THANH NGUYỄN
Trong bối cảnh quy hoạch báo chí hiện nay đang được đẩy mạnh trên phạm vi toàn quốc, nhiều cơ quan báo chí đã và đang thực hiện việc sáp nhập, tinh gọn tổ chức và chuyển đổi mô hình hoạt động. Một thực tế không thể phủ nhận là mô hình tòa soạn mới: tích hợp đa phương tiện, sản xuất nội dung cho đa nền tảng, đang đòi hỏi đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải được đào tạo, tái đào tạo toàn diện, nhằm không chỉ bắt kịp công nghệ mà còn thay đổi tư duy làm báo truyền thống. Đây là bài toán cấp thiết, sống còn, liên quan trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Thách thức từ mô hình mới
Việc tổ chức lại các cơ quan báo chí không đơn thuần là thay đổi về mặt hành chính, mà là một cuộc cách mạng trong mô hình tổ chức và vận hành tòa soạn. Một cơ quan báo chí hợp nhất có thể phải đảm nhiệm đồng thời việc xuất bản báo in, báo điện tử, tổ chức sản xuất tin bài, video, podcast, tik tok, tương tác mạng xã hội… Điều đó đòi hỏi mỗi người làm báo không còn đơn thuần là “phóng viên viết bài” hay “biên tập viên chỉnh sửa”, mà phải trở thành người sản xuất nội dung đa phương tiện, am hiểu công nghệ, có tư duy dữ liệu và nhạy bén với xu hướng truyền thông số.
Trong khi đó, lực lượng làm báo hiện nay phần lớn được đào tạo theo mô hình truyền thống: phóng viên viết bài, biên tập viên sửa bản thảo, ít người có khả năng quay, dựng video, xử lý ảnh, làm đồ họa thông tin hay tối ưu hóa nội dung cho các nền tảng số. Sự lệch pha giữa năng lực hiện có và yêu cầu của mô hình mới đang tạo ra khoảng trống lớn, nếu không nhanh chóng được lấp đầy bằng đào tạo và tái đào tạo, thì sẽ dẫn đến hệ lụy chất lượng báo chí đi xuống, tòa soạn rơi vào trì trệ.
Tái đào tạo: Không chỉ là học kỹ năng
Trong quá trình chuyển đổi, nhiều cơ quan báo chí đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng quay, dựng clip, làm video ngắn, sử dụng mạng xã hội, quản lý nội dung số… Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đào tạo kỹ thuật thì chưa đủ. Điều quan trọng hơn là phải tái cấu trúc tư duy làm báo, từ cách đặt vấn đề, lựa chọn đề tài, khai thác thông tin, tổ chức sản xuất đến cách tiếp cận công chúng.
Người làm báo hiện nay không chỉ phục vụ độc giả truyền thống, mà còn phải hiểu khán giả số - những người có thói quen tiêu thụ nội dung nhanh, ngắn, trực quan, tương tác mạnh. Điều đó đòi hỏi sự thay đổi từ chính tư duy báo chí, từ “viết cho tòa soạn” sang “làm nội dung cho công chúng”, từ “sản phẩm hoàn chỉnh” sang “quá trình lan tỏa”.
Ngoài ra, việc tái đào tạo cần hướng tới khả năng làm việc nhóm, phối hợp theo quy trình hội tụ, nơi phóng viên, biên tập viên, quay phim, đồ họa, kỹ thuật số… cùng tham gia sản xuất một sản phẩm chung, thay vì làm việc độc lập, rời rạc như trước đây.
Nhà quản lý phải là người dẫn dắt
Đào tạo lại đội ngũ không thể thành công nếu thiếu vai trò dẫn dắt, chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu cơ quan báo chí. Trước hết, lãnh đạo tòa soạn cần có tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi mô hình hoạt động; từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo bài bản, lâu dài, tránh tình trạng “dạy cho có” hoặc “đào tạo phong trào”.
Bên cạnh việc tổ chức các lớp học tại chỗ, cần mạnh dạn cử phóng viên, biên tập viên đi học tại các trung tâm đào tạo uy tín trong nước hoặc hợp tác quốc tế. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế khuyến khích học tập suốt đời, tạo điều kiện cho nhà báo tự bồi dưỡng kỹ năng số, kỹ năng ngôn ngữ, dữ liệu, pháp luật, ngoại giao…
Người quản lý giỏi không chỉ là người biết phân công công việc hiệu quả, mà còn là người biết phát hiện và phát triển nhân lực báo chí, tạo ra môi trường đổi mới và không ngại cái mới.
Giải pháp đồng bộ và linh hoạt
Để công tác đào tạo, tái đào tạo thực sự phát huy hiệu quả, cần những giải pháp đồng bộ và linh hoạt: Xây dựng chuẩn năng lực mới cho từng vị trí công việc, gắn đào tạo với tiêu chí đánh giá, bổ nhiệm và khen thưởng; Kết hợp đào tạo lý thuyết với thực hành trong môi trường thực tế, thông qua các dự án nội dung mới, thử nghiệm mô hình tổ chức nhóm hội tụ; Ứng dụng công nghệ đào tạo trực tuyến, giúp tiết kiệm chi phí, mở rộng đối tượng học tập, tăng tính linh hoạt; Phối hợp với các cơ sở đào tạo báo chí, các doanh nghiệp công nghệ truyền thông để xây dựng chương trình sát thực tiễn, cập nhật xu hướng toàn cầu.
Chuyển đổi mô hình hoạt động báo chí không thể thành công nếu thiếu đội ngũ phù hợp. Để đạt được mục tiêu trong chuyển đổi số báo chí, việc đào tạo và tái đào tạo phóng viên, biên tập viên không chỉ là yêu cầu nhất thời, mà phải trở thành một chiến lược phát triển lâu dài, gắn với mỗi bước chuyển đổi của tòa soạn. Chỉ khi người làm báo được trang bị đầy đủ kỹ năng, tư duy và công cụ hiện đại, thì các mô hình báo chí đa phương tiện mới có thể thực sự hội nhập và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
nguồn: Đặc san Người làm báo Hưng Yên số đặc biệt (phát hành tháng 6/2025)