Phỏng vấn - Kỹ năng vàng của nhà báo thời đại số

Thứ bảy - 21/06/2025 09:22
NGỌC BÍCH
 
Trong guồng quay thông tin không ngừng nghỉ, phỏng vấn không chỉ là một thể loại báo chí quan trọng mà còn là kỹ năng hàng đầu, không thể thiếu của người làm báo chuyên nghiệp để khai thác thông tin một cách hiệu quả nhất.

Vì sao lại như vậy? Bởi lẽ, hoạt động phỏng vấn cho phép chúng tôi, những người làm báo, giao tiếp sâu sắc, hiệu quả. Đó là cầu nối để khai thác những nguồn thông tin giá trị, là phương tiện để giúp nhân vật bộc lộ trọn vẹn quan điểm, cảm xúc của họ trước công chúng.
bai 24

Đặc biệt, trong bối cảnh "thật giả lẫn lộn", phỏng vấn góp phần then chốt vào việc nâng cao tính chân thực và khách quan của mọi tác phẩm báo chí. Nhờ phỏng vấn, công chúng được tiếp cận lượng thông tin khách quan nhất từ chính những người trong cuộc. Đây là lý do vì sao mỗi khi có chủ trương, chính sách mới, những vấn đề hay sự kiện có nhiều ý kiến trái chiều, thể loại phỏng vấn luôn được ưu tiên sử dụng để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, góp phần định hướng dư luận xã hội.

 Để có được một bài phỏng vấn thực sự thành công, mang lại hiệu quả như mong đợi, không chỉ đơn thuần là đặt câu hỏi, ghi hình, ghi âm mà còn có rất nhiều yếu tố quyết định sự thành công này.

Trước hết, chính người phóng viên phải là người có nền tảng tri thức vững vàng, vốn sống phong phú, sự hoạt ngôn, năng động, trí tuệ cùng kỹ năng nghề nghiệp điêu luyện. Việc lựa chọn đúng chủ đề cũng mang ý nghĩa quyết định, chủ đề càng rõ ràng, càng cụ thể càng dễ khai thác và hấp dẫn. Phóng viên cần nắm vững kiến thức về vấn đề định phỏng vấn, tìm đúng đối tượng là người trực tiếp liên quan và am hiểu sâu sắc.

Để có một bài phỏng vấn đúng, trúng và nhanh gọn phóng viên phải chuẩn bị nội dung phỏng vấn, chuẩn bị thông tin cơ bản về vấn đề, về người được phỏng vấn trước khi bắt tay vào thực hiện là không thể bỏ qua.

Kỹ năng cốt lõi, được coi là quyết định 90% thành công của tác phẩm phỏng vấn, nằm ở khả năng đặt câu hỏi. Những câu hỏi phải rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, tránh sự chung chung. Bắt đầu bằng câu hỏi nhẹ nhàng, thân thiện để tạo sự đồng cảm. Cần tránh câu hỏi quá dài, có nhiều hơn một ý hoặc câu hỏi đóng chỉ có sự hai sự lựa chọn: "có" hoặc "không". Thay vào đó, hãy sử dụng những câu hỏi gợi mở để khuyến khích nhân vật bộc lộ. Tuyệt đối không lạm dụng thuật ngữ khó hiểu hoặc từ đa nghĩa.

Trong quá trình phỏng vấn, sự linh hoạt và tự chủ của phóng viên là vô cùng quan trọng. Dù đã có đề cương phỏng vấn, nhưng không nên cứng nhắc áp dụng theo. Hãy biết lắng nghe, thu nhận thông tin mới và sẵn sàng dẫn dắt cuộc phỏng vấn theo hướng mới mẻ nếu có những chi tiết thú vị phát sinh. Duy trì sự logic, gắn kết giữa các câu hỏi và câu trả lời cũng là một yếu tố tạo nên mạch lạc cho bài viết sau này.

Trong phỏng vấn báo chí thì phỏng vấn truyền hình có những đặc điểm khác biệt so với phỏng vấn trên các loại hình báo chí khác. Phỏng vấn truyền hình là cuộc trò chuyện “nguyên chất”. Nếu cuộc phỏng vấn được truyền hình trực tiếp thì không còn nghi ngờ gì nữa ở tính “nguyên chất” của nó. Chính vì vậy mà phỏng vấn truyền hình có độ tin cậy cao đối với công chúng, nếu so sánh với các loại hình phỏng vấn khác.

Có nhiều lựa chọn về bối cảnh đối với người làm phỏng vấn truyền hình. Có thể phỏng vấn nhân vật trong khung cảnh làm việc của họ, như: nông dân trong vườn cây, bác sĩ trong phòng khám… Có thể sắp đặt trường quay và nền phù hợp nội dung câu chuyện.

Phỏng vấn trên truyền hình cũng là nơi có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách hữu dụng. Những cử chỉ mỉm cười, gật đầu, tỏ ra ngạc nhiên, thán phục, xúc động, băn khoăn… đều có giá trị như một câu hỏi phụ đối với nhân vật. Nhiều nhà báo kinh nghiệm cho rằng đôi khi im lặng cũng là một dạng câu hỏi. Khi nhân vật có vẻ như nói xong rồi, mà thấy nhà báo vẫn im lặng như thể muốn lắng nghe thêm, rất có thể nhân vật sẽ bổ sung thêm vài ý quan trọng nữa. Nếu nhân vật có những lúc rơi vào diễn đạt rối rắm, không rõ ý, nhà báo có thể đỡ lời, gợi ý từ ngữ nào thích hợp, ví dụ: “Có phải ý ông là…”.

 Rõ ràng, phỏng vấn là một kỹ năng khó. Nó đòi hỏi người làm báo thời đại số phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và vốn sống suốt cả sự nghiệp. Mỗi cuộc phỏng vấn thành công đều là một bài học quý giá, giúp phóng viên ngày càng hoàn thiện trên con đường chinh phục nghề báo đầy thách thức.

 
nguồn: Đặc san Người làm báo Hưng Yên số đặc biệt (phát hành tháng 6/2025)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây