và hướng dẫn cách phòng tránh bệnh. Báo chí chính thống không chỉ đóng vai trò trong việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời mà còn là công cụ xây dựng niềm tin và ổn định xã hội. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp và thông tin đa chiều, báo chí chính thống giúp duy trì sự ổn định bằng cách cung cấp các thông tin đáng tin cậy, thúc đẩy các giá trị tích cực và khuyến khích sự đồng thuận trong cộng đồng.
Cung cấp thông tin chính thống và minh bạch: Báo chí chính thống là nguồn cung cấp thông tin chính xác, rõ ràng, giúp người dân hiểu đúng về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi các thông tin được cung cấp một cách minh bạch, rõ ràng, nó giúp xây dựng niềm tin từ phía người dân vào hệ thống chính trị, vào các quyết định và hành động của Chính phủ. Ví dụ, trong các cuộc bầu cử hay các sự kiện chính trị quan trọng, báo chí chính thống giúp giải thích các quy trình và kết quả, giúp công chúng hiểu và tin tưởng vào hệ thống pháp lý và tổ chức của đất nước.
Khuyến khích các giá trị đạo đức xã hội và sự đồng thuận: Thông qua việc phản ánh các tấm gương sáng trong cộng đồng, báo chí góp phần lan tỏa các giá trị đạo đức, nhân văn, khuyến khích hành động vì cộng đồng. Những tấm gương cán bộ, đảng viên tiêu biểu, những hành động từ thiện, sự giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng sẽ làm gia tăng sự đoàn kết, đồng thuận xã hội, từ đó củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Những bài viết về các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, chăm sóc người nghèo… sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực, khuyến khích mọi người tham gia vào các phong trào xã hội.
Báo chí có vai trò, nhiệm vụ quan trọng cung cấp thông tin chính thống, góp phần định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận.
(Trong ảnh: Các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại Hội báo toàn quốc 2025)
Phản biện thông tin tiêu cực, xuyên tạc, giải quyết mâu thuẫn xã hội: Báo chí chính thống còn là công cụ để chống lại các thông tin xuyên tạc, sai lệch, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực, mâu thuẫn trong xã hội. Việc phản bác những quan điểm sai trái hoặc bóp méo sự thật giúp duy trì sự ổn định xã hội và bảo vệ hình ảnh của các tổ chức chính trị, giảm thiểu sự hoang mang trong cộng đồng. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích, làm rõ các vấn đề xã hội như chính trị, kinh tế, pháp luật, từ đó giúp giải quyết những mâu thuẫn và bất đồng trong xã hội.
Giới thiệu và phổ biến các sáng kiến xây dựng xã hội văn minh: Báo chí đóng vai trò truyền thông về các sáng kiến cải cách, các chính sách mới của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Những bài viết về các chương trình phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo vệ sức khỏe cộng đồng không chỉ giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của các chính sách, mà còn khuyến khích họ tham gia và hỗ trợ trong quá trình thực hiện. Một ví dụ minh họa khẳng định vai trò của báo chí trong xây dựng niềm tin của công chúng, như: “Cảm ơn cuộc đời” là chương trình thường niên mang thương hiệu của Đài truyền hình Việt Nam vào mỗi dịp cuối năm. Đây là khoảng thời gian mà con người thường muốn "sống chậm lại một chút" để suy ngẫm về câu chuyện của 1 năm cũ, tìm về những giá trị đích thực. Chương trình này là một ví dụ điển hình về việc xây dựng niềm tin và củng cố tinh thần đoàn kết. Các tấm gương điển hình trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, môi trường… đã truyền cảm hứng cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động xã hội, từ đó góp phần củng cố sự ổn định và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Báo chí ngoài vai trò chính trong công tác tuyên truyền mà còn là cầu nối vững chắc giữa các chính sách của Đảng, Nhà nước và người dân. Qua việc cung cấp thông tin chính thống, phản biện thông tin sai lệch và lan tỏa các giá trị tốt đẹp, báo chí giúp xây dựng niềm tin, củng cố sự đồng thuận và ổn định xã hội. Trong một thế giới thông tin ngày càng phức tạp, vai trò của báo chí trong việc duy trì sự ổn định và phát triển xã hội càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.