PHƯƠNG LAN
Trách nhiệm, vai trò của một biên tập viên truyền hình là đảm bảo chất lượng nội dung và hình thức các chương trình trước khi lên sóng. Từ việc xây dựng ý tưởng, maket chương trình, sự kiện, đến thu thập tin tức, biên tập nội dung, kiểm soát hình ảnh, âm thanh… đến việc đọc và dẫn chương trình. Làm thế nào để truyền tải những nội dung, chương trình đó đến khán giả một cách dễ hiểu nhất là nhiệm vụ các biên tập viên.

Từ một người dẫn chương trình (MC) khi chuyển sang làm công việc của một biên tập viên (BTV) giúp tôi có nhiều trải nghiệm mới. Những kinh nghiệm và kỹ năng tích lũy được với vai trò là MC dẫn dắt đa dạng các chương trình, sự kiện đã giúp tôi tiếp cận nhiệm vụ của một biên tập viên thuận lợi hơn, nhưng không hẳn không gặp những khó khăn, áp lực. Bởi biên tập viên là người chịu trách nhiệm gần như toàn bộ đối với các tác phẩm, bản tin hay chương trình mình đảm nhiệm.
Nếu MC là người có khả năng diễn đạt rõ ràng, trôi chảy sẽ là một lợi thế khi chuyển sang viết lời dẫn, biên tập nội dung, thậm chí hướng dẫn đồng nghiệp cũng dễ dàng hơn.
Một MC có nhiều trải nghiệm tương tác với khán giả, sẽ có cái nhìn tinh tế hơn về thị hiếu, nhu cầu thông tin của độc giả. Tiếp xúc với nhiều thể loại văn bản, nhiều thể loại tin, bài, loại hình báo chí khác nhau sẽ giúp công việc biên tập nội dung phù hợp, dễ hiểu hơn, chắt lọc thông tin để tác phẩm hấp dẫn hơn. Từ kinh nghiệm dẫn dắt các chương trình, sự kiện trên sân khấu hoặc trong trường quay giúp MC hiểu rõ quy trình sản xuất các chương trình, từ đó giúp phối hợp tốt hơn, ăn ý hơn với quay phim, đạo diễn, kỹ thuật trong quá trình biên tập.
Khi tham gia dẫn các chương trình thuộc lĩnh vực thời sự, tin tức hoặc talkshow, MC sẽ có tư duy nhạy bén hơn với các loại hình báo chí, có kỹ năng chọn lọc, đánh giá thông tin - đây chính là yêu cầu quan trọng đối với người làm biên tập chương trình. Giúp nắm rõ cấu trúc chương trình, cách sắp xếp, xây dựng nội dung theo cụm, theo chủ đề, theo vấn đề từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… hấp dẫn từ đầu đến cuối, nên khi làm BTV sẽ dễ dàng thiết kế maket, format chương trình hoặc biên tập nội dung viết lời dẫn kết nối hiệu quả, phù hợp...
Đó là những thuận lợi khi các MC tiếp cận công việc của một BTV. Bên cạnh đó, chắc chắn cũng sẽ gặp phải những khó khăn. Ngược lại, công việc của một biên tập viên lại cần phải có khả năng tư duy nội dung, chọn lọc thông tin, biên soạn kịch bản, viết và hiểu biết sâu về các lĩnh vực chuyên môn như: Thời sự, văn hóa, giải trí…
Phải làm quen với tư duy chủ động sản xuất nội dung thay vì chỉ thể hiện đọc lời. Biên tập viên phải chịu áp lực công việc cao hơn - phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, độ tin cậy, số liệu, chức danh và tính hiệu quả của toàn bộ nội dung chương trình đăng tải. Một sai sót trong biên tập có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về mặt pháp lý, đạo đức nghề nghiệp hoặc hình ảnh cơ quan, đơn vị.
Một biên tập viên phải học cách kiểm chứng thông tin kỹ lưỡng, chịu trách nhiệm về sản phẩm cuối cùng. Về thời gian và khối lượng công việc với biên tập viên thường phải thực hiện nhiệm vụ lên khung, lựa chọn thông tin và chỉnh sửa nội dung trước khi chuyển tới êkip thực hiện. Chính vì phải chịu nhiều áp lực: thời gian hoàn thành, thời gian lên sóng…
Ví dụ như với bản tin thời sự tổng hợp 15 phút “Bản tin 18h30” phát sóng vào 18h30’ hàng ngày, gồm: tin trong tỉnh, trong nước và quốc tế hàng ngày trên sóng Truyền hình Hưng Yên, để hoàn thành nhiệm vụ biên tập bản tin này, tôi cùng ê kíp phải lên kế hoạch thực hiện đủ cho 15 phút lên sóng. Từ bố cục bản tin với nhiều thông tin nhất, mới nhất, hấp dẫn nhất, những vấn đề công chúng đang quan tâm, đảm bảo đúng định hướng tuyên truyền. Biên tập ngắn gọn, dễ hiểu, tiết tấu nhanh, linh hoạt cả lời dẫn đến nội dung tạo được điểm nhấn.
BTV ngày nay luôn có áp lực phải liên tục cập nhật theo guồng quay tin tức, luôn luôn phải làm mới mình, phải trang bị cho mình những kiến thức mới, phải học hỏi để thích nghi với những định hướng truyền thông mới. Từ một MC, muốn trở thành một BTV, theo quan điểm cá nhân tôi, cần phải đáp ứng một số yêu cầu: Phải có khả năng tư duy nội dung, chọn lọc, chỉnh sửa, tổ chức và viết lại tin, bài cho phù hợp với phong cách và định hướng của kênh. Không ngừng trang bị kiến thức, am hiểu các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… để đánh giá và xử lý thông tin. Phải có kỹ năng phân tích thông tin để nắm phân loại đâu là thông tin quan trọng, đâu là tin không phù hợp, đảm bảo yếu tố nhanh, kịp thời. Kiểm duyệt thông tin bảm bảo nội dung đúng, đủ, khách quan, không vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Luôn cập nhật kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Biết sử dụng mạng xã hội, hiểu tâm lý, thị hiếu của khán giả để điều chỉnh nội dung tuyên truyền cho phù hợp… Khi hội tụ đủ những yếu tố đó cùng sự đam mê sáng tạo, chắc chắn bạn sẽ là một BTV thành công.
nguồn: Đặc san Người làm báo Hưng Yên số đặc biệt (phát hành tháng 6/2025)