Báo chí và vấn đề kiểm chứng thông tin trước nạn tin giả

Thứ bảy - 21/06/2025 10:05
PV
 
Trong kỷ nguyên số, thông tin lan truyền với tốc độ ánh sáng. Nhưng cũng chính trong môi trường đó, tin giả, thông tin sai lệch, bóp méo sự thật, đang trở thành một vấn nạn toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng tới niềm tin xã hội, sự ổn định của các thiết chế dân chủ và cả an ninh quốc gia. Trước thực trạng ấy, báo chí không chỉ là nạn nhân mà còn là lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống tin giả, với vũ khí mạnh nhất chính là năng lực kiểm chứng thông tin.
bai 27 a

Tin giả, “virus” trong môi trường truyền thông hiện đại

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã khiến việc phát tán tin giả trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Sự phát triển của internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã làm thay đổi cuộc sống con người hàng ngày, hàng giờ. Các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram… có vai trò rất quan trọng, thu hút đông đảo công chúng tham gia. Chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet là người dùng có thể thoải mái bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân của mình lên trên mạng xã hội ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào mà không bị kiểm soát hoặc hạn chế. Theo báo cáo của Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam, tính đến tháng 01/2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng internet, tỷ lệ kết nối internet của Việt Nam ở mức 79,1% tổng dân số vào đầu năm 2024. Số người Việt Nam dùng mạng xã hội là 72,70 triệu người, tương đương với 73,3% tổng dân số. Phân tích của Kepios cho thấy người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã tăng thêm 6,5 triệu (tăng 9,8%) từ đầu năm 2023 đến đầu năm 2024. Về nhu cầu của người dùng mạng xã hội từ 16 - 64 tuổi rất đa dạng như: Để liên lạc với bạn bè, gia đình (55%), cập nhật tin tức (48,5), xem live stream (31,1%), tìm kiếm sản phẩm và mua bán trao đổi (29,6%)…

Từ đầu năm 2025 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, xác minh, đấu tranh, xử lý 80 trường hợp đăng tải tin, bài sai sự thật, lan truyền thông tin xấu độc trên mạng internet. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 20 trường hợp với số tiền gần 150 triệu đồng; răn đe, yêu cầu bóc gỡ bài viết và cam kết không tái phạm với 60 trường hợp. Gần 200 tin bài sai sự thật, có tính chất lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng đã được các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh bóc gỡ kịp thời.

Trường hợp được dẫn chứng ở trên chỉ là một phần nhỏ trong những vụ việc được các cơ quan chức năng xử lý trong thời gian vừa qua. Thực trạng tin giả, tin sai sự thật đang trở thành vấn nạn trên mạng xã hội hiện nay. Điều này đặt ra nhiều trọng trách lên các nhà hoạch định chính sách, pháp luật, nhà quản lý, cơ quan chức năng. Bởi tính tự do, thoải mái sáng tạo nội dung và khó phát hiện, kiểm soát của mạng xã hội. Hơn nữa, do không có cơ chế ngăn chặn từ đầu mà chỉ giải quyết khâu phát hiện, xử lý nên chưa loại bỏ được thông tin giả, sai sự thật ra khỏi môi trường mạng xã hội.

Báo chí: Tuyến đầu kiểm chứng và làm sạch thông tin

Nếu tin giả là “virus” của thời đại thông tin, thì báo chí chính thống chính là “lá chắn” đầu tiên và hiệu quả nhất để nhận diện, bóc tách và ngăn chặn sự lây lan của loại virus đó. Trong môi trường truyền thông ngày càng phi tuyến tính, báo chí không chỉ đưa tin, mà còn là cơ quan kiểm chứng, phân tích, phản biện và dẫn dắt dư luận.


Trong các vụ việc như trên, báo chí chính thống đã vào cuộc nhanh chóng để xác minh và làm rõ thông tin, từ đó trấn an dư luận. Điển hình như Báo Nhân Dân, VietnamPlus, VTV, VOV… và các trang tin chính thống, có uy tín đã đồng loạt đưa tin đính chính, kèm theo phát biểu chính thức từ lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Không chỉ phản bác thông tin giả, các cơ quan báo chí còn phân tích hậu quả của tin giả và nâng cao nhận thức cho người dân về kiểm chứng thông tin.

Nhiều tòa soạn hiện nay đã thành lập các nhóm chuyên trách về kiểm chứng thông tin. Đơn cử, Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam (ANTI FAKE NEWWS - tingia.gov.vn) một giải pháp chống tin giả, tin xấu độc của Bộ Thông tin Truyền thông (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), đã xác minh hàng trăm tin giả, tin sai sự thật mỗi năm, công khai kết quả và cách thức kiểm chứng để người đọc hiểu rõ quá trình.

Kiểm chứng thông tin, vốn là nguyên tắc đạo đức cơ bản trong nghề báo, nay càng trở nên quan trọng và mang tính chiến lược. Đối mặt với lượng thông tin khổng lồ được đăng tải mỗi ngày, cùng sự phổ biến của các công cụ chỉnh sửa, giả mạo (deepfake, AIgenerated content), nhà báo không thể chỉ dựa vào trực giác hay kinh nghiệm. Kiểm chứng giờ đây là một quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, yêu cầu phối hợp giữa kỹ năng tác nghiệp truyền thống và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Trong thực tiễn tác nghiệp, các nhà báo phải thực hiện nhiều bước để đảm bảo thông tin chính xác: từ kiểm tra chéo nguồn tin, liên hệ trực tiếp với nhân vật, đối chiếu văn bản gốc, cho đến truy vết lịch sử nội dung trên các nền tảng mạng xã hội hoặc website. Những công cụ như Google Reverse Image Search, InVID, hay Whois trở thành “trang bị cơ bản” giúp phóng viên xác minh hình ảnh, video, hay xuất xứ của một trang tin lạ.

Không chỉ phản bác tin giả, báo chí còn đóng vai trò “gạn đục khơi trong”, đưa ra các bài viết giải thích, phân tích bối cảnh để người dân hiểu được toàn cảnh sự việc, từ đó nâng cao khả năng tự kiểm chứng. Những mục chuyên sâu như “Giải mã thông tin” (Báo điện tử Dân trí), “Thật - Giả” (Báo Tuổi Trẻ), hay các bản tin “Check Fact” trên sóng VTV đã cho thấy một hướng đi mới của báo chí hiện đại: không chỉ đưa tin, mà còn giáo dục truyền thông (media literacy) cho cộng đồng.

Tuy vậy, trong cuộc chiến không cân sức này, báo chí vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một mặt là áp lực cạnh tranh thông tin “nhanh - nóng - sốc” trong môi trường mạng khiến một số cơ quan sa đà vào “giật tít”, “đưa trước - sửa sau”. Mặt khác là sự suy giảm niềm tin của một bộ phận công chúng khi chưa phân biệt được giữa báo chí chính thống và các trang tin giả mạo có giao diện tương tự. Để khẳng định vai trò của mình, báo chí cần kiên định hơn nữa với chất lượng nội dung, độ tin cậy và tinh thần trách nhiệm.

 Báo chí không thể làm sạch môi trường thông tin một mình. Vai trò tuyến đầu chỉ phát huy hiệu quả khi được hỗ trợ bởi hệ thống pháp lý minh bạch, sự hợp tác từ các nền tảng số và đặc biệt là sự đồng hành của công chúng tỉnh táo, có kỹ năng tiếp nhận thông tin hiện đại. Trong thời đại AI có thể tạo nên một “sự thật giả”, thì báo chí, với bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp và sự trung thành với sự thật, chính là “ngọn đèn pha” chiếu rọi vào những vùng tối của tin giả.
bai 27 b
Nâng cao năng lực kiểm chứng: Yêu cầu cấp thiết trong đào tạo và hành nghề báo chí

Không thể phủ nhận: tin giả hiện nay ngày càng tinh vi, có thể giả mạo cả văn bản hành chính, phát ngôn chính khách, hoặc dựng o video giả trông như thật. Trước nguy cơ đó, các nhà báo cần không ngừng nâng cao năng lực kiểm chứng thông tin bằng các công cụ chuyên dụng như InVID, Google Fact Check Tools, hoặc TinEye để truy vết hình ảnh và nguồn gốc nội dung.

Việc giảng dạy kỹ năng kiểm chứng thông tin số đã được tích hợp vào chương trình chính khóa của Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM kể từ năm 2022. Điều này cho thấy sự quan tâm và chủ động của trường trong việc trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối phó với thông tin sai lệch và tin giả trong thời đại số. Chương trình chính khóa này giúp sinh viên phát triển khả năng đánh giá và phân tích thông tin, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kiểm tra và xác minh thông tin trước khi chia sẻ hoặc tin tưởng.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế như Google News Initiative, UNESCO… đã phối hợp tổ chức các khoá huấn luyện cho nhà báo Việt Nam, phát miễn phí sổ tay “Giáo dục và đào tạo báo chí” trong đó cung cấp nhiều kiến thức, kỹ thuật phát hiện tin giả, tin xuyên tác, cách tiếp cận công chúng để phổ biến kỹ năng “tiêu dùng thông tin”... nhằm cung cấp những nguồn lực tri thức hiện đại nhất về “Tin giả và tin xuyên tạc”.

Báo chí sẽ trở thành “ngọn hải đăng” của sự thật. Giữa muôn trùng tin nhiễu, báo chí cần kiên định vai trò dẫn dắt - không chạy theo lượt view mà bỏ qua yếu tố xác thực. Sự thật cần được bảo vệ bằng trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức báo chí và bản lĩnh chính trị của người làm báo.

Cuộc chiến chống tin giả không chỉ là trách nhiệm của riêng báo chí. Các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm hành vi phát tán thông tin sai sự thật. Các nền tảng mạng xã hội phải chủ động phối hợp gỡ bỏ nội dung giả mạo, chặn quảng bá tin sai. Và trên hết, công chúng cần được trang bị kỹ năng nhận diện và chọn lọc thông tin - vì mỗi người đọc cũng là một “người gác cổng” thông tin trong kỷ nguyên số.

 

nguồn: Đặc san Người làm báo Hưng Yên số đặc biệt (phát hành tháng 6/2025)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây