Thơ và những đề tài còn thiếu vắng trong thơ

Thứ bảy - 15/08/2020 22:18

Có hàng trăm định nghĩa về thơ, nếu không muốn nói nhiều hơn. Nếu văn xuôi là ngôn ngữ tự do (oratio solute), thì thơ bị đối lập bởi lực cản (oratio vineta). Trong thơ tính siêu thực cao, nên ngôn ngữ phong phú, phóng khoáng. Chính từ đặc điểm này mà “Nàng thơ” có ở khắp nơi, miễn là nhà thơ có tài năng, sức tưởng tượng, trí thông minh. Người ta dự báo rằng, trong thế kỷ tới trí thông minh, sức tưởng tượng, trực giác của con người sẽ tiếp tục quan trọng hơn máy móc. Không cường điệu chút nào khi ta đọc, ta cảm phục những bài thơ hay, lời thơ súc tích, giọng điệu thơ như những châm ngôn… là nhờ phù sa văn hóa của nhiều thế kỷ. Bài viết này xin giới thiệu hai đề tài cũng là hai nhu cầu thẩm mỹ của người đọc thời đại chúng ta, khi tiếp xúc với “nguồn thơ”.

111

THƠ CHÂM BIẾM, ĐẢ KÍCH - MỘT DẠNG CỦA VĂN HỌC TRÀO PHÚNG

Nhà thơ thường dùng nghĩa hàm ẩn với ngụ ý xấu đối với đối tượng miêu tả, lời lẽ sắc sảo, cay độc, thâm thúy để vạch trần bản chất xấu xa của đối tượng mà nhà thơ muốn lên án. Về phương diện xã hội, phần lớn những tác phẩm châm biếm, đả kích thường chĩa mũi nhọn vào kẻ thù của nhân dân, đả kích bọn thống trị tàn bạo, những kẻ xâm lược và bè lũ phản dân bán nước. Trong văn học nước ta thơ văn đả kích châm biếm đã trở thành một đề tài rộng lớn với nhiều nhà thơ qua các thời đại: Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến và nhiều nhà thơ xuất hiện trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta.

Một tác phẩm trường ca trữ tình như Truyện Kiều, bằng tài nghệ điêu luyện Nguyễn Du đã khắc họa chân dung Thúy Kiều nhan sắc là vậy, hiếu đễ là vậy, thông minh là vậy vẫn bị chôn chặt trong vòng vây của bọn thống trị, bọn buôn người: Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà vào lầu xanh; Hoạn Thư đánh ghen, bắt nàng làm con ở, Hồ Tôn Hiến đánh lừa buộc nàng phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn... Ngay cả những nhân vật trong vòng vây quan trường, danh vọng như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát bằng những vần thơ châm biếm với khuynh hướng bất bình chế độ chính trị đương thời (đầu thế kỷ 19), các ông nói lên niềm ưu ái lo đời, khắc khoải khi không có cách làm cho thiên hạ thái bình, cứu dân ra khỏi hoạn nạn. Dưới triều Nguyễn, Đặng Huy Trứ là một ông quan Ngự sử, nhưng tấm lòng yêu nước thuộc về Dân của ông còn vang vọng đến hôm nay: Trâm bút phương tri bút hữu quyền (cầm bút nên hay bút có quyền). Có quyền nói thẳng với nhà vua những sai lầm, khuyết tật của người cai trị khi quốc gia hưng vong. Đối tượng đả kích Nguyễn Công Trứ là bọn nịnh hót, biếu xén, thờ phụng vua và quan là cách tốt nhất để leo lên bậc thang danh vọng, nhưng đối với tầng lớp tri thức, thanh liêm thì ông kính trọng, tiến cử để nhà vua xem xét với tư duy “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”.

Trong thời đại chúng ta, những năm 60,70 của thế kỷ trước, người đọc biết tên tuổi Tú Mỡ (1900- 1976) là nhà thơ trào phúng độc đáo. Ông có bút pháp điêu luyện, bóc trần những hiện tượng rởm đời, chĩa mũi nhọn vào mặt bọn quan lại tham nhũng, bọn tân học nhố nhăng, mưu mô ngu dân, trụy lạc tầng lớp thanh niên non dại… Dưới chế độ ta, Tú Mỡ có biệt danh Bút chiến đấu với nhiều vần thơ, câu thơ lên án bọn phản dân, hại nước. Trên báo Nhân Dân thường xuyên có bài của nhà thơ trào phúng Xích Điểu và nhiều biếm họa lên án những thói hư tật xấu trong xã hội mới.

Nhìn rộng ra thế giới, người đọc biết những nhà thơ lớn thường là những nhà nhân văn, với nhiều bút pháp trào lộng, châm biếm, đả kích. Do hạn chế bài viết, tôi chỉ nói đôi điều về V.Maiakốpki, nhà thơ đả kích. Bài thơ Những người loạn họp (1922) với những câu thơ châm biếm, phóng đại: Một ngày/ chính tôi/ họp hai chục bận/ Họ phải đi hai cuộc họp một lần/ Biết tính sao/ Đành cắt đôi thân/ Ở đây một nửa tới ngang hông/ Còn nữa kìa/ Đi họp nơi khác... Bài thơ được V.I. Lê nin khích lệ và được đưa lên báo Tin tức (1922). Ưu tiên cho những đề tài của Maia là: lên án những tên quan liêu, những kẻ xu thời, nịnh hót để thỏa mãn “chạy chức chạy quyền, những kẻ vô đạo đức, phẩm chất sa sút, công ít tội nhiều… Những bài thơ này đã được đăng trên tạp chí Cá sấu, Một tạp chí có số lương lớn và được phổ cập cho đến ngày nay. Trong những năm khó khăn của đời sống Xô viết: Cảm hứng chủ đạo và cảm hứng phân xạ của nhà thơ vẫn là ca ngợi: Tôi ca ngợi/ Tổ quốc hiện tại/ Gấp ba lần/ Tôi ca ngợi/ Tổ quốc tương lai. Với ngòi bút sắc nhọn ở nhiều bài thơ: Những kẻ xu nịnh, Kể đặt điều nói xấu người khác, Tên tham ô và nhiều vở kịch. Là nhà thơ chiến sĩ, cảm hứng phản xạ của ông đã trở thành cảm hứng chủ đạo được nhận biết qua một mảng đề tài chiếm biếm siêu hạng: Maia chế giễu, Những con voi trong đoàn thanh niên, Không có báo cáo tôi không vào. Ông còn có một tập thơ Tiếng cười đe dọa, đe dọa những kẻ ăn bám, bóc lột, trục lợi và quan liêu Xô viết, đây là những ung nhọt ghê tởm trên cơ thể của một xã hội mới đang hình thành…

Nói người lại nghĩ đến ta. Trong thời đương đại của chúng ta, nếu theo định nghĩa về thơ của Khổng Tử: Thi khả dĩ oán, thì phải thừa nhận rằng đội ngũ nhà thơ chưa thật sự coi trọng vũ khí châm biếm trào lộng. Những hiện tượng thoái hóa biến chất, tha hóa quyền lực và, những mảng tối trong đạo đức, nhân cách của một số người có quyền lực đang rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa quan liêu xa dân… cần được đưa ra trước công luận và tòa án lương tâm của thơ ca. Chưa có nhiều những bài thơ trào lộng, châm biếm thật sâu cay, đượm chất trí tuệ nhưng cũng có thể dẫn ra mấy dòng thơ của các nhà thơ đương đại, họ có thể làm nghề khác, nhưng nghiệp thơ lại dành cho họ. Bài thơ Đỉnh cao và quyền lực của Hồng Vinh là một ý tưởng hay, hỗ trợ cho những nhận định mà báo Đảng thường tổng kết về một số cán bộ có quyền lực tham nhũng, xa dân:

Năm trước đỉnh cao quyền lực

Người người đăng ký đến thăm

Năm sau ngồi trong trại giam

Đồng tiền làm anh lác mắt

Đỉnh cao, vực thẳm - tấc gang

Lịch sử bao phen sống, chết

Ba lần đánh thắng Nguyên mông

Ba lần chiến tranh uy hiếp

Thành - bại từ người đứng đầu

Lòng dân - trường thành vững chắc        (2019)

Khi bàn về thơ châm biếm, đả kích, nhà thơ thường tìm đến dòng thơ triết luận, ở đó câu chữ súc tích, sức truyền cảm câu thơ, ý thức làm thỏa mãn trí tuệ, mở mang tư duy khi thưởng thức. Thơ ngắn là lực của ngôn ngữ. Thơ Mai Quỳnh Nam là một hiện tượng độc đáo của thơ trào lộng. Dưới đây là một bài trong tập thơ Không thiên vị, Nxb Hội Nhà văn, 2014: Bọn cậy tiền và bọn cậy quyền/ sát phạt trên bàn tiệc/ càng uống, chúng càng khát… Một bài thơ khác chỉ hai câu: Rắn là loài bò sát không chân/ hắn là loài bò sát hai chân...

Còn hiện tượng người buôn tuổi thật đáng khinh bỉ, xấu hổ khi đồng loại còn có bộ phận đói nghèo, thất nghiệp.

Anh cậy tuổi cao

Anh mang tuổi ra buôn

Mỗi năm mấy lần sinh nhật

Thông báo rộng khắp nơi

Buôn kiểu ấy;

Kiếm lời ngọt xớt

Tập thơ Vòng quay của Phạm Đình Ân vừa ra mắt bạn đọc vài năm gần đây, tuy chưa đạt đến độ chín của dòng thơ trào phúng, nhưng có nhiều đoạn thơ “đứng được”, được báo chí chú ý. Đọc bài Người trong ảnh, chỉ có 4 câu ngắn.

Thắt buộc vào nhân thế

Muôn mặt đời dại khôn

Còn cái còn, mà mất

Mất cái mất, lại còn.

Bài Cái ghế chỉ có vài dòng: Nhà công, người còn, ghế mất/ Nhà riêng, người mất, ghế còn.

Có một nhà thơ tuổi trung niên, vốn là nhà sân khấu học có một tập thơ bỏ túi, nhiều tập nhan đề: Nghiệm. Tôi hiểu là nghiệm sự đời, chế nhạo những kẻ ham danh, vụ lợi, khua môi, múa mép, nói nhiều làm ít. Thơ ông là một chuỗi khái niệm biến dịch, biện chứng của thế sự, người đời, đòi hỏi sự trăn trở của tư duy khi vận dụng vào hiện thực đời sống: còn và mất, chung và riêng, đối xứng và phi đối xứng, cười và khóc… Xin dẫn vài câu tâm đắc:

- Ham hố mãi rồi, ham hố gì?

Mất còn biến dị, ham hố chi?

- Quan tham lại nhũng thành dây

Chẳng phường sấp mặt, cũng mày mặc gian

- Tuyên ngôn hảo, ảo tưởng đời

Một mai mưa lũ, nổi trôi còn gì?

Nghệ thuật có hàng trăm cách nói, thơ đả kích châm biếm cũng không ngoại lệ, lấy cái bình thường để nói cái vĩ đại, lấy giọt nước để miêu tả biển cả, lấy cái phi lý để diễn đạt cái lý lẽ miễn là mang tính nhân văn. Ở đó nhà thơ không nên dè dặt với thế giới bản năng, sức mạnh vô thức, khả năng trực giác mà các nhà triết học thường quan cảm khi bàn về thơ.

THƠ VÀ ĐỜI THƯỜNG

Khái niệm này rất rộng: gia đình và xã hội, khu phố ở đô thị, đường làng ngõ xóm ở nông thôn… được thiên nhiên bao bọc, mời gọi, che chở, có cả vẻ đẹp gia phong của con người, và tình yêu của con người đối với những vật nuôi ngày ngày giúp ích cho con người. Chừng ấy câu chữ vẫn chưa bao chứa hết đời thường. Sáng tác thơ là thái độ sống; thơ ca lấy chủ nghĩa nhân văn làm trọng, nên nhà thơ tài năng nhìn đời, trọng người bao nhiêu thì thơ của họ càng hay bấy nhiếu. Mảng thơ đề tài xin dẫn một số bài hay, nhưng chưa nhiều của một số nhà thơ đã nhìn đời biến dị, yêu người tha thiết và yêu luôn những gì nhìn thấy. Trong thơ ca, hội họa thế giới mang đề tài này thường gắn với tên tuổi của những nhà thơ lớn. Chỉ riêng trong văn học Nga, người đọc đã bắt gặp những hình tượng thơ dung dị, đáng yêu: Puskin có Chim họa mi và nhánh hồngCon chim nhỏ, X.Exênhin có Bài ca về chú chó, E. Eptusenco có Con chó nhỏ của tôi với tâm sự về một người tình đã đi xa, chỉ tiếc là chú chó không biết uống rượu để “say” như một người tình. A.Vodonnhixenki có Triệu triệu bông hồng, kể chuyện một chàng họa sĩ nông nổi có thể bán cả tranh và nhà để mua hàng triệu bông hồng, coi như báu vật để chiều lòng người đẹp…

Trong thơ ca đời Đường, Tô Đông Pha thường coi con người làm bạn với tôm cá, hươu nai, coi vạn vật là bằng hữu, con người và vạn vật, bao dung hòa hợp, yêu thương nhau trong sự bao bọc, giúp đỡ. Trong thơ đương đại, vài năm gần đây, báo chí đã chú ý đến đề tài này. Báo Văn nghệ số 13 năm 2018 đăng bài Đám tang một con chó của Nguyễn Minh Khiêm: Không điếu văn, không cờ tang, không khăn trắng. Chỉ nước mắt/ trẻ già rưng rức/ Con chó/ gầy như cụ già mù chủ nó… Khi cụ già không đi được nữa/ nó vẫn đi từng ngõ/ với chiếc túi miệng/ người chủ mù gọi nó là mẹ ơi! Kết thúc bài thơ: Làng không nuôi được người già mù, nhưng nó nuôi được/ Có tiếng nấc trong nước mắt mẹ ơi!

Truyện thơ có thể tin được, nhưng cái đáng tin, đáng trọng hơn hết là chủ nghĩa nhân văn cao cả của con người đối với con vật, đối với vật nuôi trong nhà, như có một vị Thần trời ban cho nó. Trở lên là thơ buồn nói chuyện thương cảm.

Ở một dạng đề tài khác, bài Bàn giao của Vũ Quần Phương, Đây là một tứ thơ hay, chất triết lý, đại lý làm người khi tâm tình với thế hệ trẻ kế tục:

Rồi ông sẽ bàn giao cho cháu

Bàn giao gió heo may,

Bàn giao góc phố

Có mùi ngô nướng bay

Ông cũng bàn giao những tháng ngày vất vả

Sương muối đêm, bay lạnh mặt người

Đất rung chuyển xóm làng loạn lạc

Ngọn đèn mờ, mưa bão rơi…

Bài thơ có bốn đoạn với bút pháp phúng dụ: của cải mà ông bàn giao cho cháu không chỉ cái cụ thể, thiên nhiên gần gũi của tuổi thơ: gió heo may, mùi ngô nướng bay, hương bưởi tháng giêng… mà còn bàn giao cả những tháng ngày xóm làng loạn lạc, mưa bão rơi, mặt người đẫm nắng, và cả những nỗi buồn, nhưng vượt lên tất cả để nói một chân lý trìu tượng vĩnh hằng: làm người: nhân chi sơ tính bản thiện.

Nói về đời thường trong thơ, chúng ta không quên hình tượng bà mẹ và những người phụ nữ vắng chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Nhiều năm trước đây, chúng ta được đọc Gửi mẹ của Chế Lan Viên: “Mẹ ở dưới thành phố đó, lô cốt ngời vôi, mái đồn máu đỏ, con đi đây trên chót vót đỉnh rừng, mà mẹ già là gió dịu đưa hương/ Mẹ con ta trong thành Bình Định cũ/ Cái giếng vườn rau/ Căn nhà nho nhỏ/ Chị em con là trái ngọt sai vườn/ Mà mẹ già là gió đưa hương….Đây là những câu thơ chân chất, nhưng ai cũng thuộc với chất liệu giản dị, đầy xúc động tình cảm gia đình ly tán trong kháng chiến chống Pháp và là một đoạn đời của nhà thơ (Chế Lan Viên, quê gốc Quảng Trị, làng An Xuân, trước chiến tranh chống Pháp, gia đình chuyển vào Quy Nhơn,…).

Vào những năm gần đây, các nhà thơ nữ thế hệ trẻ cũng có những hình tượng mẹ với giọng điệu xót xa khi không còn mẹ: Nhà thơ Nguyễn Thị Mai với bài: Qua hàng trầu nhớ mẹ: “Thơm cay một miếng trầu xưa/ Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo/ Bây giờ đã hết gieo neo/ Lại không còn mẹ mà chiều khổ không/ Từ ngày đưa mẹ ra đồng/ Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn”. Lý Hoài Xuân với bài Khóc mẹ: “… Mẹ như có phép thần nâng đỡ, che chở tôi/ Thay bằng tiếng khóc, tiếng cười, tôi đã vượt qua nhiều dốc cao, vực thẳmThế mà, có một vực thẳm cuộc đời mẹ, tôi hoàn toàn bất lực/ Lạy mẹ, tôi ôm quan tài khóc”… Bài thơ gần như văn xuôi, ý thơ hay với cảm hứng phản xạ trước nỗi đau khôn xiết của người con gái yêu.

Để tiểu kết phần II của bài viết, tôi xin nói đôi điều về thơ và đời thường. Đời thường nhưng không tầm thường, mà là cảm hứng phản xạ thông minh, sự liên tưởng ngôn ngữ súc tích với bút pháp vừa hiện thực vừa ẩn dụ. Trong thơ thời kỳ Trung Cận đại ở nước ta, chúng tôi có thể nhớ lại hai đoạn thơ xuất thần của các nhà thơ, nho sĩ, có vốn văn hóa rộng khi tiếp cận với con người bình thường, cuốc sống bình thường. Trạng Nguyên Nguyễn Giản Thanh (cuối Lê - đầu Nguyễn) nhờ “tia chớp”sáng tạo, nên đã có câu thơ với bút pháp phóng đại, vừa mang ý nghĩa triết lý sâu xa:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách

Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

(Mưa không phải sợi dây ràng buộc, nhưng thường lưu khách

Sắc đẹp không phải là sóng gió nhưng thường làm say đắm lòng người)

Tự Đức (1829-1883) là một quốc vương có nhiều sở trường và quan tâm đến các loại hình nghệ thuật. Người đương thời xem ông là nhà thơ xuất sắc. Ông sáng tác bằng chữ Hán với tập Việt sử tam bách vinh và Luận ngũ diễn ca; Người đời sau nhớ ông là nhờ bài thơ Khóc vợ. Khi Bàng Phi mất ông có bài thơ Khóc vợ với câu thơ hiếm thấy: Xếp tàn y lại để giành hơi (Ta gấp áo váy cũ của nàng để giữ lại mùi hương thân thuộc).

Thơ ca cũng là triết học, tư tưởng, cảm hứng nhưng nhà thơ không thể hiện cuộc đời thân thuộc, con người đáng yêu dưới dạng tư duy biện chứng mà dưới dạng trực quan, cụ thể của hình tượng, của cảm hứng phản xạ của nhà thơ. Dù là đề tài đời thường, thơ cần đến tính siêu thực, sức nghĩ, sức cảm, đi tìm cái đẹp trong cái hài hòa, cái ngọt ngào trong cay đắng, cái đối xứng trong cái phi đối xứng. Hình thức thơ chỉ mang tính nghệ thuật khi nó được sinh ra từ nội dung: Cuộc sống muôn sắc.

Tác giả: GS Hồ Sĩ Vịnh
Nguồn Văn nghệ số 33/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập36
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm34
  • Hôm nay3,266
  • Tháng hiện tại125,810
  • Tổng lượt truy cập3,226,565
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây