Gió lành, gió độc

Thứ bảy - 23/03/2019 08:07
Trời cao biển rộng không phải chỉ có gió lành. Nhưng gió độc qua nhanh, gió lành ở lại.
Tháng 5, ta nghĩ đến ngày sinh Cụ Hồ. Nhưng tháng 5 cũng là tháng mà cách đây bảy năm, quân đội thực dân Pháp vĩnh viễn rút khỏi miền Bắc.

Tháng 5 năm ấy có nắng to. Bến Sáu Kho vắng lạnh. Đội quân “danh dự” của lực lượng Liên hiệp Pháp xếp hàng thẳng tắp, quay mặt ra phía biển, đồng phục trắng toát. Tướng Valluy trịnh trọng đọc nhật lệnh. Vẫn cái giọng cho ra vẻ hùng mà khô như rơm rác: “… Các người đã trọn sứ mạng quang vinh của nước Pháp chói lọi ba chữ tự do, bình đẳng, bác ái… Tổ quốc sẽ ghi công các người… Nước Pháp quang vinh sẽ không bao giờ quên những đứa con xứng đáng đã cống hiến đời mình cho nền văn minh Pháp… Các người có thể yên tâm bước xuống tàu, tâm hồn sảng khoái vì đã phục vụ Tổ quốc…”.

Tôi cố tìm xem bọn lính đi đánh thuê kia nghĩ gì về chủ nghĩa “yêu nước” mà tên tướng thực dân vừa bố thí cho chúng. Nhưng, tôi chỉ nhìn thấy mấy giọt mồ hôi lăn tròn trên những khuôn mặt khô cằn, phờ phạc, lạnh lùng.

Nếu đưa cho bạn ảnh của Lê Quang Vịnh mà không cho bạn biết đó là ảnh Lê Quang Vịnh, thì chiếc ảnh đó nói gì với bạn? Một thanh niên bình thường như hàng triệu thanh niên khác! Nhưng khi biết đó là ảnh của một người đã bất chấp lưỡi lê và báng súng sau lưng, công khai nói thẳng vào mặt quân thù: “Tôi chỉ tiếc một điều là chưa tiêu diệt được kẻ thù là bọn xâm lược Mỹ”, thì bạn sẽ nhìn chiếc ảnh đó một cách khác. Tên tuổi, hình ảnh và hành động của Lê Quang Vịnh cũng như của hàng triệu đồng bào yêu nước miền Nam có một sức mạnh kỳ diệu. Sức mạnh đó có thể chắp thêm đôi cánh lớn cho những quả tim tha thiết yêu nước có thể hâm nóng lại những tâm hồn đã nguội lạnh trong cuộc sống tầm thường có thể kéo ngược trở lại những tâm hồn lạc lõng. Sức mạnh đó có thể làm bật lên những lời nguyền rủa độc ác nhất đối với quân thù và có thể làm chảy ra vạn lời thơ thép, ca ngợi một thế hệ anh hùng bất khuất. Đó là sức mạnh của ngọn gió lành, xua tan gió độc, mang lại lòng tin và dưỡng khí, thổi cháy thêm ngọn lửa cách mạng.
 
***

Trời cao biển rộng. Cũng tại bến cảng Hải Phòng, ba năm sau khi quân Pháp rút đi, một anh bạn miền Nam tập kết ngồi tâm sự với tôi: “Cái ngày mà chiếc tàu của chúng tôi đóng xong, trương cờ đỏ sao vàng, rẽ sóng ra biển, bụng chúng tôi như mở cờ. Làm sao nói hết được với anh quả tim tôi đã đập nhanh như thế nào khi nhìn công trình sáu tháng của chúng tôi! Đó là những mảnh sắt vụn, những bộ máy hỏng bị vứt trong xó… được chúng tôi đem ráp lại. Nếu đặt mua một chiếc tàu như thế ở nước ngoài phải mất trên 80 triệu đồng, chúng tôi làm không tốn quá 30 triệu. Chúng tôi đã làm ngày làm đêm, chỉ mong cho sớm đến lúc mà con tàu Việt Nam, từ hai bàn tay trắng của chúng tôi tạo ra, mang cờ Việt Nam, rẽ sóng. Đó cũng là một cách chúng ta trả thù bọn đế quốc đã kìm hãm ta bao đời nay phải không anh? Có lúc chúng tôi phải ăn khoai lang, uống nước lã. Buổi đầu xây dựng Tổ quốc làm sao tránh được khó khăn, gian khổ! Nhưng, càng gần đến ngày lắp ráp con tàu, coi thấy như no suốt ngày. Hôm tàu hạ thủy, cơ quan cho chúng tôi món tiền thưởng. Định tổ chức “chén” một bữa ăn mừng, nhưng, con tàu thiếu vài bộ phận hỏng mà chưa có dự trù để mua, chúng tôi quyết định nhịn bữa liên hoan đó, lấy tiền mua ngay mấy bộ phận còn thiếu để cho con tàu sớm hoàn thành. Vậy cũng đủ “liên hoan” lắm rồi, phải không anh?...”.

Tôi nhìn anh bạn miền Nam tập kết của tôi. Da rám nắng, khuôn mặt hơi gầy. Nhưng đôi mắt rất sáng. Cả người anh toát ra một niềm yêu đời, yêu người, yêu đồng bào, yêu đất nước. Tình yêu đó đã đẻ ra, trên đống sắt vụn của gần một thế kỷ nô lệ và mười lăm năm chiến tranh tàn phá, con tàu kiêu hãnh hôm nay. Tình yêu đó sẽ còn thúc đẩy anh bạn của tôi làm nên bao nhiêu sự nghiệp anh hùng khác.
 
 ***

Tám năm đã qua trên con đường xây dựng miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Mỏ thiếc Cao Bằng ngày đêm đổ ra hàng vạn thỏi thiếc. Cây cao su ở Vĩnh Linh bắt đầu ra nhựa. Các nông trường ở Thanh Hóa, Nghệ An đã mấy lượt hái cà phê. Hợp tác xã nghề cá đưa hàng trăm thuyền mới ra khơi, trang bị cả máy thu thanh bán dẫn để nghe dự báo thời tiết của Nha Khí tượng. Trên con đường Hà Nội – Hà Đông, Hà Nội – Sơn Tây mọc lên bao nhà máy, trường học. Thái Nguyên, Việt Trì từ nay thêm một tên gọi mới: khu gang thép, khu công nghiệp. Hai bàn tay trắng của miền Bắc đã biến mồ hôi, nhiệt tình cách mạng và lòng yêu nước của mình thành vật chất. Dĩ nhiên, cuộc sống còn khó khăn, gian khổ, nhưng đứng trên miền Bắc này con người có thể tự hào là mình đã sống xứng đáng với cuộc sống, xứng đáng với miền Nam đang anh dũng, gian khổ đấu tranh chống quân thù xâm lược.

Nhưng, cuộc sống không thể dừng lại ở bất cứ một cột ki-lô-mét nào. Còn phải biến “nghị quyết Năm”(1) của chúng ta thành hiện thực, tiếp tục tiến công vào đói nghèo, lạc hậu ở nông thôn. Còn phải biến “nghị quyết Bảy(2) thành hiện thực, xóa bỏ tình trạng thủ công lạc hậu đè nặng chúng ta.

…Mẹ tôi mất trong thời kỳ kháng chiến. Mất vì cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân. Mất vì tình trạng đói nghèo và lạc hậu đã ăn mòn sức sống của mẹ. Mẹ tôi lùn, thấp và hơi còng lưng. Mà làm sao mẹ tôi không thấp lùn được? Hồi ấy ngày nào cũng như ngày nào, cứ gày gáy canh ba là mẹ tôi dậy nấu khoai ăn sáng. Xong, mẹ tôi gánh một gánh nặng những quả bí, hũ nước mắm, những cồng bánh đa đi chợ xa nhà mười lăm cây số. Khi gánh hàng không thăng bằng được, mẹ tôi phải bỏ thêm một vài tảng đá vào một bên đầu gánh. Ấy thế, chiếc đòn gánh và những hòn đá kia, hơn 300 ngày trong mỗi năm, đề nặng trên vai mẹ tôi hơn ba mươi cây số đường mỗi lượt đi về. Giá mà mẹ tôi còn sống! Mẹ tôi sẽ mỉm cười nhìn thấy chiếc bánh xe và vòng bi đang lần lượt thay cho chiếc đòn gánh; thấy chiếc gàu dai, gàu sòng sẽ lùi dần về lịch sử để nhường chỗ cho chiếc máy bớm. Tôi cũng nhớ bàn chân của cô tôi xưa kia năm nào cũng đầy vết sướt, có khi sưng vù lên vì đạp lúa bằng chân. Tại sao, khi Tổ quốc không có được một con lăn bằng đá?
Bây giờ, từ phía chân trời của lịch sử, chiếc máy đập lúa đang lừ lừ tiến đến, thì tiếc thay chân cô tôi đã không còn bước được nữa trên đường đời…
 
***

Chủ nghĩa xã hội đang đi tới. Nhưng còn có quá nhiều chướng ngại trên bước đường ta đi. Đồng bào tôi ở miền Nam trực tiếp với nguy cơ đe dọa cuộc sống, đã biết rõ mình phải làm gì. Có người mẹ nào lại tự nguyện đem đưa con ruột thịt của mình đút vào họng đại bác để ngăn nó nhả đạn như bà mẹ ở miền Nam trong tháng trước? Nhưng, còn có cách nào hơn? Mẹ không có con đường nào khác là hy sinh một đứa con để bảo vệ cả đàn con của mẹ, bảo vệ cả gia đình mẹ, bảo vệ xóm làng và quê hương của mẹ! Mẹ có thể nguyền rủa, xỉ vả bọn cướp nước và bán nước. Mẹ có thể trở chiếc đòn gánh của mẹ mà đánh vào đầu bọn chúng. Chiếc đòn gánh của mẹ có thể gãy, nhưng quân thù sẽ có ngày phải cút khỏi quê hương của mẹ, cút khỏi đất nước chúng ta. Mẹ lại sẽ có xe thồ, xe cút kít, xe ba bánh, xe ngựa, xe có động cơ… Tổ quốc phồn vinh ngày mai đang được dựng lên từ những gian khổ, hy sinh của mẹ hôm nay.

Miền Bắc đang biến căm thù thành hành động. Lòng yêu nước căm thù giặc phải đâu chỉ là một nguồn cảm hứng để viết và nói? Nó còn đẻ ra – và đây mới là phần quan trọng nhất – bao nhiêu hành động anh hùng. Ngày thứ sáu, ngày thứ bảy “vì sự nghiệp thống nhất đất nước”… xuất hiện ở các xí nghiệp, công trường, đang điểm tô cho tuần lao động một màu tươi thắm làm phong phú thêm nội dung của cuộc sống ở miền Bắc, tạo thêm nhiều của cải vật chất nơi căn cứ địa của cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Vì căm thù đế quốc Mỹ, vì mong muốn nước nhà sớm thống nhất, con người càng trở nên thông minh hơn, mạnh khỏe hơn. Và đất nước cũng lớn lên nhanh chóng.

Hai nguồn điện năng đang cung cấp động lực cho miền Bắc. Một dòng: vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Một dòng: vì đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Dòng nào mạnh hơn dòng nào? Ai mà đo được? Nhưng, từ ngày lính Mỹ đổ bộ lên miền Nam và bộ chỉ huy Mỹ thành lập ở Sài Gòn, từ ngày mà “nghị quyết Năm” và “nghị quyết Bảy” soi đường xây dựng miền Bắc, bước đi của miền Bắc càng mạnh mẽ hơn và tinh thần của anh Lê Quang Vịnh với các đồng chí của anh lại bồi bổ thêm cho miền Bắc một sinh lực mới nữa. Vì miền Nam, hãy thêm điện, thêm than, thêm vải…!
 
***

Từng cây một, xưa kia làm chẳng nên non. Bây giờ, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu cây đã chụm lại. Hàng triệu cánh tay và khối óc kết hợp với nhau. Hòn núi sản xuất của miền Bắc nước ta cao dần với gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ Ba Nhất. Bao nhiêu “cô gái Đại Phong”, bao nhiêu “chàng trai Duyên Hải” xuất hiện khắp nơi để rút ngắn trong năm năm đoạn đường ta phải đi hàng mấy chục năm.
111
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang hỏi han chuyện làm ăn với bà con xã viên HTX Đại Phong. Ảnh: TL
Bọn đế quốc và tay sai, những thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội, những thiên tai thủy họa cộng với tình trạng lạc hậu của một nền kinh tế nghèo nàn đã chồng chất bao nhiêu chướng ngại trên bước đường tiến lên của chúng ta! Bao nhiêu vụ phá hoại của địch, bao nhiêu sự chống đối của những phần tử xấu, bao nhiêu sức trì kéo của tư tưởng chậm tiến, bao nhiêu hạn hán và bão lụt kéo dài… đã đặt nhân dân ta vào một cơn lửa thử vàng nóng bỏng, làm chói lọi sức phấn dấu bền bỉ, anh dũng của một dân tộc anh hùng, thử sức trong gian nan. Giá trị tổng sản lượng công và nông nghiệp của miền Bắc ta đã gấp đôi so với năm 1955. Hàng nghìn nhà máy lần lượt mọc lên. Trên người của ta, trong nhà của ta, những đồ dùng mang nhãn hiệu Việt Nam đã thay thế hàng ngoại quốc. Năm xưa, một thước vải trắng “dầu ngựa” phải mua từ Hồng Kông, Thượng Hải, London; một lọ mứt, ấm trà phải mua từ Pháp, Nhật; một ấm nhôm, một cái kẹo, một tấm lịch… cũng vượt đại dương xa xôi đến ta. Chúng ta không phải là những người bài ngoại. Chúng ta cũng sung sướng khi dùng sản phẩm của các bạn lao động nước ngoài. Nhưng chúng ta cũng là những người lao động, tại sao chúng ta lại không có đồ dùng do chúng ta sản xuất?

Tôi muốn gặp lại anh chàng nhà báo tư sản Mỹ, cách đây mấy năm, đã hỏi mỉa mai một chiến sĩ Điện Biên khi thấy chiếc bút máy Patker trên túi áo người chiến sĩ: “Anh cũng dùng bút máy Mỹ à? Thế mà tôi tưởng là anh không cần đến Mỹ chứ!”. Đồng chí chiến sĩ ta “đập” lại một cách đích đáng: “Vâng, đây là bút máy, chiến lợi phẩm, kỷ niệm chiến thắng của chúng tôi chống bọn can thiệp Mỹ! Chúng tôi giữ nó để nhớ truyền thống anh dũng của chúng tôi!”. Tôi muốn gặp lại anh chàng tư sản Mỹ ấy hôm nay để chỉ cho anh ta thấy những cây bút Trường Sơn, Cửu Long, Hồng Hà trên túi áo của chiến sĩ, công nhân, nông dân Việt Nam và chỉ cho anh ta thấy bao nhiêu hàng tiêu dùng cùng với thuốc men mang nhãn hiệu vẻ vang của Tổ quốc Việt Nam chúng ta. Để mà nói thêm với gã tư sản Mỹ kia rằng: “Không những chúng tôi biết quét sạch quân đội xâm lược, mà còn biết tự giải quyết bao nhiêu nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày của chúng tôi, khi nước chúng tôi xây dựng chủ nghĩa xã hội”…
 
***
 
Trời cao biển rộng. Một ngày nào đó sẽ là ngày ta vui mừng tống khứ bọn tướng tá, binh sĩ Mỹ ra khỏi miền Nam. Tôi cũng muốn được đứng trên bến Sài Gòn, hay bến Ô Cấp, hay đến Đà Nẵng hôm ấy để nghe một sĩ quan Mỹ trịnh trọng đọc nhật lệnh:

“… Các người đã làm trọn sứ mạng của nước Mỹ văn minh, hùng cường ở khu vực chiến lược này…”.

Gió độc thoảng qua. Món hàng “yêu nước” giả hiệu và giọng hùng hồn khô rúm của bọn tướng tá Mỹ cũng sẽ theo những giọt mồ hôi trên khuôn mặt khô cằn, nhạt nhẽo, phờ phạc của binh sĩ Mỹ lăn xuống bãi cát của bờ biển, bốc thành hơi, tan đi trong gió.
 
5/1962
Sách Nước về biển cả
Lưu Quý Kỳ, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1973
  1. Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng về phát triển nông nghiệp.
  2. Về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa
 

Nguồn tin: Trích từ tập: Lưu Quý Kỳ - Sông núi còn đây

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây