Khi nhà nông... không còn ruộng

Thứ ba - 19/03/2019 10:15
- Nhóm tác giả: Bảo Trung, Vũ Thành, Tuấn Ngọc,
Trần Hảo, Hoàng Tùng, Ngọc Long, Đào Phương
                       - Liên Chi hội Báo Nhân dân
                                   - Giải B, Giải báo chí Quốc gia 2012
 
 
Kỳ I: CUỘC SỐNG BẤP BÊNH BÊN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

Chuyển dịch đất sản xuất nông nghiệp sang xây dựng các khu công nghiệp (KCN) đang được nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, trung du phía bắc, ven biển miền trung đẩy mạnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Mấy năm trở lại đây, khi hàng trăm KCN lớn nhỏ xuất hiện thì cũng là lúc hàng chục nghìn hộ nông dân mất ruộng. Mặc dù chính quyền các cấp và người dân nỗ lực tìm, tạo việc làm để ổn định đời sống, nhưng hầu hết người dân thuộc diện thu hồi đất vẫn chưa có được nguồn thu nhập mới ổn định... 


Nhàn hạ giữa mùa gặt 

Những ngày này, khắp các làng quê ở tỉnh Hà Nam đang tập trung thu hoạch lúa đông xuân, về xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, không khí lại khác hẳn. Ðường làng, ngõ xóm không còn mùi thơm của rơm, của thóc. Những máy cày, máy gặt liên hoàn, xe đạp thồ... đã dần trở nên xa vời. Xen lẫn khu nhà ống cao tầng là khu nhà trọ cho công nhân. Nếp sống của người nông dân đã bắt đầu thay đổi để phù hợp điều kiện hiện tại.

9 giờ sáng, chị Phan Thị Toàn ở thôn Thần Nữ, xã Bạch Thượng mới đủng đỉnh dắt chiếc xe máy tay ga đi chợ chuẩn bị bữa cơm trưa. Nghe tôi hỏi có vẻ nhàn hạ vậy, thì chị bảo, nếu như trước đây, vào thời điểm này đang là vụ gặt, ngày nào, vợ chồng, con cái chị cũng phải dậy từ gà gáy để đi gặt. Ðến khi giao lại ruộng cho Nhà nước xây dựng KCN Ðồng Văn, vợ chồng phải mất mấy năm vất vả ngược xuôi đủ các nghề từ chạy chợ đến đồng nát để kiếm thu nhập. Một số nhà máy đi vào hoạt động, không có tay nghề và tuổi cao nên không được nhận vào làm, nhưng có nhiều công nhân từ các tỉnh xa về, có nhu cầu tìm nhà thuê trọ, vợ chồng tôi xây thêm một số phòng trọ để có tiền trang trải cuộc sống và cho con cái học hành. Chị Toàn phấn khởi khoe cậu con trai lớn đã xin được làm việc tại Công ty SuMi (của Nhật Bản), mỗi tháng cũng được khoảng ba triệu đồng.
Kỳ I: Cuộc sống bấp bênh bên các khu công nghiệp<p><a href=
Lao động trẻ nông thôn được tuyển làm công nhân
tại Công ty may Tinh Lợi, Khu công nghiệp Nam Sách, Hải Dương
Thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị (Thanh Liêm) cũng có hơn nửa số hộ giao hết ruộng cho Nhà nước. Bên quán nước đầu làng, chúng tôi gặp chị Ðỗ Thị Mùi là người thôn Bồng Lạng. Chị Mùi mới ngoài 30 tuổi mà trông già như đã ngoài 40 tuổi vậy. Chẳng già sao được khi hai phần ba số tuổi trên chị đã lam lũ ngoài đồng ruộng. Giờ chị chỉ quanh quẩn ở nhà làm những việc lặt vặt. Chị tâm sự: Từ ngày hết ruộng, vợ chồng chị về quê bên kia sông để thầu lại vài ba sào ruộng của anh em bên ngoại cấy lấy gạo ăn cho gia đình. Vậy tại sao vợ chồng chị không xin vào trong nhà máy tại thôn để làm? Chị Mùi cười gượng: "Mình không có trình độ, bằng cấp gì nên cũng không được nhận". Chị Mùi kể cho chúng tôi nhiều người ở thôn cũng đang xoay xở tìm việc. Âu cũng là điều dễ hiểu bởi những chị em thôn quê đã quen việc đồng áng như chị Mùi, nếu không được đào tạo, không tự bỏ việc thì cũng bị nhà máy sa thải. Thôn Bồng Lạng hiện có tới bốn nhà máy xi-măng đóng trên địa bàn nhưng rất ít lao động được nhận vào làm việc. Giữa buổi trưa nắng gắt, thôn Bồng Lạng thật hiu quạnh. Căn nhà của ông bà Nguyễn Văn Tí càng trở nên rộng rãi, trống vắng hơn khi tất cả những người con đều đi làm ăn nơi khác. Một mình bà lụi cụi dưới bếp chuẩn bị qua quýt cho bữa trưa, còn ông Tí ngồi lặng im nhìn ra ngoài cửa sổ. Hầu như lúc nào ông cũng ngồi chỗ ấy bên chiếc điếu cày đã ngả mầu. Ðược gần con cháu là ước nguyện của bất cứ người già nào, nhưng điều đó quả thật khó khăn đối với ông bà: "Vì cuộc sống, con tôi lần lượt phải đi xa làm ăn". Rồi ông Tí chỉ tay ra thửa ruộng còn lại của gia đình trước nhà: "Nghe nói Nhà nước cũng sắp lấy nốt. Chẳng biết, khi hết ruộng, người dân làm gì để sinh sống?".

Người nông dân có đất sản xuất bị thu hồi, chẳng mong ước gì nhiều, chỉ mong có việc làm và thu nhập ổn định ngay tại nơi mình sống. 

Khi đồng tiền đền bù vơi đi... 

Xã Hòa Sơn nằm ở cửa ngõ phía đông của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, giáp ranh thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, xã Ðông Yên, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Theo Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Môn, việc phát triển công nghiệp đã lấy đi nhiều diện tích đất nông nghiệp, thổ cư, đất đồi, làm xáo trộn đời sống của người dân. Toàn xã có hơn 200 hộ dân bị thu hồi 70 ha đất, nhiều hộ bị thu hồi toàn bộ đất ruộng. Xã đã chủ động hỗ trợ đào tạo nghề cho nhân dân địa phương nhằm ổn định đời sống. Tuy nhiên, có nhiều người lao động trong gia đình lại quá tuổi đào tạo hoặc không đáp ứng đủ yêu cầu nên số lượng đào tạo nghề trên địa bàn đạt thấp. Tại thôn Hạnh Phúc, gặp chị Ðinh Thị Bắc đang ngồi nói chuyện với mấy chị cùng xóm. Chị Bắc cho biết, gia đình có bốn người với sáu sào ruộng, không có nghề phụ nên kinh tế những năm qua chỉ trông chờ vào cấy lúa, chăn nuôi. Tuy nhiên, sau khi xây dựng Khu công nghiệp Lương Sơn, sáu sào ruộng của chị bị thu hồi hết. Với hơn 100 triệu đồng qua hai lần đền bù, gia đình tôi dùng để trả nợ, trang trải cuộc sống, tiền thuốc ốm đau cho con nên còn chẳng được bao nhiêu. Hiện nay, mất hết đất sản xuất, hai vợ chồng đi làm thuê nhưng việc làm thì lúc có lúc không. Tiền đền bù đất sản xuất thì mỗi ngày lại vơi đi do sinh hoạt hằng ngày, phải lo đám hiếu, đám hỷ.

Gia đình chị Trần Thị Nhị ngồi bên cạnh cho biết, trước khi bị thu hồi đất, các nhà đầu tư có hứa là sẽ hỗ trợ, bảo đảm đời sống cho nhân dân, cho con em vào làm công nhân. Nhưng khi các doanh nghiệp hoạt động, cả trăm con em đến nộp hồ sơ xin làm công nhân thì chỉ có vài người được nhận.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi tới thăm khu tái định cư Trại Cúp nằm cạnh KCN Bá Thiện. Ðồng chí Tạ Xuân Mùa, Trưởng thôn tái định cư Bá Hiến cho biết, khi KCN Bá Thiện xây dựng, thôn Trại Cúp, xã Bá Hiến mất toàn bộ đất ở và 200 mẫu đất canh tác. Khu tái định cư được tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng khang trang ngay mặt đường. Mỗi gia đình được cấp một ô rộng từ 300 đến 450m2, xây sẵn nhà. Theo chính sách của tỉnh, mỗi hộ được cấp 300m2 đất ở và số đất dịch vụ tùy theo diện tích ruộng bị thu hồi nên nhà nào cũng có từ 100 đến 150 m2 đất dịch vụ. Các hộ khác mới tách, chưa có đất sản xuất, đất ở cũng được ưu tiên mua 100 m2 đất trong khu. Hầu hết bà con đều xây các ki-ốt cho công nhân thuê trên đất dịch vụ. Một số nhà mặt tiền thì mở cửa hàng, cho thuê bán hàng. Tính toán là thế, nên mặc dù đã ổn định tái định cư được hai, ba năm nay, nhưng hầu hết bà con trong khu vẫn sống nhờ tiền đền bù. Việc kinh doanh trên đất dịch vụ vẫn chỉ là tiềm năng và triển vọng, các gia đình đều tận dụng đất trống ven đường, trong nhà để trồng rau, quả nhằm tạo nguồn thực phẩm. Các gian ki-ốt hầu hết thiếu người thuê do lượng công nhân chưa nhiều. Thăm căn nhà hai tầng khang trang của anh Tạ Văn Ngọt với giàn ban công bằng i-nốc sáng loáng, chúng tôi không khỏi buồn khi hỏi chủ nhà về nghề nghiệp. Anh Ngọt bảo, tiền đền bù hơn 100 triệu đồng, giờ còn có 60 triệu đồng. Hai vợ chồng không có việc làm nên đành mua con bò về chăn cho vui.

Ðói trên đồng đất để hoang

Tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành (Hải Dương), hàng trăm ha đất nông nghiệp thu hồi để làm khu công nghiệp tàu thủy Hải Dương, thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN). Tuy nhiên, trong suốt tám năm qua, toàn bộ số đất này vẫn bị bỏ hoang. Từ đầu năm 2012, người dân rủ nhau vác cuốc ra khu công nghiệp vỡ đất khai hoang, sản xuất.

Những ngày giữa tháng 6, chúng tôi về Lai Vu, đến khu chợ cóc ở ngay cạnh khu công nghiệp tàu thủy, khi hỏi đến việc thu hồi đất, thì sự bức xúc mới như được vỡ òa. Chị Bùi Thị Lệ cho biết: Nhà có bảy sào ruộng để nuôi sống hai vợ chồng, bố mẹ và cậu con trai thì được vận động nhường đất để làm khu công nghiệp. Hồi đó còn trẻ biết gì đâu, cán bộ đến vận động nghe cũng hay, được ít tiền lại được vào KCN làm nên "gương mẫu" nhận tiền đền bù ngay. Cả nhà bốn người lớn, mỗi người cũng được 20 triệu đồng. Khi chúng tôi hỏi thế số tiền đó chị có để dành phát triển sản xuất không? Chị liền trả lời, làm gì có, hai vợ chồng dùng tiền mua ngay chiếc xe máy, giờ hết tiền, hết đất, ngày ngày ra chợ bán nước chè. Còn gia đình ông Bùi Duy Tôn có 2.600m ruộng, bị thu hồi từ năm 2003 và đến nay chưa nhận một khoản đền bù nào. Các doanh nghiệp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xong rồi để "đắp chiếu". Vậy là, trong khi đất để hoang, thì người dân lại không có đất sản xuất, phải đi làm thuê, làm mướn. Ông Tôn nói: "Chúng tôi chỉ mong muốn rằng, nếu doanh nghiệp không xây dựng nữa thì hãy trả lại đất để chúng tôi sản xuất...".

Những câu chuyện hậu đền bù

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có hai KCN, sáu cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 1.500 ha. Tỉnh đã quy hoạch tổng thể phát triển các KCN, CCN, định hướng đến năm 2020, hình thành bảy KCN tập trung và 22 CCN, tổng diện tích 3.482,5 ha.

Chỉ tính riêng đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng KCN Thụy Vân, Trung Hà, cụm Bạch Hạc đã gần 600 ha vốn thuộc quyền sử dụng của hơn 2.200 hộ nông dân. Ngoài ra, các huyện cũng thu hồi đất nông nghiệp để phát triển các CCN tại địa phương khiến hàng nghìn hộ mất ruộng, vườn và thất nghiệp. Còn người nông dân, phía sau câu chuyện mất đất đã nảy sinh hàng loạt vấn đề khác, trở thành gánh nặng cho xã hội.

Ở TP Việt Trì, từ ngày có KCN Thụy Vân, CCN Bạch Hạc, hàng chục nhà máy, xí nghiệp cũng được đầu tư xây dựng. Người dân không còn ruộng, không có nghề nhưng lại có tiền đền bù nên đã nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội. Gia đình anh Nguyễn Thành Tam và chị Phạm Thị Hòa ở xã Thụy Vân có hai phần ba diện tích cấy lúa bị thu hồi. Tiền đền bù được anh chị dùng vào xây nhà mới và mua sắm đồ đạc. Tiền hết, cả hai xuống Hà Nội kiếm sống, làm lao động tự do, ai thuê gì làm đấy. Một tháng, hai vợ chồng chắt chiu cũng gửi được khoảng 1,5 triệu đồng về nuôi con.

Còn tại phường Bạch Hạc, thực trạng còn bi đát hơn. Dự án CCN Bạch Hạc rộng 80 ha. Gần 300 hộ dân thuộc khu Mộ Hạ phải di chuyển đến nơi ở mới. Nhưng đến nay mới có gần 40 hộ di chuyển lên khu tái định cư, còn 260 hộ đã nhận tiền đền bù nhưng từ năm 2007 đến nay người dân vẫn phải sống lay lắt, tạm bợ trong những căn nhà dột nát.

Bà Ngô Thị Dẫn ở cùng con gái trong căn nhà cấp 4 xuống cấp nay lại càng xiêu vẹo khi những cơn mưa đầu mùa vừa đi qua. Chung quanh nhà được gia cố bằng mấy cây tre, vách đất thì nứt nẻ. Bà Dẫn cho biết, tiền đền bù được vài chục triệu đồng thì đã hết, ruộng chẳng còn đành phải đi làm thuê. Vẫn biết sống trong ngôi nhà cũ rất nguy hiểm nhưng chẳng biết làm thế nào. Nhà nghiêng về bên nào đành phải lấy cây, gậy chống về bên đấy. Còn ông Ngô Xuân Cư cho biết thêm, cuối năm 2007, các hộ dân nhận tiền đền bù, đến nay đã tiêu gần hết. Khu Mộ Hạ hiện có 260 hộ với 800 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 4%. Tình trạng thất nghiệp nhiều, tệ nạn xã hội ngày càng tăng. Toàn khu hiện đã có khoảng 40 người nghiện ma túy.

Trên những vùng đất thuần nông, đang xuất hiện ngày càng nhiều những KCN, khu đô thị mới. Nhưng cuộc sống của người nông dân có đất sản xuất bị thu hồi vẫn hết sức bấp bênh do thiếu việc làm. Bức tranh CNH, HÐH nông thôn, nhìn toàn cảnh vẫn còn quá nhiều mảng tối, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp thiết thực hơn từ các cơ quan quản lý Nhà nước...
 

Kỳ II: CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP THIẾT THỰC

Người nông dân nước ta, bao đời  nay "bán mặt cho đất, bán lưng cho trờiể, khi dự án KCN, CCN "rơi" xuống đúng phần đất của mình, bỗng dưng trở nên "giàu có", nhưng lại thiếu việc làm trầm trọng do các chính sách hỗ trợ nông dân tìm việc làm mà các địa phương đang áp dụng chưa phù hợp thực tế, đòi hỏi có những giải pháp căn cơ hơn, thiết thực hơn từ các cơ quan quản lý Nhà nước...
 
Ðào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm

Việc thu hồi đất nông nghiệp đã làm ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục nghìn lao động nông thôn. Vấn đề việc làm đã trở nên vô cùng bức thiết đối với những người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, cũng như các cấp ủy, chính quyền địa phương. Trước nhu cầu việc làm cho người lao động có đất bị thu hồi, nhiều địa phương đã năng động, sáng tạo trong việc giải quyết việc làm cho người lao động.

Tính từ năm 2006 đến nay, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) có hơn 800 ha đất nông nghiệp được thu hồi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và giao thông, ảnh hưởng 10 nghìn hộ dân (48 nghìn nhân khẩu) bằng 37,6% số dân. Do đó, việc dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm mới được cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm.  Nhờ có 13 làng nghề truyền thống, 14 làng có nghề và hơn 100 doanh nghiệp, tổ hợp khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng, tạo thuận lợi trong giải quyết việc làm cho lao động khi bị thu hồi đất, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 21 nghìn lao động đạt 27,5% tỷ lệ lao động trong độ tuổi. Tại xã Bạch Thượng (huyện Duy Tiên), từ năm 2004 đến nay, có gần 300 ha đất nông nghiệp bị thu hồi với hơn 2.500 hộ dân bị ảnh hưởng.  Nguồn kinh phí các hộ được hỗ trợ có đất bị thu hồi đã được các hộ sử dụng có hiệu quả, hầu hết số lao động dôi dư đã có việc làm. Hơn một nghìn lao động làm việc trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, hơn 100 hộ kinh doanh nhà trọ, mở các ngành nghề dịch vụ, và làm thêm nghề phụ, mức sống của người dân trong xã được cải thiện. Toàn xã đã có 15% số hộ khá giàu, số hộ nghèo giảm còn 10,7%.

Có được kết quả trên là hầu hết số người đến độ tuổi lao động trong toàn tỉnh thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp đều được tham gia các lớp học nghề miễn phí. Bằng hình thức "cầm tay chỉ việc", và dạy nghề lưu động, các trung tâm dạy nghề của tỉnh, huyện, các trường cao đẳng nghề trên địa bàn đã góp phần tạo việc làm, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động tại các vùng có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.

Vĩnh Phúc là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp khá nhanh, bắt đầu  là KCN Kim Hoa với diện tích 50 ha. Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh có 20 KCN, sử dụng gần 6.000 ha đất và 44 CCN. Ðến nay, tỉnh đã có bảy KCN. Sau 14 năm tái lập, toàn tỉnh đã thu hồi hơn 1.500 ha đất cho 24 dự án phát triển đô thị và hơn 1.840 ha đất cho bảy KCN. Nhờ nguồn thu ngân sách lớn, tỉnh có điều kiện hỗ trợ người nông dân mất đất sản xuất. Ngoài các chính sách chung về hỗ trợ chuyển nghề, học nghề, tỉnh chủ trương xây dựng các khu tái định cư để người dân mất nhà, mất đất sản xuất có điều kiện sống tốt hơn, đồng thời hỗ trợ gạo cho nông dân trong năm năm với mức 108 kg lúa/sào/năm. Ðặc biệt, tỉnh chủ trương đầu tư quỹ đất dịch vụ để giao cho các hộ nông dân mất ruộng nhằm tạo việc làm, nguồn thu mới với chính sách mỗi sào ruộng (360 m2) bị thu hồi được cấp 12 m2 đất dịch vụ. Theo tính toán của tỉnh, với quy hoạch KCN, CCN đến năm 2020, tỉnh có hàng chục vạn công nhân. Người dân mất đất sản xuất có thể sử dụng đất dịch vụ để mở dịch vụ ăn, uống, bán hàng và nhà ở, phục vụ lượng công nhân nói trên.

Mở nghề mới và tạo quỹ hỗ trợ tìm việc làm

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản, các KCN trên địa bàn tỉnh trong những năm qua thực chất đã đem lại nguồn thu đáng kể cho tỉnh, đời sống  người dân vùng hưởng lợi của các khu công nghiệp đều tăng lên. Nhưng cái mất hiện hữu là người dân mất tư liệu sản xuất, người cao tuổi, trẻ em không có việc làm. Mặt khác, kéo theo các KCN là tình trạng ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội... ngày càng gia tăng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 sẽ tạo việc làm cho 160 đến 170 nghìn lao động có khả năng lao động, có nhu cầu lao động.

Theo đồng chí Bản, nhằm thực hiện nguyên tắc "nông dân bị thu hồi đất trong mọi trường hợp phải có cuộc sống tốt hơn, hoặc bằng trước khi bị thu hồi đất", phương án hỗ trợ nông dân của tỉnh là gắn với "giải quyết tốt cuộc sống", thay vì chỉ đền bù một khoản tiền là xong. Vì vậy, với mỗi dự án thu hồi đất, Nhà nước nên ứng trước một khoản vốn đầu tư tập trung đào tạo chuyển đổi nghề. Khoản vốn ứng trước này sẽ được tính vào chi phí đền bù sau này, hoặc lấy từ khoản trừ vào tiền thuê đất của các nhà đầu tư, cũng có thể tạo "Quỹ hỗ trợ người bị thu hồi đất". Hiện nay, giá đền bù thu hồi đất của nông dân mặc dù đã sát giá thị trường nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá đất sau khi giải tỏa. Người bị thu hồi đất thường thiệt thòi trong khi người sử dụng đất thu hồi thường được lợi lớn. Ðể tránh sự bất bình đẳng đó, Nhà nước với tư cách đại diện cho chủ sở hữu đất có thể bảo vệ quyền lợi cho người bị thu hồi đất bằng cách chia giá trị gia tăng của phần đất sau khi giải tỏa làm 5 phần: ba phần cho nhà đầu tư, hai phần cho người bị thu hồi đất.
Cần nỗ lực từ cả "ba nhà"
Nói là "ba nhà" vì tham gia quá trình quy hoạch, đền bù và thu hồi đất là các cơ quan quản lý  Nhà nước (chính quyền các cấp), nhà doanh nghiệp và nhà nông dân. Thời gian qua, mặc dù chính quyền các cấp và doanh nghiệp đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp như đào tạo nghề, mở nghề mới, hỗ trợ nông dân học và tìm việc nhưng cũng mới chỉ giải quyết được chủ yếu việc làm cho các lao động có tay nghề, sức khỏe và trong độ tuổi.

Ở tỉnh Hà Nam, tỷ lệ số người tìm được việc làm ổn định sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp còn rất thấp. Toàn tỉnh có 21 cơ sở dạy nghề, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã có 20 nghìn lao động được học các nghề thêu ren xuất khẩu, ghép nứa sơn mài, đan bẹ chuối, trồng nấm, chăn nuôi bò sữa...; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho nông dân bị thu hồi đất theo hình thức kèm nghề. Thế nhưng, dù đã có 140 doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, trong đó có 104 doanh nghiệp hoạt động, thu hút 15 nghìn lao động trong tỉnh. So với số lao động trong diện bị thu hồi đất nông nghiệp thì con số có việc làm tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp còn khiêm tốn. Thống kê cho thấy, phần lớn số tiền đền bù được nông dân xây nhà, mua xe máy và đồ dùng gia đình, có một số ít gia đình đầu tư vào sản xuất, học nghề. Ðặc biệt, những lao động hơn 35 tuổi rất khó tìm được việc làm. Lao động khu vực nông thôn trình độ hạn chế, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật không cao, khó có cơ hội làm việc tại nhà máy, doanh nghiệp. Tại Vĩnh Phúc, Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, tính đến cuối năm 2011, tổng số 581 doanh nghiệp của tỉnh đã tuyển tổng cộng 25.754 công nhân, nhưng đồng thời đã có hơn 19.687 lao đông nghỉ việc. Ðiều này cho thấy, với người nông dân, cơ hội được trở thành công nhân đã khó, và  sau khi được nhận vào làm việc, cơ hội bám trụ lại doanh nghiệp còn khó hơn. Theo ước tính, mới chỉ có khoảng 27% số lao động bị thu hồi đất đã tốt nghiệp phổ thông, 14% được đào tạo nghề ngắn hạn. Ðáng lưu ý hơn, số lượng lao động quá tuổi tuyển dụng (trên 35 tuổi) chiếm rất đông và hầu như không có hy vọng tìm việc. Ngoài ra, một bộ phận nông dân còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách đền bù mà chưa tự cố gắng vượt khó khăn, tìm kiếm việc làm. 
Tuy nhiên, có một thực trạng là người nông dân không thật sự mặn mà học nghề. Vì vậy, khi được chính quyền địa phương giao số tiền hỗ trợ dạy nghề, thì họ dùng vào chi tiêu là chính. Bản thân các trung tâm dạy nghề ở các huyện, nhiều lúc cũng không nắm được có bao nhiêu học viên đã qua học nghề là đối tượng bị thu hồi đất. Ðiều này cho thấy sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương trong việc đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất chưa chặt chẽ.
Có nhiều biện pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề này là cần phải có biện pháp bắt buộc thực hiện chính sách dạy nghề cho người dân trong vùng bị lấy đất. Dù vậy, hầu hết đều bị nhà đầu tư "bỏ quên". Một kiến nghị khác là nhà đầu tư phải chia sẻ lợi ích trên mảnh đất thu hồi với người nông dân. Biện pháp này đã được bàn bạc nhiều nhưng vẫn chỉ là... bàn bạc. 

Ðể giải quyết vấn đề việc làm cho nông dân nhường đất cho các KCN, cần có những lớp tập huấn, đào tạo để giúp người nông dân có kiến thức về sản xuất, kinh doanh, làm cho người nông dân ham kinh doanh. Thứ hai, Nhà nước và các cấp, các ngành liên quan cần phối hợp tốt với doanh nghiệp và nông dân trong đào tạo nghề, nhất định phải gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp thực tế, không đào tạo hàng loạt mà cần đào tạo để người học nghề xong có thể tìm việc ngay. Các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo lao động cũng cho rằng, các địa phương khi thu hồi đất phải xác định ba đối tượng đào tạo là người lớn tuổi, người trong độ tuổi lao động và học sinh để chuyển nghề hợp lý.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động nông thôn và lao động nông nghiệp nước ta đang giảm dần, tới năm 2015 chiếm khoảng 63,09% (33,1 triệu người) và năm 2020 chiếm khoảng 57,33% (32,1 triệu người). Hiện cả nước có hơn 2.000 làng nghề, hằng năm cần đào tạo nghề cho khoảng 350 nghìn tới 400 nghìn người. Vùng chuyên canh cây nguyên liệu có nhu cầu lao động được đào tạo nghề khoảng 96 nghìn người. Một số tập đoàn, tổng công ty lớn có nhu cầu lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 khoảng 800 nghìn người... Số lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có nhu cầu học nghề hằng năm là khoảng 50 nghìn người. Một điều tra tại 16 địa phương có số lượng đất thu hồi lớn trên toàn quốc, chỉ có 13% số lao động nông thôn bị thu hồi đất được đào tạo để chuyển đổi ngành nghề. Còn hầu hết nông dân có được kiến thức, kỹ năng sản xuất thông qua kinh nghiệm là chính, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, chậm đổi mới, cho nên năng suất lao động, giá trị sản phẩm hàng hóa tạo ra không tương xứng với thời gian lao động.

Thật buồn, trong khi các ban, ngành, các cấp liên quan còn đang loay hoay đưa ra những giải pháp thiết thực hơn hỗ trợ nông dân mất đất sản xuất, thì bên cạnh những khu đô thị, những KCN hoành tráng, hàng chục nghìn nông dân vẫn đang làm đủ thứ việc nhọc nhằn mưu sinh.
 

Nguồn tin: Tác phẩm đoạt giải Giải báo chí Quốc gia lần thứ VII - Năm 2012

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây