Hiệu quả từ những bài báo phản ánh hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Thứ bảy - 21/06/2025 09:07
 
NGUYỄN LÝ
 
Thời gian qua, với sự tinh vi của những đối tượng lừa đảo công nghệ thông qua nhiều hình thức khác nhau, đã có không ít nạn nhân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên bị chiếm đoạt số tiền không hề nhỏ. Nhiều nhà báo ngay khi nhận được thông tin đã tiếp cận, đưa tin cảnh báo kịp thời và tìm chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp giúp người dân bảo vệ an toàn tài sản. Nhờ các bài báo mang tính cảnh giác này, đã giúp nạn nhân, người dân hiểu và nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài sản tốt hơn.

“Mất tiền - Được tình”

Đây là câu nói của chị Trịnh Thị T. ở phường An Tảo, TP Hưng Yên sau một tuần bị một đối tượng gọi điện lừa mất gần 100 triệu đồng trong tài khoản. Cũng như rất nhiều nạn nhân khác, ngay khi bị mất tiền, chị T rất hoảng sợ và luôn tự trách bản thân mình. Khi phóng viên của Báo Hưng Yên tiếp cận và xin đưa tin, chị liên tục từ chối: “Tôi thấy bản thân đã ngu ngốc lắm rồi. Tôi không muốn đưa tin để rồi bị mọi người chỉ trỏ, bàn tán, mất danh dự”- chị T. nói.
bai 22 1

Thế nhưng sau một ngày kiên nhẫn động viên cũng như phân tích những hiệu quả của việc đưa tin cảnh báo lừa đảo kịp thời tới người dân, chị T. đã đồng ý cho phóng viên làm tin về mình. Chỉ vài ngày sau khi tin truyền hình “Lừa đảo giả danh ngân hàng, nạn nhân mất gần 100 triệu đồng” được phát sóng trong bản tin thời sự tối ngày 09/05/2025, phóng viên đã nhận được những phản hồi tích cực từ chính nạn nhân và người dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khi bản tin vừa lên sóng, một người quen của chị T. cũng đang bị đối tượng lừa đảo với cùng một hình thức: giả danh ngân hàng, hỗ trợ kiểm tra thẻ gọi tới: “Chị bạn tôi cũng đang bị đối tượng gọi điện dẫn dắt, thì anh chồng ngồi bên cạnh xem được tin trên truyền hình Hưng Yên. Anh nhanh chóng ra hiệu cho chị cúp máy ngay trước khi chị định đọc mã số OTP vừa được chuyển về máy điện thoại của nạn nhân. Dù không biết nạn nhân được đưa tin là tôi, do phóng viên đã che mờ mặt. Nhưng việc đưa ra những bằng chứng bị lừa đảo xác thực, cùng với ý kiến cảnh báo của đại diện ngân hàng mà phóng viên đưa kèm đã giúp người bạn của tôi thoát nạn. Khi tôi chia sẻ chân thành nạn nhân đó là tôi, họ đã ôm chặt tôi động viên và cảm ơn tôi vì đã dám đưa tin cảnh báo như vậy”.

 Anh Trần Minh T - chồng chị T. ban đầu cũng là người phản đối việc chị cho phóng viên ghi hình vì nghĩ rằng “xấu hổ, mất danh dự”. Nhưng sau khi bình tâm lại, đồng thời nghe được những câu chuyện bị lừa của nhiều nạn nhân khác mà phóng viên chia sẻ, anh đã ngừng trách móc và chuyển sang động viên vợ. Đồng thời, anh chị cũng được phóng viên hướng dẫn di chuyển tới ngân hàng để bảo mật lại tài khoản cá nhân của mình. Anh chia sẻ: “Ban đầu tôi khá cực đoan, thậm chí còn nghĩ đã mất hết rồi, ra ngân hàng cũng không lấy lại được. Thế nhưng sau đó nhờ được phóng viên Báo Hưng Yên hướng dẫn, tôi đã hiểu, việc cần thiết phải ra ngân hàng để nhân viên xử lý nghiệp vụ, đảm bảo an toàn tài khoản cho chủ sở hữu, tránh bị lừa lần sau”.

Thoát khỏi tay lừa đảo nhờ “chăm” xem truyền hình Hưng Yên

Trên thực tế, các đối tượng công nghệ cao có rất nhiều thủ đoạn giả danh cán bộ, cơ quan nhà nước, hoặc giả danh shipper, người thu tiền điện… các thủ đoạn biến hóa khôn lường, theo từng giai đoạn. Thế nhưng với sự nhạy bén, nhiều phóng viên của Báo Hưng Yên đã cập nhật và liên tục đưa ra những phân tích, những cảnh báo từ phía các chuyên gia bảo mật công nghệ thông tin, các đại diện ngân hàng, đại diện cơ quan pháp luật… Nhờ đó, nhiều người dân đã nâng cao nhận thức và đề cao tinh thần cảnh giác.

 Chị Trương Bích Ngọc, ở phường Hiến Nam, TP Hưng Yên là một khán giả thường xuyên của kênh truyền hình Hưng Yên, chia sẻ: “Giai đoạn các đối tượng liên tục giả danh công an phường cập nhật căn cước công dân, do đã được xem những tin về phòng chống tội phạm công nghệ cao trên truyền hình Hưng Yên nên tôi đã biết cách từ chối các cuộc gọi đó. Ngoài việc từ chối, tôi còn chia sẻ kinh nghiệm bổ ích đó với nhiều người thân phải cảnh giác trước những hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân”.

Còn với chị Đoàn Tuyết Mai, ở xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, nhờ hay xem tin trên Fanpage của truyền hình Hưng Yên mà chị đã “thoát” khỏi tay lừa đảo tinh vi của tội phạm công nghệ cao: “Họ gọi thông báo gia đình tôi chưa đóng tiền điện tháng này và dọa sẽ bị cắt điện. Ban đầu tôi cũng đã tưởng thật và trình bày rõ bản thân có nộp tiền rồi. Sau đó họ an ủi và hướng dẫn tôi kiểm tra lại tài khoản ngân hàng… Nhưng tôi nhớ tới những tin tức về cảnh báo lừa đảo đã xem trên Fanpage Truyền hình Hưng Yên… nên đã từ chối và xin phép để mình tự ra điện lực nhờ nhân viên kiểm tra lại. Ngay sau khi từ chối, đối tượng lừa đảo đã bực bội và chửi tôi… Còn tôi thì cười rất tươi vì biết mình vừa thoát khỏi vụ lừa đảo tinh vi này”.

Trong xã hội hiện đại, tội phạm công nghệ cao xuất hiện rất nhiều với các thủ đoạn tinh vi. Đối với các chuyên gia về an ninh, bảo mật, việc làm sao để ngăn chặn các đối tượng lừa đảo lấy trộm được số điện thoại, thông tin cá nhân người dùng hiện còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Do đó, việc tuyên truyền giúp người dân tự có ý thức cảnh giác, bảo vệ tài khoản cá nhân là việc làm hữu ích. Ông Đào Ngọc Quỳnh, nguyên chuyên gia tư vấn an ninh bảo mật của Cty M.Tech Việt Nam chia sẻ: “Việc các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường đưa các thông tin cảnh báo lừa đảo giúp cho chúng tôi - những người làm bảo mật tiếp cận được với công chúng tốt hơn. Đưa được nhiều thông tin cảnh báo hữu ích hơn tới đông đảo người dân thay vì chúng tôi tự cảnh báo. Điều này vô cùng quan trọng, bởi người dân hiểu và biết được các loại hình lừa đảo, tại sao lại có tình trạng đó, giải pháp là gì… sẽ giúp họ nâng cao cảnh giác, tự biết bảo vệ mình và người thân tốt hơn”.

Có thể nói, việc tiếp cận với các nạn nhân bị mất khoản tiền lớn, thuyết phục họ đồng ý cho tiếp cận thông tin là rất khó khăn. Bởi thời điểm đó họ vừa hoảng sợ, vừa xấu hổ và lo mất danh dự. Nhưng bằng những biện pháp nghiệp vụ, sự đồng cảm, thấu hiểu, chúng tôi - những nhà báo đã thuyết phục được rất nhiều nạn nhân chấp nhận hợp tác, chia sẻ. Và thực tế cho thấy, đằng sau những tin, bài phản ánh lừa đảo đã khẳng định được thông điệp nhân văn: về tình người, về mong muốn giúp đỡ nhiều người dân thoát khỏi những “ma trận” lừa đảo, tránh tiền mất, tật mang.


 
nguồn: Đặc san Người làm báo Hưng Yên số đặc biệt (phát hành tháng 6/2025)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây