THANH SƠN
Trong gần 30 năm làm báo, có một vinh dự đặc biệt mà tôi không thể nào quên, đó là lần đầu tiên được tác nghiệp ở nước ngoài, trong chuyến công tác cùng đoàn lãnh đạo tỉnh Hưng Yên do đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, sang thăm và tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hưng Yên tại thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Đầu tháng 3/2025, Ban Giám đốc Đài gọi và chỉ đạo gấp: chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất, từ máy quay, máy ảnh, máy tính cho đến thiết bị truyền tin, để một phóng viên duy nhất tháp tùng đoàn lãnh đạo tỉnh đi công tác tại Trung Quốc. Nhận nhiệm vụ, lòng tôi bỗng chùng xuống. Là người duy nhất trong đoàn làm báo, lại tác nghiệp ở nước ngoài, tôi không khỏi lo lắng. Mọi thứ đều bỡ ngỡ. Không biết nên chuẩn bị ra sao, không hình dung được điều kiện làm việc, quy trình đưa tin, hay sẽ phải đối mặt với những tình huống nào.
Lo hơn nữa, đúng vào thời điểm chuẩn bị lên đường, ngón tay trỏ, “ngón nghề” để bấm máy, lại bị gãy, phải băng bó. Trong khi đó, cả cơ quan cũng như các đồng nghiệp trong tỉnh chưa ai từng có kinh nghiệm tác nghiệp ở nước ngoài, tôi càng thêm áp lực. Nếu như làm trong nước, có thể gọi về cơ quan xin hỗ trợ, nhờ vả đồng nghiệp báo đài địa phương, lại không phải lo lắng về ngôn ngữ hay mạng internet. Còn lần này, mọi thứ đều xa lạ và hoàn toàn mới.
Tôi lân la hỏi thăm những phóng viên Trung ương và các tỉnh bạn từng công tác ở Trung Quốc. Từ chuyện thiết bị điện có dùng phích hai chấu hay ba chấu, đến việc bên đó chặn các dịch vụ quen thuộc như Google, Facebook, YouTube. Để liên lạc và truyền tin về, chỉ còn cách dùng eSim Trung Quốc và các ứng dụng như Zalo, Telegram. Thời tiết đầu xuân bên đó lạnh dưới 10 độ C, thêm một điều phải lưu tâm khi tác nghiệp ngoài trời.
Chuyến đi kéo dài 5 ngày, trong đó mất 1,5 ngày di chuyển giữa hai thành phố cách nhau hơn 1.200 km, nhưng có tới 17 sự kiện phải ghi hình, chụp ảnh, gửi tin. Tôi xác định tinh thần làm việc hết tốc lực, chuẩn bị đầy đủ thiết bị: hai máy quay (một để quay hình, một để thu phát biểu), nhiều thẻ nhớ, pin dự phòng, micro cho cả hai máy và vô số phụ kiện khác. Mọi thứ được gói gọn trong chiếc ba lô hơn 10kg mà tôi luôn mang theo bên mình suốt hành trình, kể cả khi lên máy bay hay di chuyển giữa các điểm đến. Thêm một máy quay mini và chân máy, tôi luôn giữ đúng phương châm: “một tấc không đi, một ly không rời”.
Tối đầu tiên đặt chân đến Bắc Kinh, trời lạnh buốt. Cả đoàn không về khách sạn mà lập tức di chuyển đến nơi làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Thiên Doanh Trung Quốc. Cuộc gặp diễn ra trong không khí cởi mở, đạt được nhiều kết quả tích cực. Khi về tới khách sạn đã gần 11 giờ đêm. Sau một ngày di chuyển và làm việc mệt nhoài, ai cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng tôi thì không thể chợp mắt. Một ngày mới đang tới, lịch làm việc dày đặc, thiết bị lại cần kiểm tra, chuẩn bị chu đáo. Tôi âm thầm chuẩn bị mọi thứ trong căn phòng khách sạn xa lạ, lòng vẫn hồi hộp, nhưng đã bắt đầu có chút tự tin của người bước vào một chặng đường mới.
Ngày thứ hai trên đất Trung Quốc, đoàn công tác tỉnh Hưng Yên bắt đầu lịch trình dày đặc. Từ 7 giờ sáng, cả đoàn đã rời khách sạn để đến thăm và làm việc với hai doanh nghiệp tại thành phố Bắc Kinh, cách nơi lưu trú hàng chục cây số. Qua cửa kính ô tô, tôi lần đầu được chiêm ngưỡng thủ đô rộng lớn, sạch đẹp, vừa hiện đại vừa cổ kính. Trong ánh sáng buổi sớm, Bắc Kinh hiện lên như một bức tranh đa sắc và tôi cố gắng ghi lại những khung hình đẹp nhất, dù ngón tay vẫn còn băng bó. Một đồng chí trong đoàn đùa vui gọi tôi là “phóng viên thương binh”, khiến không khí thêm phần nhẹ nhõm giữa lịch làm việc căng thẳng.
Buổi sáng kết thúc lúc gần 12 giờ trưa, cả đoàn tranh thủ dùng bữa và nghỉ ngơi chớp nhoáng. Từ 13 giờ 15 phút, các hoạt động tiếp tục nối tiếp nhau: hội nghị bàn tròn song phương, rồi đến hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của 300 doanh nghiệp thành phố Bắc Kinh. Ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa cùng một số thành viên trong đoàn lại lên đường đến làm việc với đồng chí Lưu Kiến Siêu, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tại buổi hội kiến, đồng chí Lưu Kiến Siêu bày tỏ sự coi trọng mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt, đồng thời khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các địa phương của Trung Quốc với tỉnh Hưng Yên. Đặc biệt, có một chi tiết khiến tôi nhớ mãi: khi biết trong đoàn có phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Hưng Yên, đồng chí Lưu Kiến Siêu đã hướng ánh mắt về phía tôi và nói: “Tôi mong các bạn trong chuyến thăm, làm việc tại Trung Quốc sẽ tăng cường tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh và con người Trung Quốc, làm sâu sắc thêm hợp tác văn hóa, giáo dục, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”.
Kết thúc ngày làm việc khi đồng hồ đã điểm 11 giờ đêm, cũng là lúc tôi mới bắt đầu phần việc của mình: đổ hình từ máy quay, viết lời bình cho các bản tin truyền hình, dựng video, trích phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy để gửi kịp về cơ quan. Khi hoàn tất công việc, trời đã gần 3 giờ sáng.
Sáng hôm sau, tôi lại dậy từ 5 giờ, chuẩn bị thiết bị. Lịch trình ngày thứ ba cũng căng như dây đàn: 67 Người làm báo Hưng Yên Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025) di chuyển đến các doanh nghiệp cách nhau hàng chục cây số, có nơi tới hơn 60 km, thậm chí đoàn phải chia thành hai nhóm do lịch làm việc trùng lặp. Tôi tranh thủ nhờ anh chị em trong bộ phận phục vụ đoàn ghi hình bằng điện thoại ở nhóm thứ hai để kịp thu thập đầy đủ tư liệu. Gần 11 giờ đêm mới về đến khách sạn, tôi lại tiếp tục công việc dựng và truyền tin. Oái oăm thay, sau khi hoàn tất viết lời và dựng hình, đến bước gửi dữ liệu thì không thể gửi được. Lục lọi, kiểm tra mãi mới phát hiện… eSim đã hết dung lượng! Đành tặc lưỡi, chợp mắt vài giờ, đợi sáng để nhờ các bạn hỗ trợ kỹ thuật trong đoàn giúp đỡ.
Sau bốn ngày làm việc tại Bắc Kinh, những địa danh nổi tiếng như Quảng trường Thiên An Môn, Tử Cấm Thành, tôi chỉ kịp ngắm qua ô kính ô tô. Do lịch trình quá dày đặc, gần như không ai trong đoàn có thời gian bước chân ra khỏi khách sạn. Mờ sáng, chúng tôi lên tàu cao tốc rời Bắc Kinh đến thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tiếp tục hành trình công tác. Chặng đường dài hơn 1.200 km, kéo dài gần 4 tiếng. May mắn, tôi được các anh em trong công ty Thiên Ý Việt Nam hỗ trợ sim mới, tranh thủ mạng wifi trên tàu để gửi toàn bộ hình ảnh, video về cơ quan.
Đến Tây An lúc 12 giờ 30 trưa, đoàn tranh thủ ăn vội bữa trưa để 13 giờ đã lại lên đường làm việc. Lịch trình ở Tây An cũng dày đặc không kém Bắc Kinh, mỗi doanh nghiệp lại cách nhau hàng chục cây số. Ngày nào cũng vậy: 5 giờ sáng tôi dậy chuẩn bị thiết bị, 7 giờ bắt đầu di chuyển cùng đoàn, tối muộn mới về khách sạn. Sau đó lại tiếp tục dựng bản tin trưa, chương trình Thời sự tối, và gửi hình ảnh, tư liệu cho nền tảng số cũng như Báo Hưng Yên. Một mình tác nghiệp, vừa quay hai máy, vừa chụp ảnh, dựng hình, viết lời… vất vả, mệt mỏi là điều không tránh khỏi. Nhiều hôm chỉ kịp ăn qua loa, hoặc vừa ăn vừa tranh thủ truyền tin.
Thế nhưng, mỗi lần sản phẩm được phát sóng, tin bài được đăng trên mạng hay trên báo in, tôi lại thấy mọi nỗ lực được đền đáp. Những lời động viên từ thành viên trong đoàn, đặc biệt là từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa, người luôn quan tâm, theo dõi và khích lệ tôi suốt hành trình, đã tiếp thêm động lực để tôi cố gắng đến cùng.
Kết thúc làm việc tại Thiểm Tây, đoàn vội vã ra sân bay, kịp chuyến bay cuối cùng để trở về Hà Nội. Dù biết đây là vùng đất cổ kính, với những danh thắng nổi tiếng như đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Càn Lăng, Chùa Pháp Môn, Thành cổ Tây An, Rừng bia Tây An… nhưng tiếc rằng, đoàn không có thời gian để tham quan, khám phá. Dù vậy, chuyến công tác đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: tỉnh Hưng Yên ký kết ghi nhớ với các doanh nghiệp Trung Quốc về triển khai 5 dự án đầu tư tại địa phương. Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh và bày tỏ mong muốn hợp tác lâu dài.
Còn với tôi, đây là chuyến tác nghiệp nước ngoài đầu tiên trong đời làm báo, một trải nghiệm không thể nào quên. Dù bỡ ngỡ, vất vả, nhưng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được Ban Giám đốc tin tưởng giao phó. Hơn 10 tin bài đã được phát sóng trên Đài PT-TH Hưng Yên, đăng tải trên nền tảng số và Báo Hưng Yên, góp phần vào thành công chung của chuyến công tác.
Trong buổi tổng kết, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá cao hiệu quả chuyến đi, đặc biệt là công tác truyền thông được thực hiện đậm nét, hình ảnh đẹp, nội dung phong phú. Nghe những lời ấy, tôi nhẹ lòng. Chuyến đi không chỉ cho tôi thêm trải nghiệm quý giá, mà còn là động lực để tiếp tục gắn bó, cống hiến hết mình với nghề báo - nghề mang lại cho tôi niềm đam mê và sự tự hào sâu sắc.
nguồn: Đặc san Người làm báo Hưng Yên số đặc biệt (phát hành tháng 6/2025)